Bộ GTVT yêu cầu các Ban Quản lý dự án, trường đại học, chủ đầu tư, các tổng công ty, công ty rà soát trách nhiệm quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.
Việc rà soát nhằm phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo ra khí thế, tư duy, cách làm mới, quyết tâm, quyết liệt trong hành động của các doanh nghiệp giao thông.
Bên cạnh đó, các đơn vị doanh nghiệp khẩn trương triển khai hiệu quả Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 được Bộ GTVT phê duyệt. Trong đó, tập trung vào đổi mới quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản, nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý của doanh nghiệp; chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm của doanh nghiệp đã được phê duyệt (bao gồm phê duyệt điều chỉnh); các nhiệm vụ, chỉ đạo liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, các đơn vị doanh nghiệp tập trung xử lý các công ty kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ; đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế.
Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp ưu tiên tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế; sắp xếp, tinh gọn bộ máy để nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế; tham mưu kịp thời Bộ GTVT tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp.