Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, cuộc họp đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch Ủy ban điều phối kết nối ASEAN năm 2020, với việc hoàn tất và thông qua Báo cáo Kiểm điểm giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Tổng thế về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tháng 11/2020.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận cách thức triển khai các khuyến nghị của Báo cáo Kiểm điểm giữa kỳ thực hiện MPAC 2025 nhằm tăng hiệu quả của các dự án trong MPAC 2025 và tăng sự gắn kết giữa các lĩnh vực.
Các đại biểu cũng đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện hiệu quả các dự án và hoạt động của MPAC 2025 sẽ hỗ trợ và đóng góp tích cực vào việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN hậu 2025 và Khung Phục hồi Tổng thể ASEAN.
Cuộc họp cũng ghi nhận và đánh giá cao tiến triển tích cực trong việc triển khai Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025). Cụ thể, 13/15 sáng kiến thuộc 5 lĩnh vực chiến lược của MPAC 2025 bao gồm Cơ sở hạ tầng bền vững, Đổi mới số, Kho vận liên thông, Tối ưu hóa hoạch định, và Dịch chuyển người dân, đang được triển khai.
Hai sáng kiến số 12 và 13 trong lĩnh vực chiến lược “Dịch chuyển người dân” đang trong quá trình chuẩn bị dự án. Đáng chú ý, trong lĩnh vực chiến lược Cơ sở hạ tầng bền vững, các dự án trong Danh sách các dự án cơ sở hạ tầng tiềm năng của ASEAN tiếp tục được thúc đẩy thông qua các chương trình xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật.
Khuôn khổ về nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được ra mắt tháng 10/2020. Việc xây dựng các mạng lưới thành phố nhằm triển khai Chiến lược Đô thị hóa bền vững ASEAN (ASUS) tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Dự án “Phát triển cơ sở dữ liệu mở ASEAN” đã chuyển sang giai đoạn triển khai từ tháng 11/2020. Dự án “Phát triển cơ sở dữ liệu ASEAN về các tuyến thương mại và khuôn khổ nhằm tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng” chuẩn bị hoàn thành giai đoạn 2 và dự kiến hoàn thành giai đoạn 3 vào tháng 02/2021.
Dự án “Nghiên cứu về tăng cường dịch chuyển sinh viên đại học nội khối ASEAN” đã công bố kết quả nghiên cứu vào tháng 10/2020.
Cuộc họp đã thông qua định hướng và các ưu tiên về kết nối của năm Chủ tịch ASEAN 2021 của Brunei và Kế hoạch công tác 3 năm giai đoạn 2021-2023 nhằm triển khai MPAC 2025.
Theo đó, trong thời gian tới, ASEAN sẽ tập trung nguồn lực, vận động các bên đối tác tham gia hỗ trợ nguồn lực và thúc đẩy các dự án trong các lĩnh vực chiến lược, và đặc biệt dành ưu tiên cao cho các dự án chưa được triển khai và các dự án đóng góp cho nỗ lực phục hồi của ASEAN từ đại dịch COVID-19.
Cụ thể, ASEAN sẽ ưu tiên triển khai các dự án về đánh giá tương lai của cơ sở hạ tầng bền vững và các ưu tiên hậu đại dịch, xây dựng dữ liệu về các tuyến thương mại, xây dựng từ điển về dữ liệu mở ASEAN, tăng cường phát triển các nền tảng số ASEAN, nâng cao đào tạo dạy nghề và phát triển nguồn nhân lực ASEAN trong giai đoạn mới.
Ngoài ra, cuộc họp cũng nhấn mạnh việc cần tăng cường quảng bá, phổ biến rộng rãi thông tin về nội dung và lợi ích của MPAC 2025, tiếp tục thúc đẩy Chiến lược truyền thông của MPAC 2025 trong năm 2021.
Cuộc họp cũng nhất trí cần thông tin và khuyến khích sự tham gia đồng bộ của các cơ quan chuyên ngành của ASEAN trong triển khai các dự án MPAC 2025, tăng cường cơ chế phối hợp, và liên kết việc triển khai MPAC 2025 với các sáng kiến kết nối khu vực và các nước đối tác của ASEAN.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) vào tháng 9/2016, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua MPAC 2025 với tầm nhìn tạo ra một ASEAN kết nối và liên kết toàn diện, thông suốt. ACCC được thành lập nhằm theo dõi, đánh giá và định kỳ báo cáo Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), Hội nghị Cấp cao ASEAN về tình hình và thách thức trong việc triển khai MPAC 2025. Các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực các nước ASEAN tại Jakarta đồng thời là thành viên đại diện tham gia ACCC.