Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Thư ký ASEAN Kung Phoak nhấn mạnh rằng tin giả và thông tin sai lệch là những thách thức đang nổi lên mà các quốc gia thành viên ASEAN phải giải quyết trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng Internet và các phương tiện kỹ thuật số đang gia tăng theo cấp số nhân trong khu vực. Báo cáo kỹ thuật số 2020 toàn cầu của We Are Social cho thấy tính đến tháng 1/2020, tỷ lệ sử dụng Internet chiếm 66% dân số ASEAN, tương đương 439 triệu người và tăng 8,2% so với năm trước, trong khi đó tỷ lệ sử dụng mạng xã hội của khu vực ở mức 63%, tăng 7,7%.
Phó Tổng Thư ký ASEAN cho biết ASEAN đã và đang thực hiện các bước cụ thể nhằm giải quyết thách thức liên quan đến vấn nạn tin giả và thông tin sai lệch liên quan trong khu vực. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 vào ngày 13/11/2017, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố ASEAN về văn hóa phòng ngừa vì một xã hội hòa bình, bao trùm, có khả năng chống chịu, lành mạnh và hài hòa, trong đó kêu gọi các hành động phối hợp nhằm thúc đẩy văn hóa ủng hộ các giá trị ôn hòa chống lại các hành vi lừa dối cố ý.
Phó Tổng Thư ký ASEAN Kung Phoak nhấn mạnh rằng lĩnh vực thông tin ASEAN đã và đang dẫn đầu một số sáng kiến quan trọng nhằm giải quyết tác hại của tin giả. Các bộ trưởng thông tin ASEAN (AMRI) đã triệu tập một cuộc thảo luận bàn tròn về tin giả và cung cấp thông tin đúng sự thật vào năm 2017; thông qua Khung và Tuyên bố chung nhằm giảm thiểu tác hại của tin giả vào năm 2018.
Gần đây nhất, vào năm 2020, AMRI đã thông qua Tuyên bố chung nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19, thể hiện quyết tâm của khu vực trong việc khuyến khích trao đổi thường xuyên các thông tin cập nhật và chính thức; thúc đẩy đạo đức truyền thông và trách nhiệm xã hội của các phương tiện truyền thông và tăng cường hợp tác truyền thông.
Về phần mình, ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao phụ trách thông tin ASEAN (SOMRI) - đã điểm lại các cơ chế hợp tác thường niên chính thức về thông tin của ASEAN gồm Hội nghị AMRI, SOMRI, Ủy ban Văn hóa - Thông tin ASEAN (COCI) và Tiểu ban Thông tin ASEAN (SCI).
Liên quan đến vấn đề tin giả, ông Triệu Minh Long cho rằng trong thời gian tới ASEAN sẽ cần thành lập một Lực lượng Đặc nhiệm chống tin giả, đồng thời phát triển một hướng dẫn khu vực và một nền tảng chung nhằm tạo điều kiện chia sẻ thông tin kịp thời.
Theo ông, hiện các nước ASEAN đang triển khai một số biện pháp chống tin giả, trong đó ban hành các điều luật hoặc quy định điều chỉnh các nội dung liên quan đến việc cung cấp thông tin trên mạng và tin giả. Về công cụ quản lý, các nước khu vực đã thành lập cơ quan phụ trách, chịu trách nhiệm về thông tin trực tuyến hay các trung tâm chống tin giả; thiết lập đường dây nóng; xây dựng các website để tiếp nhận phản ánh của người dân và kịp thời xử lý tin giả; và ứng dụng công nghệ số để xác minh thông tin.
Cũng theo Phó Chủ tịch SOMRI Triệu Minh Long, các nước trong khu vực cũng đã triển khai các chương trình giáo dục kỹ năng thông tin và các chiến dịch nâng cao nhận thức cho người dân, đồng thời thúc đẩy hợp tác công - tư giữa chính phủ và các nhà cung cấp mạng xã hội nhằm gỡ bỏ tin giả và các thông tin sai sự thật, đặc biệt là các thông tin liên quan đến đại dịch COVID-19.
Cuối cùng, ông khuyến nghị các nước ASEAN tăng cường cung cấp thông tin từ các kênh chính thống của chính phủ; tuyên truyền văn hoá đạo đức xã hội lành mạnh; tăng cường giáo duc các kỹ năng truyền thông và thông tin nhằm giúp người dùng phân biệt và đánh giá các thông tin sai lệch từ đó có “sức đề kháng” trước tin giả và những thông tin sai sự thật.