Hơn 100 hội viên nhà báo, các đại biểu là nhà nghiên cứu, quản lý nhà nước trên lĩnh vực truyền thông, báo chí tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc, ông Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh, trong môi trường thông tin đa dạng và phức tạp như hiện nay, có nhiều tin giả lan truyền trên mạng xã hội khiến bạn đọc, người dân không thể phân biệt thực hư, tác động xấu đến các mặt của đời sống xã hội. Hơn lúc nào hết, báo chí cần tiên phong trong việc định hướng và làm chủ dòng chảy thông tin, thực sự là người dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội. Hội thảo nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng nghiệp vụ, nhận thức và vai trò của báo chí, trách nhiệm xã hội, đạo đức của người làm báo trong thời kỳ kỷ nguyên số.
Hơn 30 tham luận tại hội thảo đã đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng của tin giả tràn lan trên các trang mạng xã hội như: thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… ảnh hưởng xấu đến môi trường xã hội lành mạnh, đặc biệt là đối với giới trẻ và những người sử dụng mạng internet thiếu sự hiểu biết, thiếu kỹ năng kiểm chứng từ nguồn tin chính thống.
Nhà báo Phạm Mỵ, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường, dẫn chứng: Chỉ tính riêng tại Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố cho biết từ ngày 31/1 đến ngày 14/3 đơn vị này đã lập hồ sơ xử lý 44 cá nhân đăng tin sai sự thật về dịch COVID-19 trên trang Facebook cá nhân và Youtube, gây hoang mang dư luận. Nhà báo Phạm Mỵ cũng nêu lên các vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý báo chí hiện nay…
Hội thảo đã đưa ra các giải pháp để xử lý nạn tin giả, trong đó đề cao vai trò của mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo. Nhà báo Phong Nguyên (phóng viên thường trú Báo Nhân dân) tại Khánh Hòa phân tích: Trong điều kiện thông tin “vàng thau" lẫn lộn, vai trò người làm báo được thể hiện ở năng lực thẩm định nguồn tin, kiểm chứng thông tin. Việc cung cấp kịp thời thông tin chính xác, khách quan và chân thực là nhiệm vụ của báo chí.
Nhiều ý kiến tham luận chỉ ra ra rằng để môi trường thông tin không bị “nhiễu” bởi tin giả, trước mắt cũng như lâu dài, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức, năng lực của nhà báo; tính nguyên tắc, kỷ cương trong thông tin của cơ quan báo chí, tính nghiêm minh của pháp luật Nhà nước trong việc xử lý những sai phạm trong thông tin.
Cho rằng trong tình hình có nhiều tin giả thì các nhà báo có cơ hội để thể hiện mình, anh Đình Lâm (phóng viên Báo Khánh Hòa) nhấn mạnh: Một khi thông tin của báo chí được truyền tải một cách khách quan, có tính chiến đấu và tinh thần nhân văn, chống lại tin xấu, độc, hướng đến giá trị tốt đẹp, báo chí sẽ giành được niềm tin của xã hội.
Cùng quan điểm là không để mạng xã hội “dẫn dắt”, không lệ thuộc vào Facebook, nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam), khẳng định: Người làm báo luôn phải đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết, có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng và hình thành dư luận xã hội.