Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai - Trưởng đoàn giám sát, đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Phú Yên trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Đồng thời đề nghị Phú Yên phải thúc đẩy việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển. Tỉnh ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại các địa bàn nghèo, địa bàn khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số từ đây khuyến khích sự tích cực, chủ động người nghèo vươn lên phát triển kinh tế…
Ông Nguyễn Hoàng Mai cũng đề nghị, trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên cần tiếp tục duy trì chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch, không để có trường hợp mắc bệnh nhằm ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVD-19 đã rất chặt chẽ nhưng cần rà soát và tiếp tục chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng còn lại. Đối với các vướng mắc, đề xuất kiến nghị của tỉnh Phú Yên, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2016 - 2020 địa phương đã đạt mục tiêu giảm nghèo và hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Kết quả điều tra vào năm 2016, toàn tỉnh có 30.803 hộ nghèo (12,62 %). Đến cuối năm 2019 còn 10.271 hộ (3,93%), ước cuối năm nay chỉ còn 2,54% hộ nghèo. Kinh phí đã bố trí thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên là gần 430 tỷ đồng. Các hộ nghèo được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước như: chính sách xóa nhà tạm, hỗ trợ Bảo hiểm y tế…
Để hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế, địa phương đã tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện các chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình được giúp đỡ và vươn lên thoát nghèo thông qua việc triển khai "mô hình cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo".
Mặc dù vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Phú Yên còn cao so với mức chung của cả nước. Các hộ nghèo chủ yếu là thuần nông, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp cơ sở thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo ở địa phương.
Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên đề nghị, để thực hiện các chính sách giảm nghèo có hiệu quả, Quốc hội cần tích hợp chính sách, bỏ các chính sách cho không (như tiền điện hỗ trợ hộ nghèo), chỉ duy trì các chính sách hỗ trợ thuộc lĩnh vực về y tế, giáo dục; bổ sung một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ mới thoát nghèo có điều kiện; sớm ban hành xác định chuẩn mức sống tối thiểu để làm cơ sở xây dựng chuẩn hộ nghèo sát với điều kiện thực tế và giúp cho việc thực hiện công tác giảm nghèo mang tính bền vững.
Đối với với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tính đến hiện nay, tỉnh Phú Yên có tổng số đối tượng được hỗ trợ là 161.032 người (bao gồm hộ kinh doanh) với số tiền là 162,660 tỷ đồng. Việc thực hiện hỗ trợ được thực hiện trong thời gian ngắn, số lượng đối tượng nhiều, phạm vi hỗ trợ rộng và kinh phí hỗ trợ lớn. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và các địa phương nên công tác này không xảy ra sai sót, kinh phí hỗ trợ kịp thời đến tay người dân góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.