Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, phục vụ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV chuẩn bị diễn ra, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức họp phiên toàn thể lần thứ 11 để thẩm tra dự án Luật, các báo cáo của Chính phủ, của các bộ, ngành thuộc lĩnh vực Uỷ ban phụ trách và thống nhất nội dung trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; tổng kết hoạt động năm 2018 và định hướng hoạt động năm 2019.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban sẽ thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả hai năm (2017-2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2017; việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nội dung về cam kết liên quan đến lĩnh vực lao động, công đoàn và y tế; dự án Luật phòng, chống tác hại rượu, bia; tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Ngay sau khai mạc phiên họp, Ủy ban về các vấn đề xã hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả hai năm (2017-2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Trình bày báo cáo của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016). Theo đó, giai đoạn 2015- 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt và vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1- 1,5%/năm. Cụ thể, theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước là 15,10% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 9,88%). Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước giảm còn 13,64%; đến cuối năm 2017 giảm còn 12,02% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 6,70%, giảm 1,53% so với cuối năm 2016).
Cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2015- 2017, số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1 - 1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 5,43%/năm; tại các xã thuộc Chương trình 135 giảm khoảng 3% - 4%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội giao.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 76/2014/NQ13 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020; các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao; khuôn khổ văn bản pháp lý để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cơ bản đã được hoàn thiện; cơ chế quản lý điều hành, phân công phân cấp, phối hợp, lồng ghép trong tổ chức thực hiện đã từng bước được hình thành và đi vào nền nếp; nhiều mục tiêu đề ra trong Nghị quyết đã được tổ chức thực hiện đạt và vượt tiến độ đề ra.
Ngoài ra, tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017); 10 tỉnh, thành phố không có tái nghèo; một số tỉnh khó khăn đạt thành tích ấn tượng trong kéo giảm tỷ lệ tái nghèo.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 76 chưa đạt tiến độ quy định, việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai còn chậm; nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt...
Đề nghị làm rõ các số liệu trong báo cáo, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, kết quả giảm nghèo rất tốt nhưng một số tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội mà tỷ lệ tái nghèo vẫn cao như Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Kiên Giang... Thực tế cho thấy, nhiều địa phương quá coi trọng vấn đề giảm nghèo và coi giảm nghèo như một sinh kế, nhưng cũng có địa phương còn thờ ơ, không "mặn mà" với công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, việc tích hợp và vận dụng thực hiện các chính sách còn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến việc thực hiện các dự án không có hiệu quả, do đó cần chỉ ra giải pháp căn cơ cho tình trạng này.
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, về cơ bản các ý kiến của các đại biểu đều đồng tình với báo cáo Dự thảo báo cáo của Chính phủ và Dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Vì vậy, thời gian tới, các thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục quan tâm để củng cố thêm cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn để đề xuất với Quốc hội về nội dung giám sát này
Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra đến ngày 11/10.