Quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế là một trong những nội dung mà Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ thẩm tra, phục vụ Kỳ họp thứ tư vào 10/2017. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, phục vụ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV chuẩn bị diễn ra vào tháng 10 tới, Ủy ban sẽ thẩm tra nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế; việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá trong hai năm 2016-2017; tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Tại phiên họp, Ủy ban sẽ cho ý kiến về dự kiến triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 thuộc lĩnh vực y tế, lao động - thương binh và xã hội cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Ngay sau khai mạc, Ủy ban Về các vấn đề xã hội thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2016; tình hình hai năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Dự thảo Báo cáo của Chính phủ cho biết, đến hết năm 2016, số người tham gia bảo hiểm y tế là 75,91 triệu người, tăng 6,25 triệu người (tương đương với 8,5%) so với năm 2015, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 81,9% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế chưa thực sự bền vững do nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng chiếm tỷ lệ cao (65,2%). Đây là thách thức và cần có giải pháp đối với các đối tượng như thoát nghèo, không còn là đối tượng cận nghèo khi không còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
Quỹ bảo hiểm y tế năm 2016 mất cân đối thu - chi trong năm là 831 tỷ đồng, nhưng tính đến hết năm, quỹ dự phòng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã bù đắp và số dư còn hơn 47.000 tỷ đồng. Dự kiến năm nay, quỹ dự phòng còn hơn 38.000 tỷ đồng và năm 2018 còn 23. 410 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, đủ cân đối quỹ bảo hiểm y tế ít nhất đến hết năm 2019.
Phân tích nguyên nhân gia tăng chi quỹ bảo hiểm y tế, Chính phủ cho rằng do mức đóng không thay đổi trong khi đã có sự điều chỉnh về mức hưởng. Cùng với đó là việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh và điều kiện tiếp cận dịch vụ.
Tuy nhiên, một nguyên nhân rất đáng chú ý là do tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế. Trong đó có tình trạng chỉ định sử dụng thuốc bổ trợ, dịch vụ kỹ thuật nhiều hơn mức cần thiết so với yêu cầu chuyên môn; cho người bệnh nhập viện khi tình trạng bệnh chưa thực sự cần thiết. Xẩy ra tình trạng người bệnh đi khám bảo hiểm nhiều lần trong thời gian ngắn mà không thực sự vì mục đích khám chữa bệnh.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho biết thực tế tại Hải Dương cho thấy, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã thực hiện xã hội hóa, đưa trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, sức ép về việc thu hồi vốn đầu tư các thiết bị này đã dẫn tới tình trạng lạm dụng bằng việc chỉ định các xét nghiệm, thăm dò chức năng chưa cần thiết, tạo nên gánh nặng cho quỹ bảo hiểm y tế.
Chính phủ đã đề xuất các giải pháp để quản lý, sử dụng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế, nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm chế tài xử phạt với các trường hợp nợ, trốn đóng bảo hiểm y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ để người dân thấy tham gia bảo hiểm y tế có lợi hơn. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý cung ứng dịch vụ và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh; tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm.
Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra đến ngày 30/9.