Sáng 27/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 6, thảo luận nhiều nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực lao động - thương binh - xã hội và y tế.
Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Kỳ họp này sẽ cho ý kiến và đánh giá tác động của những chính sách lớn về lao động - thương binh - xã hội và y tế. Trong đó, Ủy ban sẽ thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2016 và Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2016; thẩm tra Tờ trình của Chính phủ điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 thuộc lĩnh vực của Ủy ban phụ trách , cùng nhiều nội dung khác.
Ngay sau phiên khai mạc, các thành phiên Ủy ban đã thảo luận, cho ý kiến Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2016. Theo báo cáo, đến hết năm 2016, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 13 triệu người, tăng hơn 775.000 ngàn người so với năm 2015; số thu bảo hiểm xã hội đến hết năm 2016 ước đạt 174,5 nghìn tỷ đồng; nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc là 6,55 nghìn tỷ đồng.
Về hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội, hiện nay chủ yếu là hình thức mua trái phiếu Chính phủ, cho ngân sách Nhà nước vay, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại. Đánh giá có nhiều tín hiệu khả quan về tình hình bảo hiểm xã hội năm 2016, tuy nhiên đại biểu Phạm Xuân Thăng cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Hiện cử tri rất quan tâm đến tính minh bạch của việc thu chi, quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội. Điều này tác động rất lớn đến tâm lý của người đóng bảo hiểm xã hội. Trên thực tế, quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ đóng góp của những người tham gia đóng bảo hiểm xã hội nên họ cần được biết và minh bạch.
Năm 2016 là năm đầu tiên cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội. Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã thực hiện 7.578 cuộc thanh tra, kiểm tra tại hơn 13.000 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, phát hiện gần hơn 39.400 trường hợp người lao động chưa được đóng bảo hiểm hoặc được đóng thiếu thời gian với số tiền trên 23,6 tỷ đồng; 11.600 người lao động được đóng thiếu mức tiền lương theo quy định với trên 9 tỷ đồng; 6.800 lượt người hưởng sai quy định gần 7,9 tỷ đồng.
Qua thanh tra, kiểm tra, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá: Tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội còn diễn ra phổ biến. Các vi phạm điển hình là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, ghi mức lương trong hợp đồng lao động thấp hơn thực trả, ký hợp đồng theo thời vụ nhiều lần để trốn đóng bảo hiểm xã hội…
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Xuân Thăng cho rằng, thanh tra trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Năm 2016, có hơn 201 ngàn doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội nhưng so sánh với 470 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động thì còn rất thấp, chưa tới 50%. Doanh nghiệp có muôn vàn cách để trốn đóng bảo hiểm song chúng ta chưa có biện pháp hiệu quả trong việc vận động, bắt buộc doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, cần phải phân tích sâu sắc và đề xuất giải pháp có tính chất chế tài mạnh mẽ và quy phạm pháp luật cao hơn nữa.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật mới đi theo chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu, đồng thời cũng chưa bao phủ được hết những đối tượng thật sự cần tuyên truyền. Còn 3 năm nữa để thực hiện mục tiêu đạt 50% tổng số lao động đóng bảo hiểm xã hội, hiện chúng ta mới đạt được 24,6% (trong tổng số hơn 53 triệu lao động). Đây là một thách thức khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong tương lai.
Về giải pháp, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần triển khai nhanh chức năng thanh tra chuyên ngành; tiếp tục đôn đốc để thu nợ cho vay của ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội; tăng cường hiệu quả công tác đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp để làm sao đảm bảo an toàn và tăng trưởng tốt…
Trong ngày, các đại biểu cũng cho ý kiến thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2016; nghe báo cáo và cho ý kiến về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2017 và dự kiến 6 tháng cuối năm 2017 lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội; tình hình thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình mục tiêu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; nghe báo cáo và cho ý kiến về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.
Phiên họp toàn thể sẽ diễn ra trong hai ngày 27 - 28/4.