Phiên họp toàn thể Ủy ban về các vấn đề xã hội lần thứ 12: Cho ý kiến về các nội dung liên quan đến lĩnh vực lao động, xã hội

Sau 3 ngày làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phiên họp toàn thể Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội lần thứ 12 đã bế mạc chiều 26/4.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp ngày 26/4.

Trong phiên họp ngày 26/4, các đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến về các nội dung liên quan đến lĩnh vực lao động, xã hội. Cụ thể, các đại biểu cho ý kiến về: đề xuất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đối với các đề án, đề xuất thuộc lĩnh vực lao động – thương binh và xã hội; việc phê chuẩn Công ước số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; báo cáo giám sát chuyên đề tình hình thực hiện chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (giai đoạn 2016-2018), tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018…

Báo cáo tình hình triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, năm 2019, Bộ có hai dự án luật, pháp lệnh: Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019); Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 11/2019. Năm 2020, Bộ dự kiến xây dựng dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020). Trong các năm tiếp theo, tùy thuộc vào vào yêu cầu của thực tiễn và tình hình nghiên cứu của từng dự án cụ thể, Bộ sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội vào thời điểm phù hợp đối với 3 dự án luật, pháp lệnh: Luật Người cao tuổi (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bình đẳng giới.

Chia sẻ thêm về công tác xây dựng luật, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định, hiện nay vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em rất bức xúc trong xã hội. Thực tế này đòi hỏi cần nghiên cứu xây dựng Luật Phòng chống xâm hại trẻ em, tạo cơ sở, chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm, bảo vệ quyền trẻ em. Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, với tư cách thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến nay, Việt Nam đã gia nhập 23 Công ước của ILO. Trong số đó có 5/8 Công ước ước cơ bản, 3 Công ước cơ bản còn lại Việt Nam chưa gia nhập gồm: Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức, Công ước số 87 về Quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức, Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Dự kiến Công ước số 98 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tháng 5/2019; trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5/2019. Công ước số 105 dự kiến sẽ gia nhập tháng 10/2020, Công ước số 87 dự kiến gia nhập tháng 10/2023.

Tin, ảnh: T.Hoài (TTXVN)
Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh
Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh

Chiều 17/4, tiếp tục Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN