Các địa phương đều xác định, “tài sản” quý giá nhất và cần phải giảm tổn thất đến mức thấp nhất, đó là sinh mạng của người dân. Bài học đắt giá từ cơn bão số 12 (Damrey) hồi tháng 11 của hai năm về trước (2017) khiến trên 100 người dân vùng Nam Trung Bộ thiệt mạng, là sự cảnh tỉnh cho lúc này.
Tại Khánh Hòa, trong Công điện khẩn của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa phát đi từ trưa 29/10, điều quan tâm đầu tiên của tỉnh là yêu cầu các cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ và tăng cường thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ đến người dân để chủ động phòng tránh; tiếp tục rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền; thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đôi với tàu vận tải và du lịch).
Các địa phương phải hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nơi tránh trú, không để tàu thuyền hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu hành trên biển trong thời gian có mưa, bão, lũ xảy ra; tổ chức hướng dẫn di chuyển, gia cố lồng, bè, bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản…
Trong 2 năm 2017 và 2018, thành phố Nha Trang là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do mưa bão lớn. Lúc này, ngoài đảm bảo an toàn cho người dân, UBND thành phố cũng triển khai nhiều hoạt động đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Cảng vụ Nha Trang kết hợp với Ban Quản lý Vịnh Nha Trang tiến hành thông báo đến các phương tiện tàu bè du lịch di chuyển, để chủ phương tiện tìm nơi tránh trú an toàn; các ca nô, tàu du lịch đưa về tránh trú ở cảng Hòn Rớ và sẽ hoàn thành trong chiều 29/10.
Trên bãi biển Nha Trang, các đơn vị hữu trách tăng cường lực lượng tuần tra, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, ngăn ngừa du khách tắm lúc biển động. Cùng với cả tỉnh, Nha Trang cho phép học sinh nghỉ học trong hai ngày 30 - 31/10.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang khuyến cáo: Các xã, phường theo dõi chặt chẽ tình hình dự báo thời tiết và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, không để xảy ra tình trạng mất an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo tài sản, tính mạng của nhân dân. Với các xã, phường có các vị trí xung yếu nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao như: Vĩnh Trường, Phước Đồng phải tiến hành di dân ngay trong chiều nay.
“Địa phương nào nào để chết người, thì phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố” - ông Nguyễn Sỹ Khánh nhấn mạnh.
Tại huyện Vạn Ninh, nơi có vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, ngay từ khi nắm được thông tin áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh lên thành bão đổ bộ trực tiếp, ngày 28/10, UBND huyện đã chủ động kêu gọi tàu thuyền, chủ lồng bè nuôi tôm, cá di dời đến nơi an toàn.
Rút kinh nghiệm từ thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 12 (năm 2017), người dân đã chủ động thực hiện công tác di dời, tránh trú, gia cố, chằng chống lồng bè để đối phó nếu bão đổ bộ trực tiếp vào khu vực này. Toàn huyện có trên 40.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản với hơn 2.900 lao động, phần lớn tập trung tại khu vực Vịnh Vân Phong.
“Đến trưa 29/10 đã có khoảng 80% số lồng bè được dân di dời đến vùng an toàn; lực lượng chức năng nỗ lực di dời số còn lại trong chiều cùng ngày” - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh Võ Lục Phẩm cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa thông tin, đến trưa 29/10 có 7 tàu cá của ngư dân đang trong hành trình đánh bắt hải sản đã vào âu tàu tại đảo Song Tử Tây trú tránh. Các đảo duy trì kíp trực 24/24 giờ, kịp thời thông báo về diễn biến phức tạp của thời tiết, sẵn sàng giúp đỡ ngư dân và bảo vệ người dân sống trên các đảo.
Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa nhắc nhở: Bài học về cơn bão số 12 (Damrey) năm 2017 còn đó, người dân không được chủ quan. Đặc biệt chính quyền các địa phương phải giúp di dời người dân, dự trữ lương thực thực phẩm; thường xuyên thống kê, đảm bảo an toàn cho du khách khi bão đổ bộ.
Đối với Bình Định, chiều 29/10, UBND tỉnh cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ứng phó với mưa bão. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ông Trần Châu yêu cầu các sở ban ngành địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ, tránh tâm lý chủ quan. Các địa phương rà soát, đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch; chuẩn bị sẵn sàng các phương án di dời dân ở các khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập sâu do triều cường; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, trụ sở, trường học, tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Các địa phương chủ động triển khai phương án sẵn sàng ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”, chủ động dự trữ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng bị chia cắt dài ngày. Túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, giảm tối thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Đến chiều 29/10, tỉnh Bình Định đã kêu gọi được hơn 5.000 tàu thuyền vào neo đậu an toàn. Các lực lượng chức năng tỉnh Bình Định tiếp tục cập nhật thông tin, hướng đi của bão; đồng thời hướng dẫn các thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển đi trú ẩn an toàn.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết hiện 165 hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong tỉnh mới chỉ đạt 20% dung tích thiết kế, các hồ đều sẵn sàng tích nước, cắt lũ vùng hạ du. Hơn 5.000 ha lúa mùa đang thời kỳ trổ đòng có nguy cơ bị ngập úng do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày; khoảng 3.000 lồng bè nuôi thủy sản chưa đến mùa thu hoạch.
“Theo dự báo, ngày 30 và 31/10 địa bàn tỉnh Bình Định sẽ có mưa rất to, gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 trở lên. Từ ngày 30/10 trở đi có khả xuất hiện một đợt lũ lớn; các sông trong tỉnh đạt mực báo động 2, báo động 3, có nơi trên báo động 3”- ông Hổ cho biết.
Ở Phú Yên, đến 11 giờ trưa 29/10 vẫn còn 345 tàu với 1.924 lao động trong tỉnh đang hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển; toàn tỉnh hiện có 91.000 lồng với 3.000 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển, đầm vịnh. Đến 14 giờ ngày 29/10, tất cả các phương tiện đều được lực lượng Bộ đội Biên phòng thông báo thông tin về tình hình, diễn biến áp thấp nhiệt đới, dự báo bão trên biển Đông để chủ động di chuyển phương tiện ra khỏi khu vực nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn. Các địa phương cũng đã chủ động cũng kêu gọi các hộ dân sống trên thuyền, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản lên bờ.
Ông Lâm Khắc Vinh, trú ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu cho biết: Gia đình tôi có 140 lồng nuôi tôm hùm và cá bớp trên vịnh Xuân Đài. Qua theo dõi tình hình thời tiết trên các phương tiện thông tin, tôi biết mưa, bão có thể ảnh hưởng nặng đến địa phương trong những ngày tới. Gia đình tôi đã huy động thêm 4 nhân công chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm và gia cố lại lồng, bè nuôi. Sau khi hoàn thiện chúng tôi sẽ yêu cầu các công nhân lên bờ sớm tránh bão, không để ai lại trên bè vào ban đêm, để bảo đảm an toàn.
Còn theo ông Huỳnh Noàng, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, gia đình có hai tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 420CV đến 560CV, ông đã chủ động hướng cho tàu tránh xa các vùng biển nguy hiểm, tìm được nơi neo đậu an toàn, các thuyền viên trên tàu và người thân trong bờ cũng duy trì liên lạc thường xuyên qua thiết bị giám sát nên rất yên tâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết: Phú Yên có bờ biển dài, tỉnh có 3.000 hộ nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển, cho dù sóng, gió cấp độ nào, thì ảnh hưởng của cơn bão này đối với các lồng bè nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Với kinh nghiệm của các đợt mưa bão những năm trước, Phú Yên đã tập trung tuyên truyền cho các hộ dân áp dụng biện pháp cho chìm lồng bè sâu xuống biển, hạn chế tác động của sóng để đảm bảo an toàn tài sản; đồng thời kêu gọi người dân phải rời thuyền, lồng, bè để vào bờ sớm, thậm chí tỉnh đã lên phương án cưỡng chế nếu các hộ dân không lên bờ tránh bão.
UBND tỉnh Phú Yên đưa ra danh mục các khu vực xung yếu thường xuyên xảy ra triều cường tại các huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa để các địa phương chủ động lên kế hoạch di dời người dân. Tại các địa phương này, lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, thanh niên xung kích cũng đã sẵn sàng hỗ trợ người dân, đảm bảo an toàn khi có tình huống xấu xảy ra.
Nằm ở phía bắc, có thể nằm ngoài vùng “tâm bão” theo dự báo, nhưng tỉnh Quảng Ngãi không thể lơ là, công tác ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và bão tại các địa phương ven biển đang được khẩn trương triển khai.
Để giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về tính mạng con người, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng tránh áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ. Trong đó, các huyện, thành phố ven biển, đảo và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức theo dõi, thông báo, hướng dẫn kịp thời cho chủ các phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa bão để ngư dân chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho mình và bạn chài. Các cơ quan chức năng phải duy trì giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Số tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi hoạt động trên các vùng biển là 633 tàu với hơn 6.500 lao động; chủ yếu còn hoạt động tại vùng biển Quảng Ngãi, vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Số tàu này đã được các ngành chức năng và gia đình liên lạc để thông báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới, khả năng mạnh lên thành bão để tìm đến nới an toàn tránh trú. Người dân các địa phương ven biển đã tiến hành gia cố, lai dắt tàu, bè về nơi trú ẩn an toàn; kiên quyết không cho chủ tàu, chủ bè ở lại để đề phòng tình huống xấu xảy ra.
Sáng 29/10, tuyến vận tải biển nối liên giữa Sa Kỳ ra huyện đảo Lý Sơn đã chính thức tạm dừng hoạt động. Việc cho tạm dừng hoạt động vận tải khách, vận tải hàng hóa từ đất liền ra đảo Lý Sơn sẽ kéo dài cho đến khi thời tiết ổn định trở lại. Cùng thời điểm, các cảng cá tại Quảng Ngãi đã đón hàng trăm lượt tàu thuyền vào neo đậu tránh trú áp thấp nhiệt đới. Nhiều tàu cá dù chưa hết phiên biển nhưng khi nghe thông tin tình hình thời tiết chuyển biến xấu cũng đã chủ động ngưng khai thác, khẩn trương đưa tàu vào bờ bán hải sản để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Bão số 5 đang tiến vào đất liền, Nam Trung Bộ lần nữa phải đối đầu với thiên tai khắc nghiệt. Bảo vệ sinh mạng cho người dân là ưu tiên hàng đầu.