Diễn đàn EST 12 có chủ đề: “Tiến tới thành phố thông minh và có khả năng thích ứng thông qua hệ thống giao thông vận tải thông minh và cacbon thấp” diễn ra từ ngày 28 - 30/10/2019 tại Hà Nội.
Sự kiện do Bộ Giao thông Vận tải củ trì, phối hợp với các đơn vị: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Môi trường Nhật Bản, Trung tâm Phát triển vùng Liên hợp quốc đồng tổ chức. Trên 330 đại biểu, trong đó, có 213 đại biểu quốc tế thuộc 25 quốc gia châu Á, 122 đại biểu trong nước tham dự Diễn đàn.
Được biết, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn EST 12/2019 thể hiện vai trò, trách nhiệm là thành viên của Liên hợp quốc trong nỗ lực chung phát triển giao thông - vận tải bền vững về môi trường.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế trong hợp tác giao thông - vận tải... Bên cạnh đó, Diễn đàn là cơ hội truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về mục tiêu phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Với 4 phiên thảo luận toàn thể; 3 phiên đối thoại chính sách, 2 phiên đối thoại chính sách EST cấp chủ tịch tỉnh, thành phố cùng các phiên thảo luận bàn tròn, khảo sát kỹ thuật…, EST 12 gắn chặt với việc thực hiện mục tiêu số 11 của các mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030.
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp thúc đẩy phát triển thành phố thông minh, hệ thống giao thông thông minh, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị, đảm bảo xây dựng hệ thống giao thông an toàn, thuận tiện.
Phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá: Nhiều năm qua, Diễn đàn liên chính phủ về Giao thông vận tải bền vững với môi trường khu vực châu Á (EST) do Trung tâm Phát triển vùng Liên hợp quốc (UNCRD) và Chính phủ Nhật Bản khởi xướng đã trở thành diễn đàn hết sức quan trọng, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong nỗ lực thúc đẩy giao thông - vận tải bền vững với môi trường tại châu Á.
Thông qua nhiều hoạt động phong phú, thực chất, diễn đàn EST đã góp phần quan trọng để thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trước đây, cũng như các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) hiện nay.
"Diễn đàn là sự kiện quan trọng nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết nối giao thông - vận tải trong khu vực châu Á để có thể chống lại các tác động tiêu cực về môi trường và xã hội; trong đó đặt ra nhu cầu đổi mới trong tư duy thiết kế đô thị", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhu cầu đổi mới trong tư duy thiết kế đô thị gồm nhiều nội dung: từ việc tích hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông, thiết kế hệ thống phương tiện vận tải tiên tiến ít phát thải, đến hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai. Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông để giải quyết các thách thức của đô thị hiện tại, cũng như chuẩn bị cho các thành phố phát triển mạnh trong tương lai....
Đồng thời, việc đổi mới trong tư duy thiết kế đô thị còn góp phần quan trọng trong việc đạt được sự phát triển đô thị toàn diện, bền vững, đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, kể cả những người dễ bị tổn thương, người yếu thế trong xã hội; đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Phó Thủ tướng, là một trong những quốc gia cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia tiến trình thực hiện phát triển bền vững thông qua xây dựng, thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Việt Nam là một trong những quốc gia đã tích cực xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với những cam kết mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 của Việt Nam tiếp tục khẳng định phải tạo ra đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam đã có cải thiện đáng ghi nhận trong thập kỷ qua (tăng 36 bậc trong giai đoạn 2010-2015).
Về phát triển đô thị thông minh, bền vững, Việt Nam đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh, bền vững giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, hiện đang tích cực xây dựng nền tảng, cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh và tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở một số thành phố.
Phó Thủ tướng đánh giá, châu Á là khu vực có các nền kinh tế lớn, phát triển năng động, do đó có tiềm năng to lớn về xây dựng chính sách hạ tầng giao thông cũng như đổi mới công nghệ. Trong bối cảnh đó, EST 12 sẽ là diễn đàn quan trọng để các nhà hoạch định chính sách cũng như nhà tài trợ trao đổi, thảo luận để thúc đẩy hệ thống giao thông - vận tải bền vững với môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững.
"Tôi ủng hộ các đại biểu tham gia diễn đàn EST 12 đưa ra Tuyên bố Hà Nội nhằm hiện thực hóa thành phố thông minh ở châu Á, thông qua giải pháp thực hiện giao thông - vận tải bền vững môi trường", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Trung tâm Phát triển vùng Liên hợp quốc (UNCRD), với vai trò là đầu mối tổ chức diễn đàn EST, phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan tiếp tục khai thác các nguồn hỗ trợ tiềm năng, sự cộng tác trong các hoạt động nâng cao năng lực (kể cả các dự án thử nghiệm/thí điểm), cũng như trong thực thi các chính sách nhằm thực hiện tốt tuyên bố mà Diễn đàn EST 12 đưa ra.