Hà Nội tạo dựng nền tảng của thành phố thông minh

Hà Nội đang đầu tư, xây dựng một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh nhằm mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân trên nền tảng công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Xây dựng tiêu chí thành phố thông minh

Hai năm trở lại đây, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về xây dựng thành phố thông minh được Hà Nội tổ chức để lấy các ý kiến chuyên gia. Dù còn tranh cãi nhiều về tiêu chí xác định thành phố thông minh nhưng lộ trình và nền tảng đang được Hà Nội định hình.

Chú thích ảnh
Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội.

Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT chia sẻ: Hạ tầng thông tin có vai trò quan trong để truyền tải dữ liệu lớn. Để từ đó, các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong thành phố thông minh sẽ giúp công việc xử lý nhanh gọn, minh bạch và người dân có nhiều sự lựa chọn hơn.

Còn một nhà đầu tư công nghệ đến từ Singapore cho rằng, ở góc độ giao thông đô thị, việc nhiều người dân sử dụng phương tiện cá nhân nhiều hơn phương tiện công cộng khiến vấn đề ùn tắc giao thông diễn ra ở nhiều quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, các thành phố nên tập trung xây dựng tốt hệ thống giao thông song song với hệ thống thông tin hiện đại để kết nối phương tiện công cộng tiện lợi cho người dân có nhiều lựa chọn, từ đó bỏ phương tiện cá nhân.

Đóng góp ý kiến cho việc xây dựng thành phố thông minh, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, thời gian qua, đơn vị đã hỗ trợ thành phố Hà Nội triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý cũng như phát triển du lịch. Trong đó, các ứng dụng quản lý giúp phát triển du lịch thông qua ứng dụng Smart Tourism (hệ thống du lịch sinh thái) tạo điều kiện người dân và du khách sẽ được cập nhật thông tin về Hà Nội như bản đồ trực tuyến, các địa chỉ siêu thị, nhà hàng, điểm đến…

Tương tự, việc áp dụng công nghệ thông tin giúp người dân tương tác với chính quyền trong nhiều vấn đề như quản lý hạ tầng đô thị, giao thông, cấp thoát nước và dịch vụ công…

Lộ trình đang dần hình thành

Đề án "Phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, Hà Nội là một trong những thành phố tiên phong. Theo các chuyên gia công nghệ, bài toán xây dựng thành phố thông minh tại các khu đô thị nằm trên địa bàn các quận nội thành đang là bài toán khó.

Chú thích ảnh
Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Để phát triển thành phố thông minh thành công, Hà Nội sẽ chú trọng đến hạ tầng mạng viễn thông băng rộng, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) và các dữ liệu liên thông với nhau. Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 định hình những thành phần cơ bản của thành phố thông minh và đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh. Để đạt mục tiêu này, từ năm 2019, Hà Nội ưu tiên triển khai 3 thành phần cơ bản của thành phố thông minh gồm có Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội, Giao thông thông minh và Du lịch thông minh.

Với Trung tâm Điều hành thông minh, Hà Nội xác định sẽ hình thành 8 Trung tâm chức năng, bao gồm: Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Hỗ trợ cho cán bộ sử dụng CNTT của Thành phố; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm Phân tích dữ liệu; Trung tâm Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm Quản lý Dịch vụ công Thành phố; Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, y tế.

Song song với việc từng bước hình thành Trung tâm Điều hành thông minh Hà Nội, Thành phố sẽ tập trung để hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống Giao thông thông minh và Du lịch thông minh trong năm nay.

Cụ thể, về Giao thông thông minh, thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai hệ thống thông tin giao thông tích hợp của Hà Nội và các hệ thống: Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; Hệ thống phần mềm giám sát an ninh công cộng; Hệ thống vé điện tử thông minh dùng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; Hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân…. Trong đó, từ 1/10, Hà Nội vẫn tiếp tục triển khai thí điểm hệ thống iParking tại các điểm trông giữ xe ô tô trên địa bàn các quận của Thành phố.

Trong khi đó, với Du lịch thông minh, năm nay, Thành phố đã triển khai Cổng thông tin du lịch Hà Nội và ứng dụng trên điện thoại di động; Phần mềm quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch. Đồng thời, Hà Nội triển khai theo yêu cầu thực tế các nội dung: Bản đồ số du lịch Hà Nội; Hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch Hà Nội; Phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch.

Cùng với 3 thành phần cơ bản trên, trong năm 2019, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, triển khai một số thành phần cơ bản của Y tế thông minh, Giáo dục thông minh, Môi trường thông minh, Nông nghiệp thông minh… Việc này thuộc trách nhiệm của các Sở có liên quan, với đơn vị phối hợp là Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, hiện các quận, huyện khảo sát, lập đề án lắp camera giám sát giao thông, an ninh trật tự… Hà Nội sẽ có văn bản quy định tiêu chuẩn của hệ thống camera, kết nối và giao trách nhiệm cho từng đơn vị để làm căn cứ đấu thầu, xây dựng xây dựng phần mềm quản lý giao thông thông minh.

“Hệ thống dịch vụ công trực tuyến Hà Nội vận hành từ đầu năm 2019 theo mô hình 3 cấp đã theo dõi, giám sát hàng ngày việc giải quyết các thủ tục công trực tuyến. Nếu quận huyện nào tồn nhiều thủ tục hành chính chưa giải quyết, hệ thống sẽ cảnh báo bằng bẳng màu và thành phố yêu cầu phải có giải pháp để chấn chỉnh”, ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng UBND thành phố cho biết.

Cùng với việc tạo dựng các thành phần nền tảng cho đô thị thông minh, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô, Hà Nội khởi động dự án thành phố thông minh có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD triển khai tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ (huyện Đông Anh) với quy mô gần 272 ha. Dự án được chia thành 5 giai đoạn và dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, với việc triển khai dự án thành phố thông minh, Hà Nội sẽ có điều kiện tiếp nhận các kinh nghiệm trong phát triển đô thị thông minh, bền vững cũng như công nghệ kỹ thuật xây dựng quản lý đô thị hiện đại, ứng dụng các công nghệ mới trong vận hành, quản lý đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… từ phía các nhà đầu tư. Dự án cũng sẽ góp phần đúc rút các kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề lớn về hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường để thực hiện quy hoạch phát triển theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ thông minh, nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tốt nhất.

Có thể thấy, để xây dựng một đô thị thông minh cần rất nhiều yếu tố, ở đó không chỉ là việc tạo dựng môi trường sống hiện đại, tiện ích cho người dân, môi trường làm việc cởi mở, thân thiện; áp dụng các công nghệ khoa học vào hoạt động quản lý mà còn cần phải giải quyết nhiều vấn đề cố hữu đang tồn tại tại các đô thị như ùn tắc giao thông, khói bụi, ô nhiễm môi trường…

 

XC/Báo Tin tức
Hà Nội sắp kiểm tra, xử lý vi phạm ATGT ‘phố cà phê đường tàu'
Hà Nội sắp kiểm tra, xử lý vi phạm ATGT ‘phố cà phê đường tàu'

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các quận huyện xử lý dứt điểm các vi phạm an toàn giao thông (ATGT) đường sắt trên địa bàn trước ngày 12/10/2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN