Trước đó, vào chiều 27/3/2017, khu vực giếng Thiên Quang đã xảy ra hiện tượng móng của đoạn tường lan can (dài khoảng 10 m) bao quanh hồ, đối diện với cổng Đại Trung bị trôi ra, làm cho đoạn tường có nguy cơ bị đổ xuống. Hiện tượng này cũng đã diễn ra tại khu vực đối diện Khuê Văn Các vào trưa 28/3/2017.
Sau khi phát hiện sự việc, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẩn trương tiến hành các biện pháp xử lý: Gia cố phần móng bị trôi; tổ chức, phân luồng khách tham quan không qua khu vực đang xảy ra sự cố, đảm bảo việc tham quan của du khách tại di tích diễn ra bình thường; tiến hành khảo sát sơ bộ để tìm nguyên nhân và phương án giải quyết.
Cũng theo ông Lê Xuân Kiêu, quá trình khảo sát ban đầu cho thấy hiện tượng trôi móng tường lan can bao quanh giếng được xác định là do cấu tạo móng xây bằng gạch vồ, vữa vôi không có xi măng cốt thép, để trong nước lâu năm nên bị xuống cấp.
Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, cộng với nền đất khu vực giếng Thiên Quang rất yếu, dẫn đến hiện tượng sụt lún trên. Việc trôi móng tường lan can bao quanh giếng Thiên Quang nếu không được xử lý kịp thời sẽ làm cho hệ thống tường lan can bao quanh giếng sụp đổ gây nguy hiểm cho khách tham quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan của di tích.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội cho phép nghiên cứu kế hoạch khảo sát, đánh giá tổng thể hiện trạng giếng Thiên Quang và xây dựng phương án tu bổ nhằm giữ gìn cảnh quan, kiến trúc khu vực giếng Thiên Quang và đảm bảo an toàn đối với hoạt động tham quan, tìm hiểu của du khách tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Cùng với Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang là một hạng mục quan trọng trong khu Nội tự di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám với tổng diện tích khoảng 900 m2.
Móng được xây gạch vồ đặc bằng vữa vôi để trần không trát, hệ thống tường lan can bao quanh giếng được xây gạch chỉ đặc trát vữa xi măng xen kẽ các ô hoa văn bằng gốm. Giếng hình vuông, xung quanh có đường nhỏ lát gạch để có thể dạo quanh giếng, vào cửa Đại Thành hoặc rẽ sang hai vườn bia Tiến sĩ ở hai bên.