Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Hải Phòng làm rõ các nội dung về công tác phát triển đảng, vai trò của tổ chức đảng, đảng viên, những khó khăn, vướng mắc; về tổ chức, hoạt động công đoàn; về thực trạng quan hệ lao động, vấn đề hòa giải lao động, trọng tài lao động và tình hình đình công, ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp.
Làm rõ những nội dung trên, Phó Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Thị Nghĩa cũng như đại diện các địa phương, ngành liên quan đều khẳng định, công tác phát triển đảng rất quan trọng, được nhiều cấp ủy trong doanh nghiệp quan tâm. Đa số tổ chức đảng trong các doanh nghiệp đã thể hiện vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị; tham gia với chủ doanh nghiệp về phát triển sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động, làm tốt nghĩa vụ với nhà nước, tạo động lực thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển của doanh nghiệp, đơn vị.
Cùng với đó,người đứng đầu (Bí thư chi bộ) đều thể hiện được trách nhiệm, gương mẫu trong việc chấp hành tốt các chủ trương, nghị quyết của các cấp ủy. Đảng viên thể hiện được tính tiên phong, được người sử dụng lao động tin tưởng, nhiều trường hợp được bố trí ở các vị trí công tác chủ chốt có tác dụng cao.
Đến tháng 12/2018, Hải Phòng đã thành lập được 280 tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở và đảng bộ cấp trên. Hiện tổng số tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là 432 (trong đó, doanh nghiệp có vốn nhà nước 223 tổ chức cơ sở đảng, doanh nghiệp ngoài nhà nước 203 tổ chức cơ sở đảng, hợp tác xã 6 tổ chức cơ sở đảng).
Qua 9 năm thực hiện Nghị quyết 28 của Thành ủy trên cơ sở cụ thể hóa Chỉ thị 07 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, các cấp ủy đã bồi dưỡng, phát triển 1.943 đảng viên, trong đó có 37 đảng viên là chủ doanh nghiệp. Tổng số đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là 15.492 người (chiếm 3,29% tổng số công nhân, lao động thành phố).
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, hiện hệ thống công đoàn thành phố Hải Phòng được chia thành 23 đầu mối, với 2.703 công đoàn cơ sở. Tổng số đoàn viên công đoàn do Liên đoàn Lao động thành phố quản lý 253.334 người. Số đoàn viên công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là 195.513 người (tỷ lệ đoàn viên công đoàn /người lao động đạt 92% tại các doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn).
Về thực trạng lao động, Hải Phòng hiện có 15.818 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số 470.596 lao động. Mức lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2018 là hơn 6,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 17,2% so với năm 2017.
Các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động như tiền lương, bảo hiểm xã hội, hòa giải lao động, trọng tài lao động đã có chuyển biến rõ rệt. Ý thức chấp hành pháp luật tại các doanh nghiệp được nâng lên, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội địa phương.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho rằng, cùng với kết quả đạt được trong thời gian qua, hiện công tác phát triển đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp đạt thấp, đang có xu hướng giảm. Số doanh nghiệp có đủ điều kiện để phát triển tổ chức đảng ở các quận, huyện ngày càng giảm. Vai trò, chất lượng hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc nhiều vào chủ doanh nghiệp.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao Hải Phòng đã bám sát, tích cực thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Thông báo của Trung ương. Đặc biệt, Hải Phòng có Nghị quyết riêng về lĩnh vực này. Kết quả hoạt động của tổ chức công đoàn rất tích cực, thể hiện qua việc không xảy ra nghỉ việc tập thể lớn. Hải Phòng đứng tốp đầu trong cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, ổn định quan hệ lao động là gốc của ổn định chính trị xã hội địa phương. Do đó, Hải Phòng tiếp tục hiện thực hóa các Nghị quyết của Trung ương, Thông báo số 22-TB/TW ngày 11/4/2017 về "tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X".
Hải Phòng tập trung phát triển công tác đảng không chạy theo số lượng, đảm bảo chất lượng; đồng thời cần quan tâm đến vấn đề nhận thức của các cấp ủy tác động đến hệ thống chính trị, đến các doanh nghiệp. Tập trung xây dựng tổ chức công đoàn, phấn đấu đến năm 2020, 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên phải thành lập được công đoàn cơ sở doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hải Phòng chú ý đến con số lao động cần cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, đón đầu các Hiệp định thương mại tự do và đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Hải Phòng cần quan tâm đến vấn đề quan hệ lao động ổn định, phát triển bền vững; đưa ra những giải pháp đột phá nhằm tạo sức hút đối với lao động tỉnh ngoài.
Hải Phòng tăng cường quản lý nhà nước, đưa những quy định, cơ chế của nhà nước vào thực tiễn có hiệu quả như: Tiền lương, phúc lợi của người lao động, hòa giải viên, trọng tài lao động… Hướng tới Hải Phòng trở thành hình mẫu về sự vận hành các cơ chế của nhà nước.
Những đề xuất của Hải Phòng về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; về tổ chức, hoạt động công đoàn, tình hình lao động và quan hệ lao động được Đoàn công tác ghi nhận, tổng hợp đề xuất với Trung ương xem xét, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn mới.