Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Phụ trách Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa đã ghi nhận và cảm ơn những tấm gương y đức cao đẹp, tinh thần tận tụy vì nhân dân của các “chiến sĩ áo trắng” đã không quản ngày đêm làm tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh; bảo đảm công bằng, chăm sóc chu đáo các đối tượng chính sách và người nghèo; phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, bảo đảm cung cấp thuốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
Năm 2019, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cơ cấu bệnh tật thay đổi; vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; ngân sách đầu tư cho y tế cắt giảm..., song, ngành Y tế Hà Nội đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện các mặt công tác, đạt được nhiều thành tích quan trọng trong công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch và phát triển y tế cơ sở, được Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội và Bộ Y tế đánh giá cao.
Hiện ngành Y tế Hà Nội đang quản lý 41 bệnh viện; 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; 8 đơn vị quản lý, hành chính sự nghiệp và Trung tâm chuyên khoa với tổng số trên 24.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, có 4 Thầy thuốc Nhân dân; 28 Thầy thuốc Ưu tú; 1 Giáo sư; 7 Phó Giáo sư; 85 người có trình độ Tiến sĩ; 199 Bác sĩ chuyên khoa II; 1.619 trình độ Thạc sĩ và tương đương. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao và là niềm tự hào của ngành Y tế Thủ đô. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có hàng nghìn cơ sở y tế tư nhân là các bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tham gia hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.
Có thể thấy, trong những năm qua, nhân dân trên địa bàn Thủ đô đã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn; tốc độ phát triển dân số được kiểm soát; chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan y tế đã được quan tâm, đầu tư và đã phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội. Ngành Y tế Hà Nội đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống các loại dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn. Tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn và tử vong do ngộ độc thực phẩm;
Đặc biệt, năm 2019, ngành Y tế Thủ đô đã xây dựng các đề án phát triển y tế như phát triển bệnh viện mũi nhọn với các chuyên ngành hồi sức cấp cứu chống độc, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh; nâng cấp sửa chữa Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu và bệnh viện đa khoa đầu ngành Hà Nội; phát triển Bệnh viện Thanh Nhàn thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh với 3 chuyên ngành mũi nhọn (hồi sức tích cực- chống độc; ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh - điện quang can thiệp)…
Ngành Y tế Thủ đô đã thành công trong việc triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới hiện đại ngang tầm các bệnh viện Trung ương và khu vực Đông Nam Á, tập trung ở các lĩnh vực như: Tim mạch, điều trị ung thư, chẩn đoán hình ảnh, ngoại khoa, sản phụ khoa, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật thẩm mỹ, ghép thận…
Không chỉ tập trung phát triển chuyên môn, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai tích cực các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, cải cách quy trình khám chữa bệnh, nâng cao y đức, tinh thần phục vụ. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh của thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, góp phần giảm phiền hà, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử của của thành phố.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, hàng năm, đơn vị đều phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp; phối hợp tuyên truyền các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo môi trường lao động cho người lao động, các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho công nhân viên chức - lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.
“Với quyết tâm thay đổi diện mạo ngành, đặc biệt, với trái tim người thầy thuốc “Lương y như từ mẫu”, ngành Y tế Thủ đô đã ngày càng tạo được niềm tin yêu của người dân và đội ngũ công nhân viên chức - lao động Thủ đô”, đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Năm 2020 ngành Y tế Thủ đô phấn đấu mục tiêu giảm so với năm trước 0,19‰ tỷ suất sinh; giảm 0,1% tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; giảm 0,1% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đồng thời, ngành phấn đấu tăng chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân từ 24,6 lên 27,0; phấn đấu tăng tỷ lệ bác sĩ/vạn dân từ 13,3 lên 13,5.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị triển khai đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm: phát hiện sớm, kiểm soát kịp thời không để bùng phát thành dịch đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, xâm nhập; khống chế các loại bệnh lưu hành. Ngành đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ cao, chất lượng cao trong khám chữa bệnh như phẫu thuật nội soi, điều trị ung thư, ghép thận, ghép gan… Tuyến y tế cơ sở cần duy trì 100% chuẩn quốc gia tại các xã, phường, thị trấn. Ngành phát triển mô hình bác sĩ gia đình nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, góp phần giảm tải bệnh viện một cách bền vững.
Đáng chú ý, đối mặt với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (dịch COVID-19) gây ra, ngoài sự nỗ lực của mỗi tập thể, cá nhân ngành Y tế Thủ đô và cả nước, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, của mỗi người dân nhằm khống chế và đi đến đẩy lùi dịch bệnh.