Trao Huân chương Hữu nghị cho người bạn của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Ngày 10/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Hội Nạn nhân chất độc da cam (VAVA) đã tổ chức lễ trao Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước cho bà Masako Sakata, người Nhật Bản, đạo diễn phim, người sáng lập dự án “Hạt giống hy vọng”, vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam”, góp phần tích cực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam, Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Ring phát biểu tại Lễ trao Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước cho bà Masako Sakata. Ảnh: Thành Hữu (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tham dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường; Chủ tịch VAVA, Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Rinh; bà Masako Sakata, cùng cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và các bạn bè Nhật Bản.
   
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã trao Huân chương Hữu nghị cho bà Masako Sakata.
   
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đánh giá cao những đóng góp của bà Masako, với vai trò là đạo diễn 2 bộ phim tài liệu về nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam, bà đã giúp người dân Nhật Bản, cũng như thế giới hiểu hơn về hậu quả khủng khiếp của chất độc màu da cam, đặc biệt đối với trẻ em.

Là người đã trải qua chiến tranh, chứng kiến hậu quả trực tiếp của chiến tranh, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường bày tỏ sự cảm kích đối với những đóng góp, hỗ trợ của bà Masako dành cho nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam. Dự án “Hạt giống hy vọng” do bà sáng lập đã hỗ trợ, cấp học bổng cho hơn 100 học sinh, sinh viên Việt Nam, những người là nạn nhân chất độc màu da cam.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường trao Huân chương Hữu nghị cho bà Masako Sakata. Ảnh: Thành Hữu (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Về phần mình, bà Masako chia sẻ lý do bà đồng cảm, đồng hành cùng những nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam xuất phát từ việc chồng bà, một nhà quay phim người Mỹ tham chiến tại Việt Nam, sau khi trở về đã mất do ảnh hưởng của chất độc màu da cam.

Đây là điều đã thôi thúc bà tới thăm Việt Nam vào năm 2004, để tìm hiểu về hậu quả của chất độc màu da cam và làm bộ phim đầu tiên về vấn đề này. Bà Masako mong muốn 2 bộ phim của bà công chiếu vào tháng 10 tới tại Pháp sẽ thu hút được nhiều người xem, qua đó sẽ nâng cao nhận thức về hậu quả của chất độc màu da cam; đồng thời bày tỏ hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn.
    
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, bà Masako cho biết rất vinh dự và hạnh phúc khi được nhận Huân chương Hữu nghị, đồng thời nhận thấy mọi người đã hiểu, coi vấn đề chất độc màu da cam là vấn đề quan trọng.

Tuy nhiên, do vấn đề chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam đến nay vẫn chưa được giải quyết, bà sẽ tiếp tục hoạt động công chiếu bộ phim về chủ đề này, để nhiều người hiểu hơn, đặc biệt trong đó có người Mỹ.

Các đại biểu tham dự Lễ trao Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước cho bà Masako Sakata chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thành Hữu (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Thay mặt những nạn nhân chất độc màu da cam, ông Nguyễn Văn Rinh bày tỏ lòng cảm ơn đối với bà Masako và cho biết từ lâu bà Masako đã trở thành người bạn thân thiết của VAVA. Nhiều cháu học sinh được bà giúp đỡ nay đã trưởng thành, nhiều gia đình được bà tới thăm hỏi vẫn in đậm ấn tượng về bà; đóng góp của bà Masako đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam của các nạn nhân Việt Nam.
      
Cũng tại buổi lễ trao huân chương, bà Masako đã thay mặt dự án “Hạt giống hy vọng”trao khoản tiền hỗ trợ cho Hội nạn nhân chất độc da cam.
       
Hai bộ phim về những nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam do bà Masako đạo diễn là “Chất độc da cam: Một lời cầu nguyện riêng tư” hoàn thành năm 2007 và “Chuyến đi đến chiến trường của một người cha Việt Nam” hoàn thành năm 2011. Hai bộ phim đều được chiếu tại nhiều quốc gia và đạt được những giải thưởng lớn của Nhật Bản, cũng như thế giới.

Trong đó, bộ phim “Chất độc da cam: Một lời cầu nguyện riêng tư”đã giành giải trong liên hoan phim môi trường quốc tế tại Paris. Cùng với việc làm phim, bà Masako còn sáng lập dự án “Hạt giống hy vọng” cấp học bổng cho học sinh phổ thông và đại học Việt Nam là nạn nhân chất độc màu da cam.

Đến nay, dự án từ thiện này đã cấp học bổng cho 113 học sinh, sinh viên thuộc 21 tỉnh, thành của Việt Nam với số tiền khoảng 2,3 tỷ đồng.
 
TTXVN/Tin Tức
Thượng viện Mỹ trình chiếu bộ phim về nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Thượng viện Mỹ trình chiếu bộ phim về nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Ngày 28/6, tại trụ sở Thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ, Chương trình Di sản Chiến tranh (WLP) đã phối hợp với Văn phòng Thượng viện và Đại sứ quán Việt Nam tổ chức buổi chiếu bộ phim về nạn nhân chất độc da cam, “Chau, beyond the lines”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN