Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Dự án Luật Phòng không nhân dân là dự án luật mới, với những quy định được nâng cấp, tổng hợp từ các Nghị định cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác. Công tác phòng không nhân dân là một bộ phận quan trọng của công tác quốc phòng, quân sự, là một bộ phận của thế trận quốc phòng toàn dân trên mặt trận đối không, để phòng tránh, đánh trả, khắc phục hoạt động xâm nhập, tiến công đường không của địch, bảo vệ tài sản nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Do vậy, việc xây dựng luật này là cần thiết để hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho chiến lược bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới.
Đánh giá dự thảo, hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị công phu và nghiêm túc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về khái niệm và phạm vi phòng không nhân dân, cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Chẳng hạn, tại khoản 1 Điều 2 có quy định, phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân nhằm chuẩn bị, ngăn ngừa, thực hành đánh địch đột nhập, tiến công đường không, quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 mét, trong đó, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và quân nhân dự bị làm nòng cốt. Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc chia giới hạn độ cao 5.000 mét trong phòng không hiện đại là chưa phù hợp, có thể chồng lấn với phạm vi của phòng không quốc gia, phòng không lục quân.
Vì vậy, cần sửa đổi quy định cho phù hợp để tất cả các lực lượng phòng không đều có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, không phân định trách nhiệm theo phạm vi độ cao phòng không.
Về trọng điểm phòng không nhân dân, Điều 6 của Dự thảo Luật có nêu, đơn vị hành chính cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện đều là trọng điểm phòng không nhân dân.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh rõ, hai trọng điểm này khác nhau như thế nào; Mối quan hệ giữa trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh và trọng điểm phòng không nhân dân cấp huyện trực thuộc là gì. Đồng thời, cần làm rõ, các trọng điểm phòng không nhân dân này sẽ đầu tư nguồn lực, bố trí trận địa phòng không như thế nào.
Về lực lượng phòng không nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc những quyền hạn, nhiệm vụ, thành phần lực lượng phòng không nhân dân, làm rõ ngay trong luật nhóm nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy, nhóm nhiệm vụ thực hiện ứng với từng chủ thể.
Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, về việc bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo luật này được xây dựng trên cơ sở luật hóa quy định tại các văn bản của Chính phủ, trong đó có Nghị định số 74 và Nghị định số 36. Các văn bản này đã được thực hiện từ lâu, cũng đã có tổng kết quá trình thực hiện.
Đồng tình với việc luật hóa các quy định này, nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự án luật này có phạm vi điều chỉnh liên quan đến nhiều luật khác trong hệ thống pháp luật như Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng...
Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để định rõ phạm vi điều chỉnh, xem xét, tháo gỡ những mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.