Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu ở thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức và 312 phường xã, thị trấn. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị.
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ và các công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng như các chỉ đạo về tăng cường các biên pháp giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết:
Trong hơn một tháng qua, đặc biệt là 3 tuần tăng cường thực hiện biện pháp giãn cách triệt để từ 23/8, toàn hệ thống chính trị cùng với nhân dân thành phố đã chấp hành và thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Thành phố đã thực hiện một cách triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đã huy động lực lượng xét nghiệm thần tốc trên diện rộng theo kế hoạch, thực hiện xong cả 3 giai đoạn.
Qua đó, đã xét nghiệm 7,4 triệu hộ, phát hiện 189.000 bị nhiễm và tổ chức phân loại, thu dung, phát thuốc điều trị ngày càng kịp thời tại cộng đồng, tập trung chuyển điều trị xuống cơ sở, thành lập 512 trạm y tế lưu động, bổ sung tăng cường máy tạo oxy; hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn.
Về tiêm chủng vaccine, thành phố đã thành lập nhiều đội tiêm và đến nay đã tiêm trên 6,5 triệu mũi 1, đạt tỷ lệ hơn 90% và hơn 1,4 mũi 2 (đạt 20%).
Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, quán triệt phương châm xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sỹ; vận động nhân dân thực hiện nghiêm giãn cách, ai ở đâu thì ở đấy; người và phương tiện lưu thông trên đường giảm tới 90% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16/Ct-TTg.
Nhiều địa phương, cơ sở đã chủ động, chăm lo kịp thời cho các đối tượng gặp khó khăn trong điều kiện giãn cách. Vấn đề đảm bảo lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cơ bản giải quyết kịp, không để người dân quá khó khăn thiếu thốn; đã mở lại hai điểm tập kết trung chuyển hàng hóa nông sản thực phẩm tại chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền nhằm bổ sung hàng hóa cung ứng cho người dân thành phố, nối lại việc cung ứng hàng hóa từ 37 tỉnh, thành trong cả nước.
Về các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19, người đứng đầu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thành ủy đánh giá cao nỗ lực rất lớn của hệ thông chính trị, đặc biệt sự ủng hộ của người dân trong công tác bảo vệ, mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ. Đến nay đã đạt được kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã có 3 quận, huyện cơ bản kiểm soát được dịch bệnh là: Huyện Củ Chi, Cần Giờ và Quận 7.
Nhiều huyện đang đến ngưỡng hiểm soát được dịch bệnh, thành phố có trên 60% khu dân cư, tổ dân phố đã trở thành vùng an toàn, vùng xanh, cận xanh. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, trên phạm vi toàn thành phố thì chưa đạt, cần thêm một thời gian nữa. Theo hướng dẫn của Bô Y tế, lãnh đạo thành phố cũng đã báo cáo, xin ý kiến và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thành phố tiếp tục giãn cách đến hết tháng 9/2021.
Về công tác phòng chống dịch, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu tiếp tục tăng cường các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 86 và các công điện của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục giãn cách xã hội bởi vì đây là giải pháp quyết định để kiểm soát, ngăn chặn cơ bản các nguồn lây trong cộng đồng. Tiếp tục thực hiện xét nghiệm trên diện rộng theo tinh thần thần tốc đúng theo kế hoạch đã đề ra. Qua đó, kịp thời phát hiện F0 trước khi lây lan ra cộng đồng.
Cùng với đó thành phố tiếp tục điều trị để giảm tử vong, đây là ưu tiên hàng đầu do hiện tại số người tử vong còn cao, các trung tâm hồi sức vẫn còn bệnh nhân nặng, nguy kịch còn nhiều; tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, đây là vấn đề trọng yếu, vì vậy Ban Cán sự Đảng UBND cần chỉ đạo các quận, huyện cần đặc biệt quan tâm đến công việc này, trong thời gian sớm nhất.
Thống nhất cao về các kế hoạch, chiến lược phục vụ do UBND thành phố chuẩn bị, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19, mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, vì thế khi tình thế buộc phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt thì luôn luôn tính đến các yếu tố hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, "sức khỏe" của nền kinh tế. Điều này, xuyên suốt thời gian qua thành phố đã làm, thực hiện. Khi tình hình đã kiểm soát được, nguy cơ giảm dần thì thành phố phải thực hiện các kế hoạch, chiến lược đặt ra.
Chia sẻ về việc từng bước mở cửa nền kinh tế, đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định, đây không chỉ là trách nhiệm của thành phố đối với khu vực, cả nước mà còn đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, phương châm của thành phố trong việc mở cửa là không quá chậm so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra khi có cơ hội, nhưng cũng không chủ quan, nôn nóng, mà phải thực hiện từng bước, thận trọng, chắc chắn; không mở cửa nếu không tuyệt đối an toàn. “An toàn thì mới sản xuất, sản xuất thì phải tuyệt đối an toàn”.
Đề cập về nhiệm vụ trọng tâm của thành phố thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, trước hết, Thành ủy giao Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt tiếp tục các nhiệm vụ, thực hiện kiểm soát dịch bệnh sớm nhất có thể theo quy định; giao Ban cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu hoàn chỉnh các kế hoạch, chiến lược để chuẩn bị triển khai trong thời gian tới.
Các quận, huyện tiếp tục rà soát lại toàn bộ những nhiệm vụ được giao trên địa bàn bản đồ vaccine, bản đồ an sinh, căn cứ vào tình hình dịch bệnh để xác định các giải pháp trọng tâm, trọng điểm cho những ngày sau ngày 15/9.
“Các xã, phường, thị trấn phát huy mạnh mẽ là các “pháo đài” tiếp tục kiện toàn, củng cố lực lượng nắm chắc tình hình dân cư, đẩy mạnh công tác truyền thông yêu cầu người dân nêu cao cảnh giác phòng, chống dịch mọi lúc, mọi nơi, không lơ là, mất cảnh giác, chủ quan và chuẩn bị tâm thế thay đổi thói quen lối sống thích nghi với tình hình mới”, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu.
Hội nghị đã thống nhất lộ trình 3 giai đoạn về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố từ sau 15/9, gồm: Giai đoạn từ 1/10 - 31/10, giai đoạn từ 1/11 - 15/1/2022 và giai đoạn sau 15/1/2022.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố và UBND thành phố sớm tiếp thu, hoàn thiện và ban hành các kế hoạch, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế, thu hút các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống y yế.
Lưu ý một số chiến lược, kế hoạch quan trọng, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng hiện nay trong phòng, chống dịch thì chiến lược y tế là chiến lược quan trong nhất, vì vậy ngành y tế cần đánh giá điểm mạnh, yếu, thực trạng hệ thống y tế cơ sở từ tổ chức đến đội ngũ, cơ sở vật chất.
Trước hết, cần tạo cơ chế để người dân được tiếp cận hệ thống y tế thuận tiện, công bằng. Chiến lược thứ hai đó là an sinh xã hội. Tuyệt đối không để người dân bị thiếu đói, thiếu ăn. Các địa phương cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác này để các đơn vị cùng nhau cố gắng vượt qua khó khăn.
Tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã báo cáo kết quả nổi bật về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và trình bày tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND TP Hồ Chí Minh về kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố từ sau ngày 15/9.
Theo đó, các kế hoạch được xây dựng trên 11 lĩnh lực gồm: công tác y tế và giãn cách xã hội; công tác phục hồi kinh tế; công tác an sinh xã hội; công tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa; đảm bảo các vấn đề xã hội cho người dân; huy động các nguồn lực; ứng dụng khoa học, công nghệ; giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân; công tác thông tin truyền thông và công tác đối ngoại và đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.