Việt Nam đã tiếp nhận gần 212 triệu liều vaccine
Kết luận trong phiên họp Chính phủ tháng 1/2022, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Việt Nam đã tiếp nhận gần 212 triệu liều vaccine, tiêm được trên 178 triệu liều; người người từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm mũi 1, 2, 3 tương ứng là 100%, 95,7% và 22,3%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỷ lệ 95,2% và 86%.
Các ca bệnh nặng và tử vong giảm sâu. Với các kinh nghiệm được đúc rút, chúng ta đã bản lĩnh, bình tĩnh hơn để xử lý các vấn đề dịch bệnh. Tuy nhiên, biến chủng Omicron lây lan rất nhanh, có thể xuất hiện các chủng mới, ca nhiễm cộng đồng vẫn tăng ở nhiều địa phương, nguy cơ dịch bệnh cao trong dịp Tết.
Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; làm tốt công tác dự báo và chuẩn bị sẵn sàng để không bị động, lúng túng, bất ngờ. Tiếp tục thực hiện nghiêm "5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân và các biện pháp khác" với 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị.
Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiêm túc chiến dịch thần tốc tiêm chủng vaccine mùa xuân xuyên Tết để đạt mục tiêu đề ra. Khẩn trương tiến hành các thủ tục mua vaccine để tiêm cho các cháu từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Chủ động, tích cực hơn trong vấn đề thuốc điều trị và các sinh phẩm y tế để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu hơn có thể xảy ra. Bộ Y tế cấp phép cho các thuốc đã được thế giới công nhận, bảo đảm công khai, minh bạch, chống đầu cơ, nâng giá, tiêu cực, xin - cho.
Tập trung nâng cao năng lực điều trị, y tế cơ sở, y tế dự phòng nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Sẵn sàng lực lượng hỗ trợ kịp thời cho các địa phương khi có diễn biến phức tạp ngoài dự kiến. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao ý thức người dân tích cực, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Coi trọng, làm tốt công tác phòng ngừa và tiếp tục xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực, nhất là trong phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Số ca mắc mới SARS-CoV-2 giảm nhẹ, đã có 4.633 ca khỏi bệnh
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 27/1 đến 16 giờ ngày 28/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.929 ca mắc mới, trong đó 37 ca nhập cảnh và 14.892 ca ghi nhận trong nước (giảm 780 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.422 ca trong cộng đồng).
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh (92 ca), Quảng Nam (27 ca), Hà Nội (14 ca), Khánh Hòa (11 ca), Đà Nẵng (8 ca), Kiên Giang (4 ca), Quảng Ninh, Thanh Hóa (mỗi địa phương 2 ca), Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng (mỗi địa phương 1 ca).
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.218.137 ca mắc, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.470 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 2.211.243 ca, trong đó có 1.497.427 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 4.633 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.950.244 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.147 ca.
Sớm đưa học sinh trở lại trường học trước ngày 14/2
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 28/1, trả lời câu hỏi của báo chí về lộ trình cụ thể mở cửa trường học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh đây là mối quan tâm của toàn xã hội và Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Bộ Giáo dục cũng đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo với các địa phương, nghe chuyên gia góp ý và thống nhất chủ trương mở cửa trường học sớm nhất sau Tết.
Dẫn kinh nghiệm của thế giới, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu 8 khuyến nghị về việc đưa học sinh trở lại trường. Trong đó, khuyến nghị đầu tiên nêu rõ “trường học phải là nơi cuối cùng đóng cửa và là nơi đầu tiên mở cửa”.
“Bộ Giáo dục đã đề nghị các địa phương quyết liệt, nhanh chóng có kế hoạch, lộ trình để sớm đưa học sinh trở lại trước 14/2”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đến nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành đã có kế hoạch đưa học sinh khối THPT trở lại trường. 91% số trường cao đẳng, đại học đã có kế hoạch đưa sinh viên trở lại trường, dự kiến từ 7/2 và hơn 57/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch cho học sinh THCS trở lại trường, 53/63 địa phương có kế hoạch cho học sinh tiểu học đi học lại và 51/63 tỉnh, thành phố dự kiến cho trẻ mầm non trở lại trường.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục cũng dẫn ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng việc đưa học sinh trở lại trường không nên phụ thuộc vào việc tiêm cho học sinh ở độ tuổi nhỏ, vì việc tiêm cũng có thể có rủi ro, nên các địa phương cần có lộ trình đưa học sinh trở lại trường, tránh ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý và việc học tập của các em.
“Học sinh còn nhỏ cần được giáo dục toàn diện và học ở nhà không đảm bảo việc này”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói. Trước việc một số địa phương đã có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường, Bộ Y tế cũng cho rằng nguy cơ đối tượng này rất thấp, ông Sơn cho rằng cần mạnh dạn đưa trẻ trở lại trường, sớm rút ra kinh nghiệm.
“Nếu không làm gì, cứ để các cháu ở nhà thì không có căn cứ quyết định việc này”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói và góp ý học sinh chưa tiêm có thể kết hợp học trực tiếp và trực tuyến, chia lớp…
Nam Định xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp
Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định cho thấy, trong số 518 ca mắc COVID-19 ghi nhận trong ngày 28/1, có tới 343 ca trong cộng đồng; số còn lại ở trong khu cách ly, phong tỏa. 10/10 huyện, thành phố xuất hiện các ổ dịch phức tạp ở trong doanh nghiệp, chợ và công dân Nam Định từ các tỉnh, thành phố về quê đón Tết, thăm người thân.
Trong một tuần trở lại đây (từ ngày 22-28/1), tỉnh Nam Định đã ghi nhận trên 2.560 ca mắc COVID-19 mới, nhiều ca ghi nhận trong cộng đồng. Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến chiều 28/1, tỉnh Nam Định đã ghi nhận tổng số 9.800 ca mắc; trong đó, 4.997 ca tại cộng đồng, còn lại là trong khu vực cách ly, phong tỏa.
Hiện tại, các cơ sở y tế, cơ sở thu dung tập trung của tỉnh đang cách ly điều trị 1.062 bệnh nhân; 1.946 bệnh nhân nhẹ đang được điều trị tại nhà, còn lại đã xuất viện hoặc chuyển tuyến lên các Bệnh viện Trung ương điều trị.
Theo bảng đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn Nam Định cập nhật đến 17 giờ ngày 28/1, toàn tỉnh chỉ còn 124/226 xã, phường, thị trấn thuộc "vùng xanh"; 71 xã, phường, thị trấn thuộc "vùng vàng" và 31 xã, phường, thị trấn thuộc "vùng cam".
Thành phố Nam Định có 11/25 xã, phường "vùng cam", còn lại là "vùng vàng", không còn xã, phường nào "vùng xanh". Huyện Vụ Bản có 9/18 xã, thị trấn "vùng cam", chỉ còn duy nhất xã Minh Thuận là "vùng xanh", còn lại là "vùng vàng"...