Ca nhiễm mới giảm 243 ca so với ngày 21/1
Tính từ 16 giờ ngày 21/1 đến 16 giờ ngày 22/1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận cả nước có 15.707 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2; trong đó có 49 ca nhập cảnh và 15.658 ca ghi nhận trong nước (có 10.986 ca trong cộng đồng), giảm 243 ca so với ngày trước đó.
Hà Nội vẫn đứng đầu ca nhiễm mới với 2.945 ca, tiếp đến Đà Nẵng (973 ca), Hải Phòng (745 ca), Hưng Yên (693 ca), Bến Tre (555 ca), Bình Phước (498 ca), Quảng Ngãi (461 ca), Thanh Hóa (443 ca)…
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Cà Mau (giảm 88 ca), Trà Vinh (giảm 75 ca), Bình Định (giảm 73 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hà Nội (tăng 140), Quảng Trị (tăng 88 ca), Đắk Nông (tăng 76 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.123 ca/ngày.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 135 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, cụ thể tại Hà Nội (14 ca), Quảng Nam (27 ca), TP Hồ Chí Minh (68 ca), Hải Dương (1 ca), Hải Phòng (1 ca), Thanh Hóa (2 ca), Đà Nẵng (8 ca), Khánh Hòa (11 ca), Long An (1 ca), Quảng Ninh (2 ca).
Ngoài ra, từ 17 giờ 30 phút ngày 21/1 đến 17 giờ 30 phút ngày 22/1, Việt Nam ghi nhận 153 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 159 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.596 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 21/1, có 1.267.425 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 174.965.411 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.843.924 liều, tiêm mũi 2 là 73.764.594 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 22.356.893 liều.
Hà Nội còn 4 quận, huyện ở cấp độ dịch số 3
Ngày 22/1, Hà Nội ghi nhận 2.945 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Trong đó, quận Hoàng Mai có nhiều ca mắc mới nhất.
Cụ thể, các ca bệnh phân bố tại 391 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như Hoàng Mai (137 ca), Đống Đa (132 ca), Thanh Trì (125 ca), Gia Lâm (123 ca)…
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021) là 108.806 ca.
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến hết 21/1, trên địa bàn thành phố có 66.618 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Lượng người diễn biến nặng, nguy kịch do nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục gia tăng với hơn 650 trường hợp đang điều trị.
Tính từ ngày 29/4/2021 đến hết ngày 21/1, thành phố Hà Nội có 441 người tử vong do COVID-19. Ngành y tế Hà Nội đang tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 như: tăng cường giám sát nhập cảnh, xét nghiệm; đẩy mạnh công tác tiêm chủng; tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà để thực hiện, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân trên địa bàn…
Tối 21/1, UBND TP Hà Nội phát đi thông báo đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn. Dù liên tục ghi nhận gần 3.000 ca mắc mỗi ngày nhưng Hà Nội chỉ còn 4 quận, huyện ở cấp độ dịch số 3 (tức vùng cam), 26 địa phương ở cấp độ 2 (tức vùng vàng). Ở quy mô cấp xã, phường, thị trấn, Hà Nội ghi nhận 43 địa phương có dịch cấp độ 3; 377 địa phương cấp độ 2 và 159 địa phương cấp độ 1 (tức vùng xanh).
Đà Nẵng huy động lực lượng thanh niên hỗ trợ các trạm y tế điều trị F0 tại nhà
Đứng sau Hà Nội về số ca mắc mới cao so với cả nước, chiều 22/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, số ca mắc COVID-19 phân bố đều ở các địa phương. Hiện điểm nóng về dịch tại các chợ vẫn còn, vì vậy Ban Quản lý các chợ cần kiểm soát dịch thường xuyên, tránh tình trạng lơ là, tổ chức xét nghiệm sàng lọc 3 ngày/lần.
Liên quan đến công tác điều trị F0 tại nhà, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương huy động các lực lượng như thanh niên, nhân viên y tế dự phòng tại các trường để hỗ trợ các trạm y tế giám sát F0, nhập thông tin… Các trung tâm y tế quận, huyện sớm lên danh sách lực lượng hỗ trợ để tập huấn. Sở Y tế cần triển khai đa dạng hóa các điểm điều trị, tận dụng bệnh viện tư nhân để điều trị F0, trên tinh thần chia sẻ gánh nặng hệ thống y tế công.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng xây dựng kế hoạch sẵn sàng đón công dân sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán (như tổ chức xét nghiệm sàng lọc), tránh tình trạng số ca dương tính tăng cao, gây áp lực cho ngành y tế.
Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện các địa phương đã nắm đầy đủ danh sách những người có nguy cơ cao cần được bảo vệ, tuy nhiên phải rà soát xem những người này đã tiêm đủ mũi vaccine ngừa COVID-19 chưa để tiến hành vận động, tổ chức tiêm tại nhà.
Liên quan đến việc xây dựng trạm y tế lưu động, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thanh Thủy thông tin, hiện các quận huyện đã kích hoạt các trạm y tế lưu động, một trạm có thể quản lý 100-150 người mắc COVID-19 điều trị tại nhà. Nhân lực y tế của trạm y tế phải tham gia nhiều hoạt động như xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị F0… do vậy các địa phương cần sớm kêu gọi sự tham gia của các lực lượng khác hỗ trợ, nhằm giảm áp lực trong điều trị F0 tại nhà.
Tính từ 13 giờ ngày 21/1 đến 13 giờ ngày 22/1, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 973 ca mắc COVID-19; trong đó, 4 ca cách ly tập trung, 315 ca cách ly tại nhà, 7 ca trong khu phong tỏa và 647 cộng đồng. Đến nay, Đà Nẵng đã tiêm mũi 3 ngừa COVID-19 cho 126.935 người; 7.702 người đang điều trị tại nhà, 956 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, có 34 ca chuyển nặng (chiếm 0,35% bệnh nhân mắc COVID-19).
Bắc Giang: Dừng hoạt động các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19
Thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch COVID-19 và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương vừa có ý kiến chỉ đạo dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các huyện, thành phố có chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 sẽ thực hiện dừng hoạt động và tháo dỡ chốt, bao gồm cả chốt cứng và chốt mềm, chậm nhất vào ngày 23/1.
Trước đó, để tạo thuận tiện cho người dân về quê đón Tết, Bắc Giang không yêu cầu người từ tỉnh khác về Bắc Giang phải thực hiện cách ly. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp yêu cầu người dân khi về địa phương phải đến trạm y tế xã, phường, thị trấn để khai báo y tế và thực hiện test COVID-19 trước khi về nhà.
Hiện tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, những ngày gần đây, Bắc Giang ghi nhận khoảng 300 ca mắc COVID-19 mỗi ngày. Nhằm phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch; đồng thời tập trung lực lượng đẩy nhanh việc bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân, đảm bảo 100% người đủ điều kiện tiêm mũi 3 phải được tiêm hết; rà soát lại các đối tượng như người cao tuổi, người có bệnh nền... chưa tiêm mũi 1 để khẩn trương tiêm vét 100%, thực hiện xong trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Các huyện, thành phố tập trung cao cho việc mua sắm vật tư, thiết bị y tế, nhất là các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh để phục vụ nhân dân về quê dịp Tết Nguyên đán và tầm soát đối với học sinh khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, đến trường học trực tiếp. Trong những ngày nghỉ Tết, các F0 cách ly, điều trị tại nhà, trường hợp vừa và nặng mới chuyển đến các cơ sở thu dung, bệnh viện.