Khởi tố Giám đốc Trung tâm CDC Bắc Giang
Mở rộng vụ án tại công ty Việt Á, ngày 21/1 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Giang (CDC Bắc Giang) và 2 bị can khác.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang đã có hành vi thông đồng, cấu kết với ông Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Phan Anh (có trụ sở tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và các đối tượng liên quan vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua Kit xét nghiệm COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất, tổng giá trị hơn 148,3 tỷ đồng.
Ông Phan Huy Văn và bà Phan Thị Khánh Vân (chị ruột Phan Huy Văn) còn thỏa thuận, nhận trên 44 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng do Công ty Việt Á chuyển, Phan Thị Khánh Vân đã chi một phần tiền cho ông Lâm Văn Tuấn - Giám đốc CDC Bắc Giang.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 21/1/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với: Lâm Văn Tuấn (Giám đốc CDC Bắc Giang); Phan Huy Văn (Giám đốc Công ty Phan Anh); Phan Thị Khánh Vân (kinh doanh tự do, là chị ruột Phan Huy Văn) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra Lệnh khám xét đối với: Lâm Văn Tuấn và Phan Huy Văn.
Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra mở rộng, làm rõ bản chất vụ án, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật; rà soát, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Việt Nam đã có 133 ca nhiễm biến thể Omicron
Tính từ 16 giờ ngày 20/1 đến 16 giờ ngày 21/1, Việt Nam ghi nhận 15.935 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, đến nay Việt Nam đã có tổng số 133 ca nhiễm biến thể Omicron. Trong số các ca nhiễm mới, có 34 ca nhập cảnh và 15.901 ca ghi nhận trong nước (giảm 736 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.912 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Khánh Hòa (giảm 233 ca), Bình Định (giảm 101 ca), Trà Vinh (giảm 92 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Hưng Yên (tăng 56 ca), Hải Phòng (tăng 50 ca), Phú Thọ (tăng 45 ca).
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 133 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại: Hà Nội (12), Quảng Nam (27), TP Hồ Chí Minh (65), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2). Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.110.737 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 21.386 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.104.196 ca, trong đó có 1.794.363 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (512.422), Bình Dương (292.400), Hà Nội (102.715), Đồng Nai (99.581), Tây Ninh (86.790).
Trong ngày 21/1, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 2.256 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.797.180 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.567 ca.
Liều tiêm thứ 3 của vaccine Moderna bằng nửa liều cơ bản
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharma Việt Nam về việc tiêm liều vaccine Spikevax (tên khác: COVID-19 vaccine Moderna).
Tại văn bản này, Cục Quản lý Dược cho biết đã nhận được văn bản và hồ sơ, tài liệu kèm theo của Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharm Việt Nam về việc đề nghị tiêm liều tăng cường (liều thứ 3) của vaccine Spikevax.
Căn cứ kết luận của Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Cục Quản lý Dược có ý kiến đồng ý với đề nghị của chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharm Việt Nam về việc đề nghị tiêm liều tăng cường (liều thứ 3) của vaccine Spikevax theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất vaccine.
Hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine Spikevax cho biết, đối với liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên, vaccine này được sử dụng theo liệu trình gồm 2 liều 100mcg (mỗi liều 0,5ml), khuyến cáo tiêm liều thứ hai, 28 ngày sau liều đầu tiên. Đối với liều thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, một liều bổ sung (0,25ml, chứa 50mcg mNRA, bằng một nửa liều cơ bản) của Spikevax.
Cục Quản lý Dược nêu rõ chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharm Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng, an toàn đối với vaccine Spikevax lưu hành trên thị trường và có trách nhiệm thông báo ngay sự thay đổi đến Cục Quản lý Dược và các đơn vị có liên quan.
Liên quan đến vaccine Moderna, trước đó, ngày 12/12/2021, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn hướng dẫn mới nhất nêu rõ: Để sử dụng vaccine hợp lý, an toàn và hiệu quả vaccine do Moderna sản xuất, tiếp theo công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 và công văn số 7548/BYT-DP ngày 10/9/2021, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vaccine đó.
Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp tiêm mũi 2 vaccine do Moderna sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do Pfizer hoặc Astrazeneca sản xuất. Khoảng cách tiêm mũi 2 sau mũi 1 vaccine do Pfizer sản xuất theo hướng dẫn của nhà sản xuất, khoảng cách sau mũi 1 vaccine do Astrazeneca sản xuất theo công văn số 7820/BYT-DP ngày 20/9/2021 của Bộ Y tế.
Theo Bộ Y tế, cho đến nay, tổng số vaccine phòng COVID-19 đã tiếp nhận 209,6 triệu liều từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ; đạt mục tiêu của Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine năm 2021. Bộ đã phân bổ 187,6 triệu liều; còn khoảng 22 triệu liều mới được tiếp nhận cần tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine. Bộ đã kịp thời phân bổ vaccine theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch...; ưu tiên tiêm cho các đối tượng người già, người có nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em, mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động.
Thu giữ 2.500 que test COVID-19 không rõ nguồn gốc
Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin: Đơn vị này vừa phát hiện, bắt giữ một xe ô tô vận chuyển 2.500 que test COVID-19 không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, vào rạng sáng 19/1, qua công tác tuần tra, kiểm soát trên Quốc lộ 18, đoạn qua thành phố Cẩm Phả, Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt kiểm tra ô tô tải mang biển kiểm soát 15B-000.32 di chuyển từ hướng Móng Cái đi Hạ Long, phát hiện trên xe có 2.500 que test COVID-19 trị giá 95 triệu đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Hoàng Thế Hưng (sinh năm 1985, trú tại xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) khai nhận là chủ của số hàng que thử test COVID-19 nói trên, nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số que thử COVID-19.
Tổ công tác đã lập biên bản, bàn giao cho Đội Quản lý thị trường số 3, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh để xử lý theo quy định.