Tổng hợp COVID-19 tuần từ 10-16/1: Cả nước có 68 ca nhiễm biến thể Omicron; Hà Nội có số ca mắc cao nhất mỗi ngày

Trong tuần, từ ngày 10 – 16/1, cả nước có 111.815 ca mắc COVID-19 mới. Trung bình mỗi ngày, cả nước có gần 16.000 trường hợp F0 được phát hiện và 184 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, ca nhiễm mới tại Hà Nội vẫn đứng đầu cả nước. Trong khi đó, số ca mắc mới tại TP Hồ Chí Minh giảm mạnh và đã trở lại “vùng xanh”.

Trung bình mỗi ngày gần 16.000 ca F0 mới, 184 ca tử vong

Tính từ 16 giờ ngày 15/1 đến 16 giờ ngày 16/1, Việt Nam ghi nhận 15.684 ca nhiễm mới SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: TN.

Trong số các nhiễm mới, có 41 ca nhập cảnh và 15.643 ca ghi nhận trong nước (giảm 662 ca so với ngày trước đó và có 11.196 ca trong cộng đồng).

Hà Nội vẫn đứng đầu ca nhiễm với 2.982 ca, tiếp đến là Đà Nẵng (888), Khánh Hòa (680), Bình Phước (661), Bình Định (599), Bến Tre (556), Tây Ninh (446)…

So với ngày trước, các địa phương có số ca nhiễm tăng cao nhất là: Lạng Sơn (tăng 221 ca), Hà Nội (tăng 172 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 150 ca).

Như vậy, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.935 ca/ngày.

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.017.268 ca, trong đó có 1.724.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (511.257), Bình Dương (292.084), Đồng Nai (99.284), Hà Nội (88.227), Tây Ninh (85.416).

Trong ngày, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 9.326 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.727.290 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.113 ca, trong đó có 20 ca chạy ECMO. Từ 17 giờ 30 ngày 15/1 đến 17 giờ 30 ngày 16/1, cả nước ghi nhận 129 ca tử vong.

Trung bình, số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 184 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.609 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Hà Nội vẫn đứng đầu ca nhiễm mới

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 15/1/2022 đến 18 giờ ngày 16/1/2022, Hà Nội ghi nhận 2.983 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; quận Đống Đa nhiều nhất.

Chú thích ảnh
Hà Nội điều trị F0 tại trạm y tế lưu động. Ảnh: TTXVN.

Các ca nhiễm mới phân bố tại 409 xã phường thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (191), Hoàng Mai (186), Thanh Trì (156), Đông Anh (123), Thanh Xuân (116), Hai Bà Trưng (135).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 91.370 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 của Hà Nội từ ngày 29/4 đến nay là 337 người.

Trước đó, ngày 15/1, UBND TP Hà Nội vừa có thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình), nhưng cũng không còn quận, huyện nào cấp độ 1 (nguy cơ thấp, màu xanh). Hai huyện cấp độ 1 tuần trước là Phúc Thọ và Phú Xuyên đã tăng lên cấp độ 2.

Cả nước phát hiện 68 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 68 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (27 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (30 ca), Đà Nẵng (3 ca), Thanh Hóa, Khánh Hòa (mỗi địa phương 2 ca), Long An, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng (mỗi địa phương 1 ca).

Riêng trong ngày 16/1, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết tại Thành phố đã phát hiện thêm 18 ca mắc COVID-19 mang biến chủng Omicron. Tất cả đều là ca bệnh nhập cảnh, đã được cách ly.

Chú thích ảnh
Các lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch COVID-19 ở phường An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Trong số này, một bệnh nhân 82 tuổi, trở về từ Mỹ và mắc nhiều bệnh nền, đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. 17 trường hợp còn lại không có triệu chứng, hiện được theo dõi, cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 12 (thành phố Thủ Đức). Như vậy, đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận có 30 ca mắc COVID-19 mang biến chủng Omicron.

Trước đó, Bộ Y tế cảnh báo biến chủng Omicron có tốc độ lây nhiễm rất nhanh, đặc biệt ở nhóm chưa tiêm chủng, có thể dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc, gây quá tải hệ thống y tế. Bộ Y tế đang tiếp tục bám sát diễn biến dịch do chủng mới Omicron gây ra và thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.

TP Hồ Chí Minh tạm ngừng hoạt động 4 bệnh viện dã chiến

Trước việc UBND TP Hồ Chí Minh công bố trở thành "vùng xanh" - mức độ nguy cơ thấp, ngày 15/1, TP Hồ Chí Minh đã cho tạm ngừng hoạt động 4 bệnh viện dã chiến.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến tại thành phố chiếm 10 - 30% công suất giường bệnh. Tuy nhiên, biến chủng Omicron có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại. Do đó, nhằm tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe, đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ ngày 19/1 cho đến khi có thông báo mới sẽ tạm ngưng hoạt động Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, 5, 10 và Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Nhân viên y tế, nhân viên khác đang công tác tại các bệnh viện này tạm thời trở về đơn vị để thực hiện nhiệm vụ theo phân công của giám đốc đơn vị chủ quản.

Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán 2022

Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 01/CT-BYT về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết.

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị y tế các ngành xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022; tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron.

Phân công trực 24/24 giờ hợp lý, khoa học, hiệu quả; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định. Phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh; nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường ngay sau kỳ nghỉ Tết. Quan tâm, tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên đối với các cán bộ y tế công tác tại đơn vị.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán 2022. Chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các khu vực đông dân cư, đô thị lớn, khu công nghiệp; các thời điểm người dân, công nhân di chuyển về quê, trở lại thành phố lao động, sản xuất; giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus, không để lây lan ra cộng đồng.

Cập nhật, triển khai có hiệu quả các hướng dẫn giám sát, cách ly phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an, nhất là tại tuyến cơ sở để thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao để có phương án đáp ứng, hỗ trợ kịp thời; tổ chức tiêm vét vaccine phòng COVID-19; bảo đảm thực hiện nghiêm việc cách ly tại nơi cư trú, tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 15/1: Hà Nội hơn 2.800 F0; TP Hồ Chí Minh tạm ngừng 4 bệnh viện dã chiến
Tổng hợp COVID-19 ngày 15/1: Hà Nội hơn 2.800 F0; TP Hồ Chí Minh tạm ngừng 4 bệnh viện dã chiến

Ngày 15/1, Việt Nam có 16.378 ca nhiễm mới SARS-CoV-2. Trong đó, Hà Nội vẫn đứng đầu với 2.810 ca F0 và không còn khu vực nào “vùng xanh”. Tại TP Hồ Chí Minh, số ca nhiễm mới ngày càng giảm nên 4 bệnh viện dã chiến đã tạm ngừng hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN