TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai giảm mạnh số ca nhiễm
Ngày 9/10, Việt Nam ghi nhận có 4.513 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại 40 tỉnh, thành phố (có 2.173 ca trong cộng đồng); trong đó có 1 ca nhập cảnh và 4.512 ca ghi nhận trong nước (giảm 261 ca so với ngày trước đó). Trung bình, số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 4.700 ca/ngày.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh gồm: TP Hồ Chí Minh (1.662 ca), Bình Dương (820 ca), Đồng Nai (575 ca), An Giang (308 ca), Sóc Trăng (192 ca), Bình Thuận (122 ca), Kiên Giang (113) ca…
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (giảm 553 ca), Đồng Nai (giảm 37 ca), Tây Ninh (giảm 35 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Sóc Trăng (tăng 192 ca), An Giang (tăng 126 ca), Đắk Lắk (85 ca).
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 836.134 ca nhiễm. Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 831.523 ca, trong đó có 755.622 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.014 ca.
Có 9 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình.
Có 10 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai.
Trong ngày ghi nhận 105 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (74 ca), Bình Dương (18 ca), An Giang (5 ca), Đồng Nai (3 ca), Tiền Giang (2 ca), Tây Ninh (2 ca), Hà Nội (1 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 119 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.442 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 8/10, cả nước có 1.055.502 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 51.968.108 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 37.725.480 liều, tiêm mũi 2 là 14.242.628 liều.
Đáng chú ý, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn và kế hoạch triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em 12-17 tuổi.
Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng lộ trình ngừng hoạt động các bệnh viện dã chiến
Với số ca mắc COVID-19 mới ngày càng giảm và ca khỏi bệnh, xuất viện ngày càng tăng, ngày 9/10, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị đang xây dựng lộ trình ngừng hoạt động các bệnh viện dã chiến trên địa bàn, trả lại trường học, ký túc xá, nhà tái định cư do tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu tháng 7/2021 đến nay, Thành phố đã lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường bệnh nhằm thu dung điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Hiện 16 bệnh viện dã chiến vẫn đang tiếp tục điều trị cho khoảng 9.443 F0. Do các bệnh viện dã chiến được trưng dụng từ khu nhà tái định cư, các ký túc xá của trường đại học, cao đẳng nên không thể sử dụng lâu dài.
Hiện tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, để chuẩn bị cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng bắt đầu trở lại học tập cũng như đưa những khu nhà tái định cư phục vụ người dân, ngành y tế Thành phố đã xây dựng lộ trình ngừng hoạt động đối với các bệnh viện dã chiến thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ.
Theo đó, dự kiến các bệnh viện dã chiến thành phố sẽ lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12/2021. Riêng các Bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) sẽ là những bệnh viện ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12/2021 bởi đây là những bệnh viện đã được đầu tư hệ thống oxy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 nặng, tiếp tục hoạt động để các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động theo lộ trình. Ngoài ra, Bệnh viện dã chiến số 5 cũng trong danh sách bệnh viện dã chiến ngừng hoạt động sau cùng do yêu cầu hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện trong khu vực trung tâm Thành phố (Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình).
Yên Bái, Quảng Ninh hỗ trợ chi phí cho người dân trở về từ miền Nam
Ngày 9/10, bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về địa phương đợt này được tỉnh hỗ trợ chi phí cách ly.
Theo Nghị quyết 16 của Chính phủ, người cách ly phải nộp chi phí cách ly gồm tiền ăn, chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, công dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam về gặp rất nhiều khó khăn do giãn cách kéo dài, không có việc làm, không có thu nhập nên tỉnh đã quyết định hỗ trợ chi phí cách ly, kể cả chi phí xét nghiệm SARS-COV-2.
Đây là những trường hợp tự di chuyển về địa phương, gồm 167 người, có cả người già và trẻ em, hiện đang ở tại khu cách ly của tỉnh ở Trung đoàn 121, được bố trí các bữa ăn đảm bảo chất lượng.
Tương tự, tỉnh Quảng Ninh cũng miễn phí cách ly y tế tập trung cho người dân trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam
Toàn bộ kinh phí thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với các trường hợp cách ly tập trung, cách ly y tế, theo dõi sức khoẻ tại nhà; kinh phí tổ chức cách ly tập trung (ăn uống, lưu trú…) của người dân tỉnh Quảng Ninh trở về tỉnh từ các tỉnh phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,…) sẽ do UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí, người dân không phải chi trả.
Người dân chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi sẽ được địa phương bố trí tiêm chủng… Đây là chỉ đạo mới nhất của tỉnh Quảng Ninh từ ngày 8/10 để hỗ trợ người dân về từ các tỉnh, thành phố phía Nam.
Cùng với đó, người dân về thực hiện cách ly tại nơi cư trú có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, cần trợ giúp, UBND cấp xã chủ động nắm bắt thông tin, báo cáo UBND huyện để có giải pháp hỗ trợ toàn bộ lương thực, thực phẩm thiết yếu để đảm bảo thực hiện cách ly an toàn, đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa để đón tất cả người dân Quảng Ninh và gia đình đang sinh sống, làm việc tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có nhu cầu trở về địa phương. Người dân có nhu cầu trở về cần liên hệ trực tiếp bằng điện thoại, tin nhắn, văn bản… hoặc thông qua người thân để thông tin đến UBND cấp xã nơi cư trú để tổng hợp, gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Triển khai thí điểm 38 chuyến bay nội địa từ ngày 10/10
Tối muộn ngày 8/10, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy định tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, quy định này áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách nội địa bằng đường hàng không trên phạm vi toàn quốc và thực hiện thí điểm từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021; sẽ tiến hành đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Về kế hoạch khai thác, Bộ Giao thông Vận tải cho hay: Giai đoạn thí điểm (từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021), Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổng hợp tình hình, sơ kết đánh giá, phối hợp các địa phương để đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khai thác cho phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, kế hoạch khai thác giai đoạn thí điểm gồm 19 chuyến bay khứ hồi (38 chuyến bay mỗi ngày).
Theo đó, đường bay Tp. Hồ Chí Minh đi/đến Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Quốc (tần suất được cho phép mỗi chặng được khai thác một chuyến khứ hồi mỗi ngày).
Đối với đường bay Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh được khai thác một chuyến bay khứ hồi mỗi ngày; đường bay Hà Nội – Đà Nẵng được khai thác một chuyến bay khứ hồi mỗi ngày.
Trong khi đó đường bay Đà Nẵng Cần Thơ, Đà Nẵng – Đắk Lắk, Đà Nẵng – Cần Thơ mỗi chặng bay cũng được khai thác một chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Đối với đường bay Hà Nội – Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải cho hay sẽ được khai thác linh hoạt khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, đối với đường bay Tp. Hồ Chí Minh đi/đến Gia Lai, Rạch Giá (Kiên Giang) cũng sẽ được cho phép khai thác mỗi chặng một chuyến bay khứ hồi mỗi ngày.
Đối với đường bay Thanh Hóa – Lâm Đồng, Bộ Giao thông Vận tải cho phép được bay khứ hồi một chuyến mỗi ngày.
Bên cạnh việc quy định cụ thể các chặng bay, tần suất bay, Bộ Giao thông Vận tải đã hướng dẫn cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn việc tổ chức và thực hiện chuyến bay.
Đối với hành khách (Tiêu chuẩn hành khách trong thời gian thí điểm): Các hãng hàng không chỉ tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế theo thứ tự ưu tiên: hoạt động công vụ, lực lượng phòng chống dịch COVID-19, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và các đối tượng khác.
Điều kiện: Phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19); có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay;
Ngoài ra hành khách cần phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy định này; không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…
Đối với địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú: Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương này quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người về địa phương theo quy định cụ thể của địa phương, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng; tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế);
Bên cạnh đó, Tổ bay, tàu bay của các hãng hàng không cũng phải đáp ứng các điều kiện kiện mà Bộ Giao thông Vận tải đã quy định. Cụ thể như: Tàu bay đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19: trang bị dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang y tế; được vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi chuyến bay…
Trà Vinh khôi phục nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 0 giờ ngày 10/10
Ngày 9/10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn ký ban hành công văn 4985/UBND-KGVX về việc phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, áp dụng từ 0 giờ ngày 10/10. Theo đó, tỉnh khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước đưa cuộc sống của người dân về trạng thái bình thường mới.
Cụ thể, tỉnh cho phép hoạt động trở lại đối với các cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ, kể cả dịch vụ ăn uống, giải khát, khách sạn, nhà nghỉ; cắt tóc, uốn tóc; vận tải hành khách nội tỉnh (trừ dịch vụ ăn uống có phục vụ rượu, bia; dịch vụ karaoke; trò chơi điện tử). Tuy nhiên, những cơ sở nói trên phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn; đặc biệt là chủ cơ sở, nhân viên phục vụ phải xét nghiệm ít nhất 2 tuần/lần, phải trang bị phòng hộ, đo thân nhiệt, có sử dụng tấm chắn giọt bắn, nước khử khuẩn và giữ mức độ giãn cách khi tiếp xúc; khai thác tối đa 50% công suất phục vụ trong một phòng đối với cơ sở ăn uống, giải khát. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (nói chung) phải thực hiện nghiêm việc quét mã QR Code, nếu không chấp hành thì sẽ bị buộc dừng hoạt động.
Tỉnh cũng thực hiện Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 31/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức trở lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; doanh nghiệp được hoạt động trở lại ở trạng thái bình thường mới (giai đoạn 2) nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch và được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Cán bộ, công chức, viên chức đến cơ quan, công sở làm việc ở mức 100% biên chế nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch.