Công điện hỏa tốc tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh
Ngày 7/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có Công điện hỏa tốc số 1314/CĐ-TTg gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh.
Công điện nêu rõ: Sau một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một bộ phận người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... có nhu cầu di chuyển về quê. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân tuy nhiên nếu không tổ chức tốt việc đưa, đón để người dân phải tự phát về quê thì sẽ dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan ra nhiều địa phương trong cả nước.
Trong mấy ngày qua, mặc dù các tỉnh, thành phố đã cố gắng để tổ chức đưa đón an toàn nhưng do số lượng người dân có nhu cầu về quê cùng một thời điểm quá lớn, sự phối hợp giữa các địa phương chưa chủ động, nhịp nhàng nên đã gây ùn ứ tại các điểm kiểm soát dịch và nhiều người dân trong đó có cả người già, trẻ em đã phải rất vất vả. Cá biệt có một số người dân tự ý rời khỏi địa phương nơi cư trú nhưng do quê ở rất xa nên dọc đường đi gặp nhiều rủi ro cho sức khỏe bản thân và có thể làm lây lan dịch bệnh.
Để tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đảm bảo để người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được đưa, đón về quê an toàn, chu đáo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1625/CĐ-TTg ngày 30/9/2021, công điện số 122 DK ngày 1/10/2021 của Văn phòng Chính phủ. Việc phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ.
Các địa phương tình hình dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng đã dùng thực hiện Chỉ thị 16 tiếp tục tích cực vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại gắn với hỗ trợ an sinh và thực hiện khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn. Đối với những người vẫn muốn về quê cần chủ động lập danh sách thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa, đón đến tận nơi đến.
Đối với những người dân đã ra tới các chốt kiểm soát cửa ngõ của tỉnh, thành phố để về quê thì phải thực hiện ngay việc phân nhóm, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dịch tễ, liên hệ với tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân đi. Bố trí phương tiện vận chuyển an toàn đối với những người không có phương tiện hoặc người già, phụ nữ có thai, trẻ em có nhu cầu.
Các tỉnh, thành phố dọc đường đi có trách nhiệm phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt và có sự hỗ trợ nếu cần thiết. Tỉnh, thành phố nơi đến có trách nhiệm đón, nhận bàn giao và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định.
Các tỉnh, thành phố nếu phát hiện có người dân tự phát từ vùng có dịch về quê đang đi qua địa phương mình thì cần chủ động hỗ trợ cần thiết, thông báo cho tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân di chuyển an toàn không để lây lan dịch bệnh. Bố trí phương tiện chuyên trở thuận lợi nếu người dân không có phương tiện phù hợp.
Bộ Y tế phân bổ ngay vaccine sau khi tiếp nhận, ưu tiên sớm hơn cho các tỉnh có nhiều người dân từ vùng dịch về; hỗ trợ phương tiện, sinh phẩm xét nghiệm; hỗ trợ thuốc để các địa phương có người dân trở về xét nghiệm kịp thời, sẵn sàng điều trị khi có ca nhiễm COVID-19 mới. Căn cứ yêu cầu các địa phương Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tăng cường, hỗ trợ nhân lực đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Chính phủ đồng ý với Bộ tiêu chí công nhận và sử dụng hộ chiếu vaccine của các nước tại Việt Nam
Chiều 7/10, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến.
Đề cập đến vấn đề triển khai hộ chiếu ngoại giao vaccine, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, lâu dài, không thể khống chế tuyệt đối, Chính phủ Việt Nam đã thống nhất chuyển chủ trương từ không COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.
Điều này có nghĩa là vừa phòng, chống dịch một cách hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó chiến dịch hộ chiếu vaccine, thẻ xanh sức khỏe hay Giấy chứng nhận sức khỏe số được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là đối với ngành liên quan đến dịch vụ và du lịch.
Theo Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý với Bộ tiêu chí công nhận và sử dụng hộ chiếu vaccine của các nước tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao đề xuất. Một trong những nội dung quan trọng của Bộ tiêu chí nói trên là về loại vaccine. Theo đó, Việt Nam chấp nhận các loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ hoặc Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu, cũng như Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
"Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách du lịch đã được tiêm chủng tới Việt Nam, trước mắt là sớm triển khai thí điểm ở Phú Quốc trong thời gian tới", Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Các quyền app PC-COVID cần được người dùng cho phép
Ngày 7/10, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố cụ thể về các quyền mà ứng dụng (app) PC-COVID yêu cầu người dùng cần cấp khi sử dụng. Theo đó, Cục An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin, Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng), Cục A05 (Bộ Công an) đánh giá độc lập về các quyền truy cập cần được người dùng cho phép, liên quan đến việc đảm bảo an toàn thông tin, quyền riêng tư của người dùng.
Đó là các quyền: Quyền sử dụng Bluetooth khi ứng dụng PC-COVID ghi nhận tiếp xúc gần bằng công nghệ Bluetooth; quyền truy cập thông báo trên điện thoại cài hệ điều hành Android; quyền sử dụng camera để thực hiện chức năng quét mã QR và chức năng gửi phản ánh kèm theo video/hình ảnh; Quyền truy cập ảnh, video, âm thanh và tệp.
Đã chi hơn 6,9 nghìn tỷ đồng để mua vaccine, hỗ trợ thử nghiệm vaccine
Theo Kho bạc Nhà nước (KBNN) chiều 7/10, tính đến 17 giờ chiều 7/10, KBNN đã chi từ Quỹ vaccine phòng COVID-19 tổng cộng là 6.944,1 tỷ đồng, trong đó mua vaccine hết 6.935,3 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine là 8,8 tỷ đồng.
Từ khi thành lập Quỹ đến nay, Quỹ đa nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tính đến chiều 7/10, tổng số tiền huy động vào Quỹ vaccine được là 8.781 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 47,7 tỷ đồng). Số dư Quỹ hiện là 1.836,9 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, để mua và tiêm cho 75 triệu dân, Việt Nam phải cần 150 triệu liều vaccine với kinh phí 25,2 nghìn tỷ đồng.
Ngày 7/10, Việt Nam ghi nhận 4.150 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 120 ca tử vong
Tính từ 17 giờ ngày 6/10 đến 17 giờ ngày 7/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.150 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 120 ca tử vong.
Trong số các ca nhiễm mới có 3 ca nhập cảnh và 4.147 ca ghi nhận trong nước (giảm 209 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố (có 1.986 ca trong cộng đồng).
Trong ngày ghi nhận 120 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (92 ca), Bình Dương (19 ca), Đồng Nai (3 ca), Cần Thơ (2 ca), Bến Tre (1 ca), Tiền Giang (1 ca), Đắk Nông (1 ca), Long An (1 ca).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.223 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
TP Hồ Chí Minh hướng dẫn đăng ký di chuyển trong trường hợp cấp thiết
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản hướng dẫn việc đăng ký hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết kể từ ngày 7/10.
Trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm người dân nhận được thông tin đăng ký thành công, Sở Giao thông vận tải sẽ phản hồi kết quả giải quyết của người dân.
Cụ thể, người đi từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố khác trong một số trường hợp cấp thiết thuộc các trường hợp: đưa đón người bệnh hiểm nghèo; đưa đón con nhỏ (dưới 18 tuổi); đưa đón phụ nữ mang thai; tham gia phỏng vấn trước khi đi nước ngoài; tham gia thi tuyển do các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý nhà nước tổ chức; thực hiện di chuyển theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan điều tra (người đã được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đến cho phép đến không thuộc đối tượng cần Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh xác nhận di chuyển).
Trong khi đó, người dân TP Hồ Chí Minh từ các tỉnh, thành phố khác có nguyện vọng trở về TP Hồ Chí Minh thuộc trường hợp: có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh; có giấy xác nhận tạm trú tại TP Hồ Chí Minh, giấy xác nhận tạm vắng của địa phương có địa chỉ nơi đến là TP Hồ Chí Minh (người đã được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đi cho phép đến TP Hồ Chí Minh không thuộc đối tượng cần Sở Giao thông vận tải xác nhận di chuyển).
TP Hồ Chí Minh: Dự kiến đầu tháng 1/2022 sẽ dạy và học trực tiếp trở lại
Chiều 7/10, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện mới có khoảng 150 cơ sở giáo dục được trả lại cho ngành giáo dục trong tổng số 1.500 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thời gian qua, Sở đã triển khai dạy và học qua truyền hình cũng như nhiều hình thức khác. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến khối Tiểu học khá cao, trên 97% và THPT trên 99%.Riêng khối Tiểu học có hơn 30.000 em còn ở tạm các tỉnh khác, trong đó có 26.000 em ở tỉnh nhưng đăng ký học trực tuyến tại TP Hồ Chí Minh; hơn 5.000 em chưa có thiết bị và đang học tạm tại các trường Tiểu học ở địa bàn các tỉnh, thành phố khác.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, qua thời gian 4 tuần với THPT và 2 tuần với Tiểu học khi thực hiện dạy học trực tuyến, Sở nhận định vẫn còn nhiều khó khăn trong dạy và học do số lượng học sinh lớn (hơn 1,3 triệu học sinh). Chẳng hạn, đường truyền internet thường xuyên không ổn định dẫn đến việc kết nối bị ngắt quãng, ảnh hưởng đến việc dạy và học trực tuyến; học sinh lớp 1 còn gặp khó khăn khi sử dụng các thiết bị, ứng dụng hỗ trợ trong học trực tuyến; phụ huynh cũng chưa quen với một số tính năng của công nghệ nên việc hỗ trợ học sinh thực hành hệ thống dạy trực tuyến cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong những tuần đầu tiên.
Phong tỏa tạm thời Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam trong 3 ngày
Để phòng tránh dịch bệnh lan rộng, ngay sau khi phát hiện một ca F0 vào đêm 6/10, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tại huyện Núi Thành thực hiện phong tỏa tạm thời trong 3 ngày để khử khuẩn và làm xét nghiệm.
Theo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, ca F0 này là người nhà (ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vào chăm nuôi một sản phụ tại khoa Phụ sản của Bệnh viện (sản phụ nhập viện vào ngày 28/9). Ngay sau khi nhập viện, Bệnh viện đã tiến hành test nhanh kháng nguyên cho người nhà, có kết quả âm tính.
Ngày 4/10, cháu bé được chuyển đến khoa Nhi để điều trị bệnh vàng da, có bà ngoại theo chăm. Đến ngày 6/10, sau 3 ngày điều trị, bệnh tình cháu bé đã ổn định, Bệnh viện test nhanh người nhà để cho ra viện, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Sau đó, Bệnh viện tiếp tục xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, kết quả là dương tính. Sau khi phát hiện ca F0 là người nhà của bệnh nhi, ngay trong đêm 6/10, toàn bộ nhân viên khoa Phụ sản, khoa Nhi đã được làm xét nghiệm RT-PCR và cho kết quả âm tính. Ngày 7/10, toàn thể nhân viên Bệnh viện tiếp tục được làm xét nghiệm.