Tổng hợp COVID-19 ngày 18/2: Số ca mắc F0 tăng kỷ lục, Hà Nội dừng đón học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở các quận từ ngày 21/2

Cả nước ghi nhận 42.439 ca mắc COVID-19, tăng 6.237 ca so với ngày trước đó; Hà Nội dừng đón học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở các quận từ ngày 21/2; Bảo đảm chương trình tiêm chủng thực sự an toàn; Lo ngại khi ca mắc gia tăng trong trường học… là những thông tin nóng trong ngày 18/2 được bạn đọc quan tâm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) ngày 17/2/2022. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Cả nước ghi nhận 42.439 ca mắc COVID-19 trong ngày 18/2

Tính từ 16 giờ ngày 17/2 đến 16 giờ ngày 18/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 42.439 ca mắc mới, trong đó 12 ca nhập cảnh; 42.427 ca ghi nhận trong nước (tăng 6.237 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 31.028 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Thái Nguyên (-826 ca), Quảng Ninh (-459 ca), Bắc Kạn (-129 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó gồm: Ninh Bình (+1.540 ca), Vĩnh Phúc (+796 ca), Lạng Sơn (+750 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 32.601 ca/ngày. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 200 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh (97 ca); Quảng Nam (27 ca); Quảng Ninh (20 ca); Hà Nội (14 ca); Khánh Hòa (11 ca); Đà Nẵng (8 ca); Hưng Yên (6 ca); Kiên Giang (4 ca);  Thanh Hóa, Hải Dương,  Bình Dương, Long An (2 ca); Hải Phòng,  Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng,  Ninh Bình, Bình Phước (1 ca).  

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.685.463 ca mắc, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 27.191 ca mắc).  

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), tổng số mắc mới ghi nhận trong nước là 2.678.241 ca, trong đó có 2.258.363 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: Thành phố Hồ Chí Minh (518.295 ca), Bình Dương (293.645 ca), Hà Nội (188.373 ca), Đồng Nai (100.410 ca), Tây Ninh (88.938 ca).

Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (địa chỉ cdc. kcb. vn) cho thấy trong ngày 18/2 đã có 6.215 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng ca được điều trị khỏi lên 2.261.180 ca.

Hà Nội: Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở các quận chưa đi học từ ngày 21/2  

Ngày 18/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký Văn bản số 472/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND các quận về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận.  

Theo đó, UBND thành phố thống nhất đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 397/TTr-SGDĐT ngày 18/2/2022 về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối lớp 1-6 thuộc 12 quận cho đến khi có thông báo mới.  

Theo Tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngày 9/2, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Tờ trình số 327/TTr-SGDĐT trình UBND thành phố về việc cho học sinh các khối lớp 1-6 thuộc 12 quận trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19 và đã được UBND thành phố chấp thuận tại Công văn số 432/UBND-KGVX, ngày 15/2/2022, thời gian thực hiện từ ngày 21/2/2022.  

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng tăng.

Cùng với đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các nơi thuộc Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, khu vực Hà Nội sẽ có những ngày rét đậm, rét hại, dẫn đến việc cha mẹ học sinh còn băn khoăn lo lắng khi cho con đến trường. Tỷ lệ đồng thuận của cha mẹ học sinh chưa cao trong việc cho con em trở lại trường học trực tiếp.

Để bảo đảm an toàn và sức khỏe cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị UBND thành phố cho phép tạm dừng phương án cho học sinh các khối lớp 1-6 thuộc 12 quận trở lại trường học tập trực tiếp theo Công văn số 432/UBND-KGVX cho đến khi có thông báo mới của thành phố.  

Bảo đảm chương trình tiêm chủng thực sự an toàn  

Dẫn con số thống kê của Bộ Y tế, trẻ em dưới 18 tuổi mắc COVID-19 với tỷ lệ không nhỏ hơn so với người lớn, chiếm đến 19,3%, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển cho rằng, ở Hà Nội, do phủ được vaccine tốt ở tất cả các nhóm trên 12 tuổi, tình trạng bệnh nhẹ là chủ yếu. Nhưng với nhóm tuổi chưa được tiêm chủng, nhóm trẻ bị bệnh nền, cần có những quan tâm đặc biệt.  

Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng, đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau. Tới đây tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, chúng ta sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất, tuy nhiên hàm lượng vaccine chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn. Cách thức triển khai, pha vaccine, đóng lọ và số liều vaccine trong một lọ…, tới đây, Viện sẽ tập huấn rất kỹ lưỡng.  

“Triển khai công tác tiêm chủng bao giờ cũng song song với công tác hướng dẫn, xử trí các phản ứng nặng sau tiêm. Một trong những nội dung đó chính là các chuyên gia nhi khoa phải hướng dẫn cán bộ làm y tế dự phòng, cán bộ y tế xã, huyện nhận định được thế nào là dấu hiệu bất thường của phản ứng sau tiêm liên quan đến nhóm tuổi trẻ. Đặc biệt tới đây là trẻ rất nhỏ”, vị chuyên gia này khẳng định.  

Bà Dương Thị Hồng cho rằng, các thầy, cô cần nắm được nội dung về chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết về tổ chức tiêm chủng và tham gia ngay những phút đầu trong buổi tiêm. Đó là theo dõi các phản ứng bất thường xảy ra ngay sau khi tiêm chủng; đồng hành với ngành y tế, có những cuộc họp phụ huynh để chia sẻ công tác tổ chức, đảm bảo một lần nữa truyền tải đến phụ huynh công tác tổ chức tiêm chủng ở các trường học rất an toàn.

Mặc dù tổ chức tiêm ở trường nhưng cán bộ tiêm chủng là từ các trạm y tế và có những đội tổ chức theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, cấp cứu phản ứng sau tiêm là các cán bộ chuyên khoa, cán bộ hồi sức cấp cứu đã được hỗ trợ từ tuyến huyện, thậm chí có một số nơi, các thành phố lớn là tuyến tỉnh hỗ trợ.  

Bà Dương Thị Hồng đề nghị các chuyên gia nhi khoa xem xét lại, hướng dẫn cán bộ y tế khám sàng lọc cho các bé trước khi tiêm chủng để có được chương trình tiêm chủng thực sự an toàn. Mặc dù kinh nghiệm đã có, nhưng đối với trẻ em từ 5-11 tuổi, đây là một vaccine mới, cán bộ y tế cũng phải học nghiêm túc, tập huấn lại để có thao tác thực hành tiêm chủng an toàn, xử trí phản ứng sau tiêm.

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ tiếp tục báo cáo với Bộ Y tế và duy trì cách thức tổ chức như các chiến dịch trước, đặc biệt là công tác cấp cứu và xử trí phản ứng sau tiêm. Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ cố gắng cung ứng vaccine với chất lượng đảm bảo nhất tới tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.  

Cho rằng, “đứng trước một mũi tiêm dành cho trẻ em, chúng ta đều lo lắng”, với nhóm trẻ ít tuổi hơn, có sự đặc biệt hơn về thể chất, về tinh thần, sự lo ngại của cha mẹ cũng nhiều hơn, theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển, đây là vấn đề  cần phải quan tâm.

“Với loại vaccine như vậy, chúng tôi đều phải đọc tài liệu để tiếp cận, để tư vấn tốt cho các ông bố, bà mẹ và cũng chỉ định được vaccine này cho trẻ em. Sự an toàn của loại vaccine này cũng đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất. Sau khi bảo đảm được an toàn và hiệu quả, Hoa Kỳ dù rất khắt khe trong việc cấp phép vaccine cũng đã cấp phép khẩn cấp vaccine cho nhóm tuổi này. Đã có 60 nước chỉ định vaccine này cho trẻ em”, ông Trần Minh Điển nói.

Phân tích kỹ hơn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Điển cho biết, bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.

Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm không nên lo ngại, vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn. Vai trò của phụ huynh là phối hợp với những người tiêm chủng, với hệ thống y tế điều trị để cùng nhau nhìn nhận xem trẻ chỉ phản ứng ở mức độ thông thường hay phản ứng ở mức độ nặng hơn.  

“Để tiêm cho trẻ em, kế hoạch tiêm phải kỹ càng, thận trọng, chu đáo, trước hết phải tạo sự đồng thuận cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và học sinh; thấy rõ lợi ích của tiêm vaccine cao hơn nhiều so với không tiêm để lại những biến chứng khi mắc COVID-19 rất nguy hiểm. Chỉ còn 10% trẻ chưa tiêm sẽ trở thành yếu thế và nguy cơ mắc COVID-19 rất cao… Nếu trẻ lứa tuổi này được tiêm sẽ tạo được mảnh ghép còn lại, các cháu sẽ được đi học, yên tâm và phát triển bình thường”, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Hùng nêu quan điểm.

Chú thích ảnh
Phương án phân luồng, giãn cách khi đón học sinh tới trường được các trường Tiểu học chuẩn bị chu đáo. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Lo ngại khi ca mắc gia tăng trong trường học

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc COVID-19 tăng mạnh.

Tình hình trên đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm, thăm dò, đặc biệt là đối với cấp mầm non và tiểu học.  

Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.  

Việc tổ chức bán trú, học hai buổi còn rất khác nhau ở nhiều địa phương gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con.  

Cùng với đó, tỷ lệ học sinh mắc COVID-19 gia tăng khi quay trở lại trường gần đây đã khiến nhiều phụ huynh chuyển từ trạng thái mong ngóng, háo hức chờ ngày con được trở lại trường sang lo lắng, bất an, quyết định tiếp tục cho con học trực tuyến để tránh nguy cơ nhiễm bệnh từ trường học. Đặc biệt, với cấp học mầm non, tiểu học, nhiều phụ huynh chưa sẵn sàng tâm thế cho con quay trở lại trường, nên có tình trạng, lớp học vẫn mở cửa, cô giáo vẫn tới lớp nhưng chỉ có duy nhất một học sinh đến trường học trực tiếp, còn lại tham gia học trực tuyến tại nhà.  

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Nhiều phụ huynh ý thức được những hậu quả về tâm lý, thể chất khi giữ con ở quá lâu trong nhà. Họ đã bắt đầu cho con đi chơi ở nơi công cộng, đi du lịch… để cân bằng tâm lý. Tuy nhiên, việc đưa con đến trường học lại khiến phụ huynh e ngại. Sở dĩ có điều này do cha mẹ cảm thấy chưa kiểm soát được nguy cơ.

Bởi khi đưa con đi đến nơi công cộng, cha mẹ tham gia kiểm soát và hoàn toàn chịu trách nhiệm về các yếu tố liên quan đến nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ, họ sẽ là người chọn không gian công cộng phù hợp, chọn khung giờ phù hợp, kiểm soát được việc thực hành an toàn của con như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc...

Nếu có tình huống nào nguy cơ xuất hiện, họ có thể can thiệp được ngay. Tuy nhiên, khi đưa con quay trở lại trường, họ không có mặt ở đó. Việc kiểm soát nguy cơ và các tình huống bất thường giao hết lại cho nhà trường và giáo viên trong khi số ca F0 lại đang gia tăng trong trường học.

V.T/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 17/2: Học sinh mắc COVID-19 trong trường học liên tục tăng
Tổng hợp COVID-19 ngày 17/2: Học sinh mắc COVID-19 trong trường học liên tục tăng

Trong này 17/2, dư luận xã hội tiếp tục quan tâm đến các thông tin nổi bật liên quan đến: Đảm bảo đưa trẻ trở lại trường học an toàn, linh hoạt, tránh cực đoan; học sinh tại TP Hồ Chí Minh mắc COVID-19 trong trường học liên tục tăng; xây dựng chính sách về thị thực đối với khách du lịch nhập cảnh Việt Nam; Việt Nam có thêm 36.200 ca F0...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN