Việt Nam có 31.814 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 2.926 ca nặng đang điều trị
Tính từ 16 giờ ngày 14/2 đến 16 giờ ngày 15/2, Việt Nam ghi nhận 31.814 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội vẫn dẫn đầu với số ca mắc tăng cao nhất trong ngày.
Trong số các ca nhiễm mới, có 27 ca nhập cảnh và 31.787 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.384 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 22.870 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Lạng Sơn (giảm 595 ca), Nghệ An (giảm 272 ca), Bình Phước (giảm 250 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Hà Nội (tăng 465 ca), Quảng Ninh (tăng 354 ca), Bình Định (tăng 273 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 27.330 ca/ngày.
Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 198 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại: TP Hồ Chí Minh (97), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Hưng Yên (6), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.572.087 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.045 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.564.888 ca, trong đó có 2.239.456 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (516.477), Bình Dương (293.201), Hà Nội (176.043), Đồng Nai (100.141), Tây Ninh (88.836). Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 9.326 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.242.273 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.926 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 14/2 đến 17 giờ 30 ngày 15/2, cả nước ghi nhận 85 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 86 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.122 ca, chiếm tỷ lệ 1,5% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Riêng Hà Nội từ 18 giờ ngày 14/2 đến 18 giờ ngày 15/2 ghi nhận 3.972 ca F0; trong đó có 798 ca cộng đồng và 3.174 ca đã cách ly. Các ca nhiễm mới phân bố tại 487 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Hiện, Hà Nội có số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị là 95.916 ca; tại các cơ sở: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (163), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (175), các bệnh viện của Hà Nội (3.273), tại các cơ sở thu dung thành phố (100), tại các cơ sở thu dung quận, huyện (661), theo dõi, điều trị tại nhà (91.544).
Xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3
Ngày 15/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, gắn với từng bước phục hồi kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại cuộc họp, đại diện một số bộ, ngành đã tập trung thảo luận nội dung chi tiết, xây dựng phương án để có thể mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, theo tinh thần khẩn trương nhất, thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch, gắn với từng bước phục hồi kinh tế - xã hội.
Theo đó, các biện pháp kiểm soát người đi lại được đưa ra khi dịch bùng phát từ năm 2020 đến nay, sẽ được dỡ bỏ; cùng với đó là những giải pháp kiểm soát dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt, thực hiện nghiêm thông điệp 5K mọi lúc, mọi nơi.
Cụ thể, về việc cấp thị thực nhập cảnh (visa), trước đó, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 và tùy theo diễn biến dịch tại các nước, Chính phủ đã có Nghị quyết ngừng cơ chế miễn visa này. Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất, báo cáo Chính phủ cho phép, đến thời điểm ngày 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về xin cấp thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế và thực hiện như trước khi có dịch COVID-19, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.
Bên cạnh đó, thay vì đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm trước đó, khách quốc tế khi đến Việt Nam chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu rõ: “Du khách quốc tế dưới 11 tuổi không bắt buộc phải tiêm vaccine phòng COVID-19, vì Việt Nam chưa áp dụng tiêm cho đối tượng này. Khách quốc tế từ 12 tuổi trở lên phải được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng COVID-19, mũi thứ 2 không quá 6 tháng hoặc có chứng nhận khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận”.
Đồng thời, khách quốc tế bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với phương pháp xét nghiệm nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR ). Với các nước có quy định khắt khe hơn sẽ áp dụng theo quy định của các nước này; đồng thời, cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sau hơn 2 năm phòng chống dịch COVID-19, ngành Du lịch nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung, gặp rất nhiều khó khăn. Trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, mỗi bộ, ngành phải khẩn trương, trách nhiệm trong thực hiện hiệu quả các giải pháp mở cửa lại hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Sau cuộc họp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn kịp thời, chi tiết về việc mở cửa lại hoạt động du lịch, sớm có báo cáo Chính phủ.