Việt Nam ghi nhận 192 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron
Ngày 12/2, Việt Nam ghi nhận 27.311 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và 78 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới, có 9 ca nhập cảnh và 27.302 ca ghi nhận trong nước, tăng 831 ca so với ngày trước đó và có 19.217 ca trong cộng đồng. Hà Nội vẫn đứng đầu ca mắc mới với 2.981 ca, Nam Định là 1.842 ca, Hải Dương là 1.681 ca, Nghệ An là 1.550 ca, Hải Phòng là 1.394 ca…
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Bắc Ninh (giảm 645 ca), Bắc Giang (giảm 390 ca), Đắk Lắk (giảm 311 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Nam Định (tăng 555 ca), Gia Lai (tăng 525 ca), Phú Yên (tăng 285 ca).
Trung bình, số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 22.366 ca/ngày.
Đến nay, Việt Nam cũng ghi nhận 192 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, gồm: TP Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Hưng Yên (6), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 6.270 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.218.939 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.649 ca.
Trong ngày 11/2, cả nước có 401.319 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 185.254.387 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.203.047 liều, tiêm mũi 2 là 74.674.139 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 31.377.201 liều.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và an toàn, tiêm chủng theo đúng số lượng vaccine phòng COVID-19 đã được cấp, không được để lãng phí vaccine.
Các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong cách ly, khu phong tỏa.
Hà Nội có 808 ca cộng đồng
Trong số ca mắc mới cả nước, Hà Nội vẫn đứng đầu ca nhiễm mới với 2.981 ca; trong đó có 808 ca cộng đồng và 2.179 ca đã cách ly.
Các ca nhiễm mới phân bố tại 502 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (208); Chương Mỹ (197); Nam Từ Liêm (157); Gia Lâm (143); Hoài Đức (139). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 168.798 ca.
Tính đến hết ngày 11/2, Hà Nội có số ca F0 đang điều trị là 69.065 ca; tại các cơ sở: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (163 ca), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (175 ca), các bệnh viện của Hà Nội (2820 ca), tại các cơ sở thu dung thành phố (101 ca), tại các cơ sở thu dung quận, huyện (538 ca), theo dõi, điều trị tại nhà (65.268 ca).
Để đảm bảo công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các Trung tâm y tế làm tốt công tác quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ tại nhà; phát thuốc đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ chuyển tầng, chuyển viện nhằm giảm áp lực cho tuyến trên; đối với những trường hợp chuyển nặng, cần có sự nắm bắt sát sao, kịp thời nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong. Đối với các bệnh viện điều trị tầng 2, tầng 3, Sở Y tế đề nghị các đơn vị chuẩn bị đủ cơ số giường được giao, vật tư y tế, thuốc đáp ứng công tác điều trị theo từng cấp độ của kịch bản phòng, chống dịch.
Nghệ An: Nhanh chóng khống chế số ca nhiễm trong cộng đồng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 11/2 đến 6 giờ ngày 12/2) tại Nghệ An ghi nhận 1.186 ca dương tính mới với SARS-CoV2, trong đó có 260 ca cộng đồng; 926 ca từ F1, 7 ca từ ngoại tỉnh có dịch về.
Như vậy, tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến 6 giờ ngày 12/2 tại Nghệ An ghi nhận 28.765 ca mắc COVID-19. Toàn tỉnh cũng đã có 14.518 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, ra viện; 54 bệnh nhân tử vong.
Tại Nghệ An, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp; số ca nhiễm mới và số ca trong cộng đồng liên tục tăng và đang nằm ở nhóm các tỉnh, thành phố có mức tăng cao trong cả nước.
Tại một số địa phương trong tỉnh, đặc biệt là tại thành phố Vinh trong những ngày qua, người dân đến các cơ sở y tế làm dịch vụ xét nghiệm test nhanh rơi vào tình trạng quá tải. Một số hiệu thuốc trên địa bàn tỉnh lượng người tìm đến mua dụng cụ test nhanh tăng cao.
Hiện nay, do số ca nhiễm trong cộng đồng hàng ngày đang tăng cao nên việc quản lý, khống chế dịch gặp rất nhiều khó khăn. Đáng lo ngại là nhiều người không biết bản thân bị nhiễm bệnh, hàng ngày vẫn đi lại, gặp gỡ, tiếp xúc trong cộng đồng. Vẫn còn tình trạng một số người tuy xét nghiệm, biết mình bị nhiễm, tự cách ly, điều trị tại nhà, nhưng việc tuân thủ các quy định trong cách ly chưa đúng với hướng dẫn, quy định của ngành Y tế, vẫn còn tâm lý chủ quan, gây nhiều nguy cơ cho những người xung quanh và cộng đồng; thiếu sự giám sát của cán bộ y tế và lực lượng liên quan.
Ngành Y tế tỉnh đã tích cực, chủ động vào cuộc trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19… Tuy nhiên, hiện nay trước thực tế dịch đang bùng phát mạnh tại địa phương, đòi hỏi sự vào cuộc, trách nhiệm cao hơn nữa của chính quyền các địa phương và các ngành liên quan; đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, sát đúng hơn.
Cần làm gì trước nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 khi trẻ đi học trở lại?
Trước lo lắng về nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 với nhóm trẻ 5- 11 tuổi khi trở lại trường học trong bối cảnh chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, TS.BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo trong thời tiết lạnh, ẩm như hiện nay, trẻ em vốn rất dễ gặp các vấn đề về đường hô hấp, tiêu hóa, vì vậy trẻ đều có khả năng nhiễm các bệnh lý hô hấp, trong đó có COVID-19.
Vì vậy, khi trẻ trở lại trường học trong giai đoạn này, cha mẹ, thầy cô giáo cần phải hướng dẫn cho trẻ những biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh. Nhất là sau khoảng thời gian dài, trẻ hầu như sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh; rất cần phải được rèn luyện thường xuyên các kỹ năng tự bảo vệ trước các nguy cơ từ môi trường xung quanh.
Theo TS.BS. Nguyễn Thành Nam, hiện nay, Việt Nam đã ghi nhận những trường hợp mắc COVID ở lứa tuổi trẻ em, kể cả từ tuổi sơ sinh. Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên tỷ lệ mắc ở trẻ em tương tự như người lớn.
Theo đó, phần lớn các trường hợp có biểu hiện triệu chứng nhiễm virus như: Sốt, ho, sổ mũi, mệt mỏi...; một số trường hợp có kèm theo các triệu chứng như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hồi phục ổn định sau khi kiểm soát các bệnh lý kèm theo. Các diễn biến nặng đa phần xuất hiện trên những trẻ có bệnh nền, mạn tính như: suy giảm miễn dịch, bệnh hệ thống…
Về việc ứng phó với dịch bệnh khi trẻ trở lại trường học, theo TS.BS Nguyễn Thành Nam, cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp như: Trẻ cần được tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế; tăng cường sức đề kháng: dinh dưỡng, tập luyện, tránh thừa cân béo phì. Với các trẻ có bệnh mạn tính, trẻ cần được kiểm soát tốt các bệnh này. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ, tránh để trẻ nhiễm lạnh, đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập; vệ sinh bàn tay theo hướng dẫn; sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác; bỏ rác thải đúng nơi quy định…
Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như: Sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ... trẻ cần được kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm.
Đặc biệt, nếu trẻ nhiễm SARS-CoV-2, cha mẹ cần theo dõi sát trạng thái của trẻ. Cụ thể, trẻ có thể được điều trị tại nhà khi trẻ vẫn có những hoạt động, vui chơi tương đối như những ngày khỏe mạnh; đảm bảo được mức độ ăn uống tương đối như ngày khỏe mạnh.
Cha mẹ có thể căn cứ vào các chỉ số sau để quan sát nhịp thở của trẻ:
- Trẻ dưới 2 tháng nhịp thở bình thường dưới 60 lần/phút.
- Trẻ từ 2- 12 tháng có nhịp thở bình thường dưới 50 lần/phút.
- Trẻ trên 12 tháng có nhịp thở bình thường dưới 40 lần/phút.
- Trẻ trên 5 tuổi thở nhanh khi trên 30 lần/phút.
- Trẻ trên 12 tuổi theo các chỉ số tương tự người lớn.