Tổng hợp COVID-19 ngày 18/12: Cà Mau đứng đầu số ca mắc mới; Bộ Y tế đề nghị dừng tập trung đông người dịp lễ cuối năm

Ngày 18/12, Việt Nam ghi nhận 15.895 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 248 ca tử vong. Đáng chú ý, Cà Mau vượt qua TP Hồ Chí Minh đứng đầu ca nhiễm, tiếp đến Hà Nội. Trước tình hình ca nhiễm mới tăng nhanh, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng tập trung đông người vào dịp lễ cuối năm để phòng dịch, nhất là biến thể Omicron.

Hà Nội ghi nhận 1.412 ca F0

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 17/12 đến 18 giờ ngày 18/12, Hà Nội ghi nhận 1.412 ca F0, trong đó có 411 ca cộng đồng; 958 ca trong khu cách ly và 43 ca trong khu phong tỏa.

Chú thích ảnh
Trạm y tế lưu động phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Trung Nguyên.

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 25.653 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 9.765 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 15.888 ca. Đặc biệt, liên tiếp trong 3 ngày (từ 15 đến 17/12), thành phố vượt 1.000 ca mắc/ngày, từ 1.300 đến 1.400 ca.

Trước số ca mắc mới tăng nhanh, Hà Nội đã đánh giá lại cấp độ dịch. Theo đó, cập nhật đến 10 giờ ngày 17/12, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Tuy nhiên, số lượng các quận và xã, phường nâng lên cấp độ 3 đã tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó.

Về cấp độ quận, huyện, chỉ có 4 huyện ở cấp độ 1 (màu xanh, nguy cơ thấp), gồm: Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ và Ứng Hòa; 24 quận, huyện ở cấp độ 2 (tăng 3 quận, huyện); 2 quận ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao): Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Trước tình hình đó, chiều 18/12, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBDN TP Hà Nội đã ban hành hoả tốc Chỉ thị số 25 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Lễ cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Chú thích ảnh
Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng dịch tại KTX Đại học Thuỷ Lợi - nơi được trưng dụng để cách ly F1, điều trị F0.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện quán triệt Tổ COVID cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, lập danh sách người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, người chống chỉ định chưa được tiêm vaccine và các trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19… để quản lý, tiêm vaccine (có thể tổ chức tiêm lưu động, tại nhà), hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời.

Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người dịp Tết Nguyên đán

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian nghỉ Tết âm lịch.

Chú thích ảnh
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Ảnh tư liệu: Cẩm Nhung/Báo Tin tức

Bộ Y tế nêu rõ, hiện nay nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc COVID-19 hàng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Ngoài ra, biến thể Omicron đang lan nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch.

Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tụ tập, Khai báo y tế và Khoảng cách) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, theo Bộ Y tế.

Các địa phương căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh thực hiện đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho các địa phương

Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho các địa phương đang triển khai Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ.

Chú thích ảnh
Phát thuốc điều trị COVID-19 cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: TTXVN.

Theo Bộ Y tế, các kết quả báo cáo giữa kỳ của Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy: Thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.

Cũng theo Bộ Y tế, việc triển khai Chương trình cần tuân thủ đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt. Việc theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá bệnh nhân trong Chương trình được tiến hành bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế theo các tiêu chí an toàn và hiệu quả của đề cương nghiên cứu. Bên cạnh đó, do thuốc chưa được cấp phép lưu hành rộng rãi nên việc quản lý thuốc nghiên cứu cần phải hết sức chặt chẽ để tránh thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích nghiên cứu.

Việt Nam thêm 15.895 ca nhiễm mới SARS-CoV-2

Tính từ 16 giờ ngày 17/12 đến 16 giờ ngày 18/12, Việt Nam ghi nhận 15.895 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 248 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Xét nghiệm để sàng lọc ca nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN

Trong số các ca nhiễm mới, có 12 ca nhập cảnh và 15.883 ca ghi nhận trong nước (tăng 668 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.493 ca trong cộng đồng). Đáng chú ý, Cà Mau và Hà Nội có ca nhiễm mới vượt TP Hồ Chí Minh. Trong đó, Cà Mau có 1.341ca, Hà Nội có 1.244 ca và TP. Hồ Chí Minh là 1.019 ca…

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó gồm: Bến Tre (giảm 420 ca), Bình Định (giảm 106 ca), Bình Phước (giảm102 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Hà Nội (tăng 709 ca), Cà Mau (tăng 270 ca), Thừa Thiên Huế (tăng 222 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.294 ca/ngày.

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.518.886 ca, trong đó có 1.094.346 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (493.669 ca), Bình Dương (288.930 ca), Đồng Nai (94.511 ca), Tây Ninh (63.073 ca), Long An (39.594 ca).

Trong ngày 18/12, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.645 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 29.351 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Trong ngày 17/12, cả nước có 955.033 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 137.574.609 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.631.255 liều, tiêm mũi 2 là 60.799.084 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 1.144.270 liều.

Hải Yên/Báo Tin tức` (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 17/12: Bổ sung quy định quản lý F0 tại nhà; ghi nhận 246 ca tử vong
Tổng hợp COVID-19 ngày 17/12: Bổ sung quy định quản lý F0 tại nhà; ghi nhận 246 ca tử vong

Ngày 17/12, dư luận quan tâm đến một số thông tin nổi bật như: Phát hiện sớm, điều trị sớm để hạn chế thấp nhất tử vong do COVID-19; Việt Nam ghi nhận 15.236 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, thêm 246 ca tử vong; Cần Thơ điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong quản lý, điều trị F0 tại nhà; Thêm nhiều ca mắc COVID-19 tại cộng đồng tại Sơn La…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN