Nếu thiếu vaccine thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm
Chiều 16/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau khi số ca mắc trong cộng đồng vẫn tăng trong những ngày qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là với chủng Omicron có tốc độ gây lây lan nhanh, độc lực chưa được xác định, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam cao. Trong khi trong nước số ca mắc COVID-19, nhất là ca mắc trong cộng đồng, vẫn tăng; năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở vẫn chưa có nhiều chuyển biến... Do đó, mặc dù Ban Chỉ đạo mới họp với 63 địa phương cách đây không lâu, song Thủ tướng vẫn tổ chức cuộc họp này nhằm tìm nguyên nhân, biện pháp cụ thể, thực chất, quyết liệt xử lý, ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng; đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine cho cả đối tượng từ 18 tuổi trở lên và 12 đến 17 tuổi; bàn về thuốc điều trị COVID-19; bàn về việc tăng cường sức mạnh của y tế cơ sở, y tế dự phòng... nhằm tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương thẳng thắn nêu những khó khăn, vướng mắc, mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các vấn đề liên quan phòng, chống dịch để bàn giải pháp xử lý, kể cả về vaccine, thuốc điều trị, vật tư, nhân lực y tế hoặc giải quyết những vướng mắc, lúng túng trong chỉ đạo, triển khai...
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm kê tổng chi cho công tác phòng, chống dịch, tổng hợp sự hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch, trên cơ sở đó có tính toán để dự trù nguồn lực cho năm 2022... Bộ Y tế nhận định, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng do các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh; có tâm lý chủ quan trong người dân, không thực hiện quy định 5K về phòng, chống dịch...
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết 128/NQ-CP cần tiếp tục được thực hiện; việc phòng, chống dịch phải theo 3 trụ cột chính (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.
Tuy nhiên, việc áp dụng cần linh hoạt, sáng tạo theo diễn biến tình hình dịch bệnh. Người đứng đầu Chính phủ cho biết, mục tiêu cần nhất hiện nay là phải hạn chế tối đa số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, ca chuyển nặng và tử vong. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các biện pháp phòng, chống dịch cần được thực hiện như hướng dẫn; chống dịch bệnh xâm nhập, lây lan, nhất là tại địa bàn tập trung đông khu công nghiệp, các đô thị lớn; rà soát, xem xét lại cách chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định.
Để giảm các ca mắc COVID-19 chuyển nặng thì phải tăng cường năng lực của y tế cơ sở để người bệnh được tiếp cận từ sớm, từ xa; kết hợp với công tác xét nghiệm tầm soát; không để xảy ra tình trạng người dân phải gọi điện nhiều lần mới tiếp cận được y tế; đảm bảo đủ dinh dưỡng, thuốc điều trị, động viên tinh thần, kết hợp đông - tây y để chữa trị cho người bệnh.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong phòng chống dịch nói chung, vấn đề vaccine là cốt lõi. Do đó, phải thần tốc tiêm vaccine cho người dân, phấn đấu đến 31/12/2021 hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên; đến hết tháng 1/2022 tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm cung ứng đủ vaccine và vật tư, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tổ chức tiêm; các địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ chức các tổ lưu động tiêm vaccine cho người dân; tuyên truyền, hướng dẫn và có quy định, chế tài đối với những người cố tình không tiêm vaccine.
Nếu thiếu vaccine thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm; nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine cho người dân thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Riêng việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên thì tiếp tục phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền xem xét.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh cải thủ tục hành chính để thúc đẩy sản xuất, cung ứng thuốc điều trị COVID-19, tổng hợp dự báo nhu cầu và khả năng đáp ứng thuốc điều trị COVID-19 để tránh bị động; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước; tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở; nghiên cứu, có đề xuất cơ chế, chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều động, bổ sung nhân lực cho các địa bàn đang có dịch; tiếp tục huy động cán bộ y tế đã về hưu, y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch. Các địa phương có nhiều ca nhiễm và ca chuyển nặng phải thành lập các trạm xá lưu động để thu dung, điều trị kịp thời. Những địa phương có dịch diễn biến phức tạp, quá năng lực đáp ứng thì phải khẩn trương báo cáo Trung ương để được chi viện, hỗ trợ kịp thời.
Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tổ chức thí điểm mở cửa trở lại các đường bay quốc tế để đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của kiều bào tại các nước, chuyên gia, doanh nhân, lao động, khách du lịch... đảm bảo an toàn, hiệu quả. Các địa phương phải làm việc với các doanh nghiệp để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, tạo điều kiện duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đảm bảo an sinh, xã hội; tuyên truyền để nhân dân hiểu và tích cực tham gia phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho mình, cho gia đình mình, cộng đồng, vì lợi ích quốc gia dân tộc.
“Có chống dịch hiệu quả thì mới có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội; và có phát triển kinh tế, xã hội mới có nguồn lực để phòng, chống dịch. Đây là hai vấn đề có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau. Trong quá trình thực hiện, các địa phương cần hỗ trợ gì, khó khăn, vướng mắc gì thì mạnh dạn báo cáo lên Chính phủ để xem xét, giải quyết kịp thời”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngày 16/12, số F0 giảm 255 người so với ca mắc của ngày trước đó
Tính từ 16 giờ ngày 15/12 đến 16 giờ ngày 16/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.270 ca mắc mới, trong đó 3 trường hợp nhập cảnh và 15.267 bệnh nhân được ghi nhận trong nước (giảm 255 ca so với số ca mắc của ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 9.888 ca trong cộng đồng).
Ngày 16/12/2021, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đăng ký bổ sung 18.792 ca mắc vào Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (giảm 601 ca), Bến Tre (giảm 275 ca), Sóc Trăng (giảm 245 ca). Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (tăng 564 ca), Cà Mau (tăng 267 ca), Hải Phòng (tăng 214 ca).
Trung bình có 15.269 ca mắc mới trong nước trong 7 ngày qua. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.493.237 ca mắc, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong khi về tỷ lệ ca mắc trên 1 triệu dân thì nước ta đứng thứ 148 (bình quân cứ 1 triệu người có 15.143 ca mắc).
Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay) có 1.487.788 ca mắc, trong đó có 1.061.644 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 2 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Bắc Kạn, Lai Châu.
Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này là Thành phố Hồ Chí Minh (491.610 ca), Bình Dương (288.554 ca), Đồng Nai (93.854 ca), Tây Ninh (61.192 ca) và Long An (39.466 ca).
Theo số liệu của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày lên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (cdc. kcb. vn), trong ngày 16/12 có 1.033 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên con số 1.064.461.
Có 7.852 bệnh nhân nặng đang được điều trị, trong đó, 5.402 ca thở oxy qua mặt nạ; 1.271 ca thở oxy dòng cao HFNC; 193 ca thở máy không xâm lấn; 967 ca thở máy xâm lấn và có 19 ca chạy ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).
Tổng số người tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.857 ca, chiếm 2% tổng số ca mắc.
Về tổng số ca tử vong, Việt Nam xếp thứ 32/234 quốc gia, vùng lãnh thổ, còn về số ca tử vong tính trên 1 triệu dân thì nước ta xếp thứ 132. So với châu Á, về tổng số ca tử vong, nước ta xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), về số ca tử vong tính trên 1 triệu dân thì nước ta xếp thứ 27 (xếp thứ 6 ASEAN).
Trong 24 giờ qua, nước ta đã thực hiện 119.549 mẫu xét nghiệm cho 142.729 lượt người. Từ ngày 27/4 đến nay, nước ta đã thực hiện 28.355.550 mẫu cho 71.914.717 lượt người.
Trong ngày 15/12 có 501.084 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vaccine đã được tiêm là 135.736.968 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.215.180 liều, tiêm mũi 2 là 59.423.563 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc lại và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.098.225 liều.
Độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam tăng mạnh
Tính đến ngày 15/12, thế giới ghi nhận gần 272 triệu ca mắc COVID-19, hơn 5,3 triệu trường hợp tử vong. Biến chủng Omicron đã xuất hiện ở 4 châu lục và có ít nhất 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác nhận các trường hợp mắc COVID-19 do biến chủng Omicron. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Omicron là chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch, khả năng lây lan nhanh hơn 3,2 lần so với chủng Delta. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng Omicron làm giảm hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 cũng như chưa có bằng chứng tăng tỷ lệ nặng và tử vong trong số bệnh nhân COVID-19.
Tại Việt Nam tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc trong cộng đồng và số ca tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. Đến ngày 14/12, Việt Nam đã tiếp nhận gần 169 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó mua từ ngân sách nhà nước là hơn 80 triệu liều, từ các nguồn viện trợ, tài trợ là hơn 88 triệu liều.
Đến hết ngày 14/12, cả nước đã tiêm được 135.202.794 liều, tỷ lệ sử dụng đạt 88% số vaccine phân bổ trong 103 đợt. Tỷ lệ tiêm chủng ở đối tượng từ 18 tuổi trở lên là 127.570.019 liều (1 liều vaccine là 96,8% và đủ 2 liều là 80,3% và 1.059.436 liều mũi 3); từ 12-17 tuổi là 7.632.755 liều (1 liều đạt 65,8% và đủ 2 liều là 17,8%). Có 77% dân số được tiêm 1 mũi vaccine; 60% được tiêm 2 mũi.
Từ đầu tháng 9/2021 đến tháng 12/2021, tốc độ tiêm chủng tại các địa phương tăng đáng kể (trung bình 1 ngày tiêm được từ 1-1,5 triệu liều và tốc độ tiêm của Việt Nam trong tháng 11/2021 đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Đến ngày 14/12, độ bao phủ vaccine ở nước ta đã tăng đáng kể (tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều cho dân số từ 18 tuổi trở lên là 96,8%; tăng 3,9 lần so với đến hết tháng 8/2021. Tỷ lệ tiêm đủ 2 liều cho dân số từ 18 tuổi trở lên là 80,3%; tăng 21,1 lần so với đến hết tháng 8/2021.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine của Việt Nam tính theo dân số xếp thứ 4 trong khu vực (sau Singapore và Campuchia, Brunei). Mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới là 40% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID0-19 đến cuối năm 2021; 70% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều đến giữa năm 2022. Đến nay, Việt Nam đã đạt trên 60% dân số được tiêm đủ liều vaccine, vượt 20% so với mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới trong năm 2021.
Truy vết dịch tễ các ca mắc COVID-19 trong trường học ở Đắk Lắk
Bác sĩ Trần Thuận, Giám đốc Trung Tâm Y tế huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk), cho biết, trên địa bàn huyện vừa ghi nhận 5 trường hợp học sinh tại 3 cơ sở dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 3 học sinh đã có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Krông Búk đã nhanh chóng triển khai truy vết, lấy mẫu toàn bộ 300 em học sinh và giáo viên tại 3 trường học trên. Kết quả test nhanh kháng nguyên cho thấy, toàn bộ 300 học sinh và giáo viên đều âm tính với SARS-CoV-2. Hiện nay, 3 trường học ghi nhận trường hợp học sinh mắc COVID-19 đã ngừng việc dạy học trực tiếp. Riêng các học sinh là F1 đã được nhà trường phối hợp với y tế địa phương tổ chức cách ly tại nhà có sự giám hộ của phụ huynh”, bác sĩ Trần Thuận cho biết.
Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, từ 16 giờ ngày 15/12 đến 16 giờ ngày 16/12 trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 102 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (38 ca được ghi nhận trong cộng đồng), nâng tổng số trường hợp mắc bệnh ở tỉnh lên 9.642 ca, trong đó, 2.533 bệnh nhân đang được điều trị; có 55 ca tử vong.