Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu tại Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện năm 2018. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Buổi lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc đến từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 6 bộ, ngành. Đại biểu lớn tuổi nhất được tôn vinh là ông Võ Ngọc Việt, 61 tuổi (Long An), đại biểu trẻ nhất là anh Nguyễn Văn Trung (Hà Nội) và anh Đàm Quang Tuấn (Thái Nguyên), 23 tuổi.
Có 70 đại biểu đã hiến máu từ 8-30 lần; 8 đại biểu đã hiến máu từ 31 - 40 lần; 3 đại biểu đã hiến máu từ 41 - 50 lần và 10 đại biểu đã hiến máu từ 51 - 63 lần. Tiêu biểu có 2 đại biểu hiến máu 64 lần. Hầu hết các đại biểu vừa hiến máu tình nguyện, vừa vận động người khác cùng tham gia hiến máu từ 100 lượt người đến 2.000 lượt người khác cùng hiến máu. Trong 100 đại biểu có một đại biểu thuộc nhóm máu hiếm O (Rh-); nhiều tấm gương tiêu biểu đại diện cho gia đình hiến máu; có gần 1/4 đại biểu là cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ...
Phát biểu tại lễ tôn vinh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hoan nghênh và đánh giá cao Ban chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện và Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong nhiều năm qua đã tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu từ cấp cơ sở tới Trung ương. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện sự trân trọng, tri ân của toàn xã hội và cộng đồng đối với những người hiến máu để cứu người khác. Họ là những bông hoa đẹp nhất, tươi thắm nhất trong vườn hoa nhân ái.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Ban Chỉ đạo quốc gia cần tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ để đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo. Bởi thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng là một cuộc vận động lớn, cần được tập trung nguồn lực và đầu tư dài hạn. Trong đó, cần quan tâm tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây không những là trách nhiệm của ngành Y tế, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên, Ban Chỉ đạo các cấp mà còn là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân và của toàn xã hội.
Ông Uông Chu Lưu mong rằng các tấm gương tiêu biểu, suất sắc trong cả nước về dự lễ tôn vinh ngày hôm nay sẽ là những hạt nhân nòng cốt; vừa tiếp tục hiến máu cứu người, vừa tiếp tục tuyên truyền vận động người thân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và người thân tích cực tham gia hiến máu tình nguyện để ngày càng có thêm hàng nghìn, hàng vạn tấm gương sáng về hiến máu tình nguyện, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện Nguyễn Thị Xuân Thu đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương sâu sắc tất cả những người hiến máu trên cả nước, nghĩa cử cao đẹp của họ rất đáng để xã hội tôn vinh là "những người anh hùng của người bệnh". Bà Nguyễn Thị Xuân Thu kêu gọi những người đã hiến máu tiếp tục hiến máu nhắc lại, hiến máu thường xuyên, đồng thời tuyên truyền, vận động những người khác cùng tham gia hiến máu. Những người khỏe mạnh chưa hiến máu đừng ngần ngại, việc hiến máu không có hại cho sức khoẻ, hãy hành động vì còn rất nhiều người đang chờ máu để được cứu sống.
Kể từ năm 2004, ngày 14/6 hằng năm đã được Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Truyền máu Quốc tế và Liên đoàn Quốc tế các tổ chức người hiến máu chọn là Ngày Quốc tế người hiến máu. Ngày này cũng là dịp để cộng đồng tưởng nhớ nhà bác học Karl Landsteiner - người đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO (người Mỹ gốc Áo, sinh ngày 14/6/1858).
Thông điệp của Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6 năm 2028 là “Hiến giọt máu đào – Trao đời sự sống” (Be there for someone else. Give blood. Share life). Thông điệp này nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết, giá trị nhân ái và sự thấu hiểu của cộng đồng với những người bệnh cần máu, từ đó thể hiện sự quan tâm, sẻ chia sâu sắc thông qua nghĩa cử cao đẹp – hiến máu cứu người, góp phần mang lại sự sống cho người bệnh.