Theo Người phát ngôn của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây, trong đó riêng quý III ước tăng 7,31%, cao hơn cùng kỳ năm 2018. Động lực tăng trưởng chủ yếu là khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng cao, ước đạt 9,36%, đóng góp 52,6% vào tăng trưởng chung, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng chung của ngành và toàn nền kinh tế (ước tăng 11,37%).
Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng trưởng ổn định, ước đạt 6,85%, cao hơn cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ là 6,75%), đóng góp 42,6% vào mức tăng trưởng chung; trong đó, đóng góp lớn nhất là ngành bán buôn, bán lẻ với tốc độ tăng trưởng ước đạt 8,31%, cao nhất trong khu vực dịch vụ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, bên cạnh tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các chỉ số vĩ mô đều ở mức tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,32% so với tháng trước; tính chung 9 tháng, CPI bình quân tăng 2,5%, hướng tới mục tiêu vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 34,3% GDP và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, cơ bản đạt mục tiêu Quốc hội giao. Trong đó, khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (45,3%) và có tốc độ tăng cao nhất (16,9%).
Giải ngân vốn FDI 9 ước đạt 14,22 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư, chiếm tỷ trọng hơn 69% tổng số vốn đăng ký. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá. Xuất siêu ước đạt 5,9 tỷ USD.
Trong 9 tháng, có hơn 102.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 6% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Thị trường trong nước tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước đạt trên 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng gần 11% so với cùng kỳ 2018. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế.
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 của WEF, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 4 hạng, từ 67/136 năm 2017 lên 63/140 quốc gia và nền kinh tế. Về các lĩnh vực xã hội, công tác an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân được quan tâm thực hiện. Chúng ta đã cấp được hơn 20 triệu thẻ bảo hiểm y tế, thẻ khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách; giải quyết việc làm cho trên 1,2 triệu lao động.
Người phát ngôn của Chính phủ cho rằng, quý IV là quý quan trọng nhất, quyết định đến kết quả của cả năm. Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế, thương mại thế giới, để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung cao độ, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó, nhấn mạnh các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, nhất là đầu tư công, phát huy nội lực, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến bất lợi từ kinh tế thế giới.