Thêm 214 ca mắc mới COVID-19
Ngày 31/5, Việt Nam có thêm tổng cộng 214 ca mắc mới, trong đó 211 ca lây nhiễm cộng đồng. Cụ thể: Lúc 6 giờ sáng 31/5, có thêm 61 ca trong cộng đồng; lúc 12 giờ có 68 ca cộng đồng; 18 giờ có 85 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Như vậy, đến 18 giờ ngày 31/5, Việt Nam có tổng cộng 5.815 ca ghi nhận trong nước và 1.506 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 4.245 ca.
Số lượng mẫu xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện là 1.318.564 mẫu cho 2.427.467 lượt người. Ngày 31/5, có thêm 80 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Hiện có 9 bệnh nhân cai thở máy thành công tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương
Giảm mật độ F1, tăng cường xét nghiệm COVID-19 trong khu cách ly tập trung
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, sáng 31/5, điểm cách ly F1 tại trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô đã đón 696 công dân vào cách ly tập trung, nâng tổng số ca F1 tập trung tại trường lên 927 ca. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0. Toàn bộ các ca bệnh này đã được chuyển viện điều trị.
Đồng thời, đêm 30/5, các ca bệnh F1 cho kết quả âm tính tại Trường Quân sự Sơn Tây đã được CDC Hà Nội đưa đến cách ly tại Trường Đại học FPT nhằm san tải, giảm mật độ F1 tại điểm cách ly này.
Đại diện CDC Hà Nội cho biết, các ca bệnh mới tại Trường Quân sự Sơn Tây đều thuộc hai chùm ca bệnh phát triển nhanh trên địa bàn thành phố, đã được khoanh vùng, cách ly tập trung, tránh lây lan cộng động. Mật độ F1 tại đây rất cao và tiếp xúc nhiều với các F0 trước đó trong nhiều ngày, nên mầm bệnh có thể đã xâm nhập, nguy cơ phát bệnh cao.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để đảm bảo an toàn cho các F1 trong khu vực cách ly, tránh lây nhiễm chèo, Trường Quân sự Sơn Tây sẽ chỉ bố trí từ 4 đến 6 người /phòng. Trong hôm nay (31/5), Sở sẽ rà soát toàn bộ khu cách ly trên địa bàn TP để thực hiện nghiêm giãn cách, cũng như lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trong đó để sàng lọc nguy cơ.
Với việc ghi nhận thêm các ca ở khu cách ly tập trung, Hà Nội đã có 209 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ ngày 29/4 đến nay. Trong đó, chỉ tính riêng tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự Sơn Tây, từ ngày 23/5 đến nay ghi nhận 50 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 (riêng ngày 30/5 là 35 trường hợp).
Trước thực trạng này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã có báo cáo gửi Sở Y tế Hà Nội đồng thời đề xuất thực hiện giảm mật độ trong khu cách ly, giảm mật độ người/phòng để hạn chế lây lan. Tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch tại khu cách ly.
Từ ngày 26/2, Trường Quân sự Sơn Tây tiếp nhận cách ly tập trung các trường hợp cách ly y tế bắt buộc trong phòng chống dịch COVID-19. Khu cách ly có 2 tòa nhà TT1 và TT2 gồm 67 phòng. Số cán bộ phục vụ là 40 người (28 quân nhân và 12 nhân viên y tế).
Bắc Giang cần thêm 1.000 nhân lực chống dịch COVID-19
Thông tin từ ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang: Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Y tế cấp trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia hoặc cho phép tỉnh mượn thiết bị từ các địa phương khác, đồng thời hỗ trợ nhân lực cho các tuyến điều trị.
Cụ thể, trong công tác xét nghiệm, ngoài tập trung vào các thôn là các ổ dịch lớn, thời gian tới, Bắc Giang sẽ mở rộng tầm soát ra toàn tỉnh, khối lượng cần lấy mẫu sẽ lớn hơn. Do vậy hiện đang thiếu khoảng 400 người để phục vụ lấy mẫu.
Về triển khai tiêm vaccine, tỉnh Bắc Giang được Chính phủ ưu tiên phân bổ 150.000 liều. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch để có thể sử dụng hết số vaccine này trong một tuần và quyết tâm chạy đua với thời gian để tiêm cho công nhân sớm được quay trở lại làm việc. Để thực hiện được kế hoạch này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ 200 điều dưỡng, kỹ thuật viên phục vụ tiêm phòng.
Trước đề nghị này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Để tăng cường các khu chăm sóc đặc biệt cho Bắc Giang, hiện đã triển khai được 1 đơn vị hồi sức tích cực (ICU) tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang gồm 58 giường. Cùng với đó là đơn vị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang có công suất 100 giường đang được triển khai, chắc chắn nhân lực của Bắc Giang không thể đảm đương được. Bộ phận thường trực đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ sẽ điều động nhân lực, trang thiết bị, vật tư tại các bệnh viện có khả năng trưng dụng được để cho tỉnh Bắc Giang mượn.
Đối với các cơ sở điều trị khác như Bệnh viện Dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu tỉnh Bắc Giang, các cơ sở cách ly dành cho người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt – Hàn, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang… Bộ Y tế sẽ dựa trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị để bố trí số trang thiết bị cấp cứu phù hợp.
Về nhu cầu xét nghiệm của tỉnh, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đồng ý bổ sung lực lượng 400 người giúp Bắc Giang mở rộng tầm soát. Tuy nhiên tỉnh cần có kế hoạch để sử dụng lực lượng một cách hợp lý và hiệu quả. Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ Bắc Giang triển khai test nhanh.
Từ phía Bộ Y tế khẳng định có thể huy động tới 500 người, thậm chí là số lượng lớn hơn, để hỗ trợ Bắc Giang thực hiện tiêm trong thời gian ngắn nhất. Hiện 500 sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã được tập huấn xong.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra công tác phòng dịch tại các KCX, KCN TP Hồ Chí Minh
Ngày 31/5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã cùng các bộ, ngành, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại KCX Tân Thuận (Quận 7). Đây là KCX có lượng công nhân nhiều nhất trong các KCX, KCN trên địa bàn thành phố, với hơn 61.000 lao động.
Tại công ty TNHH Kim May Organ (chuyên sản xuất kim may các loại), Phó Thủ tướng dặn dò công nhân đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch và yêu cầu công ty nâng cao hơn nữa công tác phòng dịch cho công nhân; khi làm việc cần chia ca để đảm bảo không tập trung quá đông người trong một khu vực.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra khu vực nhà ăn của Công ty TNHH Mtex và yêu cầu công ty lắp vách ngăn cao hơn để phòng dịch cho công nhân, yêu cầu công ty phải làm vách ngăn nhà ăn cao hơn và hằng ngày phải thông báo tình hình dịch COVID-19, cập nhật các điểm dịch đến từng công nhân.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ân cần dặn dò công nhân dù đảm bảo tiến độ sản xuất nhưng phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã dặn dò công nhân lao động tại các phân xưởng giữ gìn sức khỏe, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch; đồng thời ban giám đốc các công ty phải chủ động thông tin tình hình dịch bệnh của TP Hồ Chí Minh cũng như niêm yết công khai các quy định về phòng chống dịch COVID-19 để người lao động tuân thủ thực hiện.
Tạm dừng nhập cảnh hành khách tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất
Chiều 31/5, thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đơn vị này tiếp tục có văn bản hỏa tốc gửi các hãng hàng không, Cảng vụ hàng không miền Nam, Cảng vụ hàng không miền Bắc, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm dừng nhập cảnh hành khách tại hai Cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Theo đó, nhằm tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam thông báo tạm dừng tiếp thu các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài từ 0h00 ngày 1/6/2021 đến hết ngày 7/6/2021 (giờ Việt Nam).
Đồng thời kéo dài thời hạn dừng tiếp thu các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến hết ngày 14/6/2021 (giờ Việt Nam) thay vì đến hết ngày 4/6/2021 như đã thông báo.
Trước đó, tối 27/5, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản hỏa tốc gửi các hãng hàng không, Cảng vụ Hàng không Miền Nam, UBND Tp. Hồ Chí Minh, và các cơ quan chức năng về việc tạm dừng nhập cảnh hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Thời gian dừng nhập cảnh từ ngày 27/5 đến hết ngày 4/6 (theo giờ Việt Nam).