Tin nổi bật ngày 24/2

Lô vaccine phòng COVID-19 nhập khẩu đầu tiên đã về đến Việt Nam, trị giá 12 tỷ đồng; người dân đổ xô đi làm giấy tờ đất đai để "né" quy định mới từ 1/3; Hải Dương ghi nhận thêm 9 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng; trên 1,7 triệu học sinh TP Hồ Chí Minh sẽ quay lại trường học vào ngày 1/3… là những tin nổi bật trong ngày 24/2.

Lô vaccine phòng COVID-19 nhập khẩu đầu tiên đã về đến Việt Nam, trị giá 12 tỷ đồng

Chú thích ảnh
Lô vaccine được phun xịt khử khuẩn khi vừa về đến sân bay. Ảnh: BYT

Ngày 24/2, tại cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Vào 10 giờ 40 phút sáng 24/2, đã có 117.000 liều vaccine Astra Zeneca về đến Việt Nam. Bộ Y tế sẽ có kịch bản chi tiết để tiêm số vaccine này theo đúng dự kiến.

Bộ Y tế cũng cho biết, dự kiến, đầu tháng 3/2021 sẽ tiến hành tiêm lô vaccine này. Đến cuối tháng 3, Việt Nam sẽ có khoảng 1,2 triệu liều được nhập về. Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ cho phép tiếp nhận kinh phí hỗ trợ từ các cơ quan, đối tác để triển khai việc mua vaccine và tiếp nhận vaccine từ một số tập đoàn đa quốc gia có ý định mua vaccine về Việt Nam.

Theo đó, lô vaccine vừa nhập về do Công ty Astra Zeneca sản xuất, Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) được lựa chọn phân phối vaccine này tại Việt Nam.

Lô vaccine này được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC tại TP Hồ Chí Minh, với hệ thống bảo quản nghiêm ngặt theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, khi vaccine phòng COVID-19 được nhập về, các đối tượng ưu tiên sẽ được tiêm trước, Bộ Y tế cũng đã lên danh sách 11 nhóm đối tượng được ưu tiên sẽ được tiếp cận với vaccine COVID-19 trong năm nay.

Trước đó, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã đồng ý việc nhập khẩu 204.000 liều vaccine COVID-19 của Astra Zeneca. Dự kiến trong nửa đầu năm 2021, VNVC sẽ nhập về Việt Nam 30 triệu liều vaccine này.

Bất chấp dịch COVID-19, người dân đổ xô đi làm giấy tờ đất đai, ‘né’ quy định mới từ 1/3

Số lượng người dân đến các văn phòng đăng ký đất đai của Hà Nội trong vài ngày qua tăng đột biến vì lo sợ với quy định mới từ ngày 1/3/2021, nếu tiền sử dụng đất chưa thanh toán sẽ phải thanh toán theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ, tức là số tiền phải nộp sẽ cao hơn trước.

Chú thích ảnh
Dù đã hết giờ làm việc buổi sáng nhưng vẫn rất đông người đứng chờ. Ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại một số Văn phòng đăng ký đất đai tại Hà Nội sáng 24/2, lượng người đến làm thủ tục rất đông.

Thời điểm 10 giờ 30 phút, chỉ còn 30 phút nữa là hết giờ làm việc buổi sáng, nhưng tại Văn phòng đăng ký đất đai quận Hai Bà Trưng (số 38 Lê Đại Hành) vẫn còn khoảng 30 người tiếp tục ngồi viết hồ sơ. Trên số thứ tự nộp hồ sơ là số 41 và nhận hồ sơ là 21.

Theo nhân viên trông xe tại đây, từ sáng sớm, người dân đã đến rất đông, xếp hàng chờ đến lượt làm thủ tục.

Chiều 24/2, Hải Dương ghi nhận thêm 9 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng

Tính đến 18 giờ ngày 24/2, Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng tại các ổ dịch Kim Thành, Cẩm Giàng và Thanh Hà (Hải Dương).

Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, 9 ca mắc mới ghi nhận trong nước tại Hải Dương bao gồm:

Các ca bệnh 2404 - 2412 (BN2404 - BN2412), trong đó 6 ca tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành là người trong vùng phong tỏa, 2 ca tại huyện Cẩm Giàng là F1 của ổ dịch cũ được cách ly tập trung trước đó, 1 ca tại huyện Thanh Hà được phát hiện thông qua sàng lọc, đã được cách ly.

Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương).

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 24/2, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 2.403 ca mắc COVID-19; trong đó có 1.504 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước.

Số lượng ca mắc mới do lây nhiễm trong nước tính từ ngày 27/1 đến nay là 820 ca tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (636), Quảng Ninh (61), Hồ Chí Minh (36), Hà Nội (34), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hưng Yên (3), Hòa Bình (2), Bắc Giang (2), Hà Giang (1).

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 88.583 người (giảm gần 20.000 người so với ngày 23/2), trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 596 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.112 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 75.879 người.

Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng

Từ ngày 24/2, tỉnh Hải Dương sẽ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng bằng kỹ thuật Realtime-PCR, để đánh giá nguy cơ và có giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Hải Dương sẽ phân nhóm xét nghiệm theo nguy cơ, gồm: nhóm có nguy cơ cao (người dân tại thành phố Chí Linh, thành phố Hải Dương, huyện Kim Thành và Cẩm Giàng); nhóm có nguy cơ (Kinh Môn, Nam Sách và Bình Giang); nhóm có nguy cơ thấp (Ninh Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc và Thanh Miện).

Các mẫu xét nghiệm COVID-19 tại quán nhậu TP Hồ Chí Minh đều âm tính

Chú thích ảnh
Thực khách và nhân viên, quản lý quán nhậu đều được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Hàng chục mẫu xét nghiệm được lấy ngẫu nhiên tại quán nhậu trong đêm 22/2 bao gồm khách, quản lý, chủ quán và nhân viên quán đếu có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Ngày 24/2, đại diện UBND phường 11 (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho biết đã nhận được kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đối với các thực khách và nhân viên, quản lý tại quán nhậu trên địa bàn.

Theo đó, tất cả 32 mẫu xét nghiệm được lấy ngẫu nhiên tại quán nhậu trong đêm 22/2, bao gồm thực khách, nhân viên, quản lý quán; đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Từ ngày 1/3, trên 1,7 triệu học sinh TP Hồ Chí Minh sẽ quay lại trường học

Ngày 24/2, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản khẩn thông báo về việc cho phép học sinh, sinh viên, học viên quay lại trường học tập từ ngày 1/3.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh ngày 23/2 về công tác chuẩn bị cho học sinh quay lại trường, UBND Thành phố đã chỉ đạo cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố quay lại trường để học tập từ ngày 1/3.

Bên cạnh đó, giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với Sở Y tế ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai nghiêm túc và đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID - 19 để sẵn sàng đón học sinh quay lại trường.

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện hỗ trợ ngành giáo dục đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức rà soát, kiểm tra tình hình chuẩn bị của các cơ sở giáo dục cũng như tình hình học sinh quay lại trường.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh đề nghị các cơ sở giáo dục có trách nhiệm thông báo rộng rãi cho tất cả học sinh, sinh viên, học viên trở về từ vùng có dịch hoặc từng di chuyển đến vùng có dịch phải thực hiện khai báo với cơ sở y tế địa phương để được theo dõi, kiểm tra sức khỏe theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố. Các cá nhân cố tình khai báo không trung thực hoặc không tuân thủ việc cách ly y tế sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

M.T/Báo Tin tức
Tin nổi bật ngày 23/2
Tin nổi bật ngày 23/2

Những thông tin thời sự nổi bật ngày 23/2 được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm: Đảm bảo cung cấp vaccine COVID-19 an toàn nhất cho người dân; Hải Dương khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh COVID-19; Quảng Ninh và Hải Dương có thêm 6 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng; xét tuyển vào lớp 10: Nguyện vọng 3 phải cao hơn nguyện vọng 1 ít nhất hai điểm; tháng 1, xuất khẩu sang Australia tăng 62,8%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN