Quảng Bình huy động mọi lực lượng giúp dân dọn dẹp vệ sinh sau lũ lụt
Sáng 24/10, nước lũ đã rút ở nhiều khu vực của tỉnh Quảng Bình. Theo đó, Quảng Bình đang gấp rút khắc phục hậu quả sau lũ và chuẩn bị các phương án ứng phó với bão số 8 sắp tới.
Hiện các tuyến đường giao thông của tỉnh Quảng Bình đã thông thoáng, không có xã bị cô lập hay chia cắt. Chính quyền tỉnh đã huy động các lực lượng quân đội, công an, dân quân, đoàn thanh niên, tình nguyện viên tham gia dọn dẹp bùn đất, vệ sinh đường xá, nhà cửa, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, công tác hỗ trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm… cũng được các đơn vị, tập thể, cá nhân đến với người dân.
Cũng trong ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt và thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người dân vùng ngập lũ tỉnh Quảng Bình. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hóa chất khử khuẩn cho các tỉnh phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1650/QĐ-TTg về việc xuất cấp hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Bộ Y tế.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế xuất cấp không thu tiền 6,7 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Bộ Y tế để cấp cho các đơn vị phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó, tỉnh Quảng Trị 1 triệu viên; tỉnh Quảng Ngãi 0,2 triệu viên; tỉnh Quảng Nam 1 triệu viên, tỉnh Hà Tĩnh 1,5 triệu viên và Bộ Y tế 3 triệu viên.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo. UBND các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Bộ Y tế tiếp nhận, quản lý và sử dụng số hóa chất khử khuẩn nêu trên theo đúng quy định hiện hành.
Sau bão số 8, áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới Trung Bộ
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, hiện nay trên vùng biển phía Đông Philippines đang có một cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông trong khoảng đêm 26 đến ngày 27/10, có khả năng ảnh hưởng tới Trung Bộ trong những ngày cuối tháng 10.
Bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy, vào 16 giờ ngày 24/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới này ở khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 129,7 độ Kinh Đông; cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 550km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo từ đêm 24 đến đêm 25/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 16 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 125,0 độ Kinh Đông; trên vùng biển miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông; cách đảo Song Tử Tây khoảng 620km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.
Từ đêm 26 đến đêm 27/10, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên.
Do ảnh hưởng của bão số 8, từ tối và đêm 24/10, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-4 m; biển động mạnh. Gần sáng và trong ngày 25/10, ở vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Từ đêm 24 đến ngày 26/10, ở các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150 mm/đợt. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.
Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 5 trong vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3
Chiều 24/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm một thi thể nạn nhân mất tích do sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế), xảy ra vào ngày 12/10. Đây là thi thể thứ 5 được tìm thấy, còn 12 nạn nhân khác vẫn đang mất tích.
Trong ngày 24/10, tận dụng thời tiết tạnh ráo, lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân. Tại vị trí sạt lở vùi lấp các công nhân có một số khối bê - tông cốt thép lớn cần giải phóng mặt bằng để thực hiện công tác tìm kiếm. Tranh thủ thời gian giao ca giữa trưa, các chiến sỹ công binh Quân khu 4 thực hiện kỹ thuật nổ om làm nứt vỡ kết cấu các khối bê-tông để tránh ảnh hưởng nền đất phía dưới, đề phòng có thi hài nạn nhân bị vùi lấp.
Hiện tuyến đường 71 cơ bản đã thông, các phương tiện cơ giới được điều vào hiện trường. Trong ngày 24 và 25/10, các phương tiện cơ giới sẽ được tập kết. Những ngày tới dự báo thời tiết diễn biến phức tạp, công tác tìm kiếm sẽ khó khăn hơn; cần đảm bảo an toàn cho các lực lượng, phương tiện tìm kiếm đồng thời gấp rút tìm kiếm các nạn nhân. Khoảng 10 phương tiện xe múc, xe ủi, xe ben và chó nghiệp vụ đã được đưa vào Thủy điện Rào Trăng 3 để đẩy nhanh, hỗ trợ công tác tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích tại đây.
Cũng trong ngày 24/10, Đại tá Hồ Văn Mười, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đã bắt được kẻ lừa đảo chiếm đoạt tiền của vợ nạn nhân trong vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3. Đối tượng tên Nguyễn Văn Phúc (sinh năm 1997), trú tại thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Theo Công an tỉnh Đắk Nông, chiều 20/10 đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của gia đình chị Lê Thị Thu Thảo ở thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông (vợ của anh Trần Văn Lộc, là công nhân bị tử nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế). Theo tường trình của chị Thảo, sau khi sự việc xảy ra, do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, con nhỏ thơ dại nên các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước gọi điện thăm hỏi, động viên, giúp đỡ và ủng hộ gia đình chị hơn 250 triệu đồng. Ngày 20/10/2020 có một người đàn ông gọi điện thoại cho chị thăm hỏi, động viên và muốn ủng hộ gia đình chị 6 triệu đồng. Người này đã gửi tin nhắn và hướng dẫn chị Thảo nhấn vào đường link do đối tượng chuyển để được nhận tiền. Chị Thảo làm theo yêu cầu của người này và sau đó thì phát hiện số tiền trong tài khoản của mình bị mất 100 triệu đồng.
Sáng 24/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã xác định được thủ phạm gây ra vụ lừa đảo nói trên và thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng Nguyễn Văn Phúc. Qua khám xét, lực lượng chức năng đã thu giữ các tang vật liên quan đến hành vi lừa đảo của đối tượng gồm: 9 điện thoại di động, 6 sim điện thoại, 6 thẻ ngân hàng, 1 máy tính...
Việt Nam có thêm 12 ca mắc COVID-19 mới đều là ca nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 24/10, Việt Nam có thêm 12 ca mắc mới đều là ca nhập cảnh, được cách ly ngay từ khi về nước. Theo đó, Việt Nam có tổng cộng 1.160 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, 469 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 14.149 người. Trong đó, số người được cách ly tập trung tại bệnh viện 159 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 13.185 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 805 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày 24/10, có thêm 2 bệnh nhân BN1110, BN1113 được công bố khỏi bệnh. Hiện Việt Nam đã chữa khỏi bệnh cho 1.051/1.160 bệnh nhân COVID-19.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 4 ca, lần 2 là 6 ca, lần 3 là 16 ca. Hiện nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.
Trong thời gian qua, số ca mắc mới đều là những ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay từ khi vào Việt Nam. Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhận định, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn chưa giảm, nguy cơ tăng mạnh trở lại vào mùa đông ở những nơi lới lỏng các biện pháp chống dịch. Trong nước, dù đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nếu lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch thì dịch vẫn có thể xuất hiện trở lại, gây hậu quả lớn. Trong bối cảnh, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn, người dân và ngành y tế không được chủ quan, vẫn phải cảnh giác, chủ động phòng bệnh trong mọi tình huống.