Tin nổi bật trong ngày 20/10

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV; Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Chính phủ đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở trong năm 2021; Điều tra nguyên nhân 58 người nhập viện nghi bị ngộ độc thực phẩm; Đưa gần 330 công dân Việt Nam từ Angola về nước… là những vấn đề được bạn đọc quan tâm trong ngày 20/10.

Chú thích ảnh
 Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Ngày 20/10, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu IV, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình; các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi đi cứu hộ, cứu nạn và đồng bào tử nạn vì lũ lụt.  

Sau lời phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Vào phiên họp buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trình bày Báo cáo và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Trình bày kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Trong khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ kịp thời nhiều nước trong phòng chống dịch.  

Thành công bước đầu này thể hiện sự quyết tâm cao, ý chí thống nhất, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của toàn dân tộc; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ ta; đồng thời tạo môi trường an toàn để cả nước tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Thủ tướng đã nêu một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong thời gian đầu của giai đoạn 2021 - 2025 khi còn dịch bệnh, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch; chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ của dịch; hoàn chỉnh quy trình phòng, chống dịch; kiểm soát phù hợp người nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, bảo đảm phòng dịch từ sớm, từ xa.

Đồng thời, các biện pháp phòng, chống dịch cần được tính toán kỹ lưỡng, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa sẵn sàng phòng chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực và ở tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế-xã hội. Chú trọng đẩy nhanh nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vaccine và có giải pháp để nhân dân tiếp cận, sử dụng vắc xin phòng dịch sớm nhất…

Chính phủ đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở trong năm 2021

Chiều 20/10, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước năm 2021 khó khăn. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu; bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị chưa điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 và một số vấn đề cấp bách khác.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương. Trong đó, cho phép tiếp tục loại trừ 8 khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán 2021 dành để cải cách tiền lương như đã áp dụng với dự toán 2020 và loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến của các ủy viên Ủy ban cơ bản đồng ý với đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao, đời sống khó khăn.

Trước đó, việc điều chỉnh lương cơ sở theo lộ trình được tăng từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu từ 1/7/2020. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Chính phủ đã đề nghị chưa tăng lương cơ sở vào thời điểm này.

Điều tra nguyên nhân 58 người nhập viện nghi bị ngộ độc thực phẩm  

Ngày 20/10, Thạc sỹ, Bác sỹ Trương Quang Huy - Phó trưởng Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Trung ương tỉnh Quảng Nam xác nhận: Từ ngày 16/10 đến nay, bệnh viện đã và đang phối hợp điều tra nguyên nhân 58 bệnh nhân nghi bị ngộ thực phẩm được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện. Tất cả các bệnh nhân này đều đến bệnh viện cấp cứu với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm: sốt, nôn mửa, đi ngoài...

Chú thích ảnh
Bác sỹ Bệnh viện đa khoa Trung ương tỉnh Quảng Nam thăm khám cho các bệnh nhân. Ảnh: Trịnh Bang nhiệm/TTXVN

Ngay sau khi tiếp nhận các bệnh nhân, đội ngũ y, bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã tiến hành hội chẩn, tiến hành điều trị theo phác đồ: bù nước (uống hoặc truyền dịch tùy theo từng mức độ của các bệnh nhân), hạ sốt, điều trị kháng sinh…

Hiện 19 bệnh nhân đã được xuất viện về nhà điều trị ngoại trú. 39 bệnh nhân còn lại sức khỏe tiến triển tốt, dự kiến 2 - 3 ngày tới sẽ xuất viện. Được biết, trước khi nhập viện cấp cứu, trong số 58 bệnh nhân có 35 người đã sử dụng bánh mỳ của một cơ sở ở xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành), số người còn lại sử dụng các loại thực phẩm khác.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã lấy mẫu để xét nghiệm, điều tra nguyên nhân vụ ngộ độc, đồng thời khuyến cáo người dân tạm thời không nên sử dụng bánh mỳ của cơ sở này.

Đưa gần 330 công dân Việt Nam từ Angola về nước

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 20/10, Việt Nam ghi nhận 1 ca mắc COVID-19 mới, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Bệnh nhân 1141 (nữ, 29 tuổi), quốc tịch Ấn Độ, là vợ của bệnh nhân 1125.

Ngày 6/10/2020, bệnh nhân từ Ấn Độ nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay 6E9471, được chuyển đến cách ly tại Thành phố Hồ Chí Minh ngay sau khi nhập cảnh.

Kết quả xét nghiệm lần 2 của bệnh nhân ngày 19/10/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Chú thích ảnh
Tiếp nhận và kiểm tra thân nhiệt cho các lưu học sinh Lào tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum ngày 16/10 để đưa về cách ly 14 tại Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN phát

Như vậy, đến thời điểm này, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta là 1.141, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389 ca), Quảng Nam (96 ca), Hải Dương (16 ca), Hà Nội (11 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (8 ca), Quảng Trị (7 ca), Bắc Giang (6 ca), Quảng Ngãi (5 ca), Lạng Sơn (4 ca), Đắk Lắk (3 ca), Đồng Nai (2 ca), Thái Bình (1 ca), Hà Nam (1 ca), Thanh Hóa (1 ca) và Khánh Hòa (1 ca).

Đến nay, các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương ghi nhận ca bệnh. Việt Nam đã có 48 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng.

Cũng trong ngày 20/10, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola và Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng Angola đưa gần 330 công dân Việt Nam từ Angola về nước an toàn. Hành khách trên chuyến bay bao gồm người ốm đau, lao động hết hạn hợp đồng và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đã cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ công dân tại sân bay.  

Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay.

Ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định. Thời gian tới, việc đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước sẽ được sắp xếp theo nguyện vọng của công dân, phù hợp với tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước.  

V.T/Báo Tin tức
Đại biểu Quốc hội chia sẻ với những mất mát to lớn của nhân dân các tỉnh miền Trung
Đại biểu Quốc hội chia sẻ với những mất mát to lớn của nhân dân các tỉnh miền Trung

Trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, bên hành lang Quốc hội nhiều đại biểu Quốc hội đã gửi những lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc tới đồng bào miền Trung, nơi đang phải chịu ảnh hưởng bởi bão lũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN