Đại biểu Quốc hội chia sẻ với những mất mát to lớn của nhân dân các tỉnh miền Trung

Trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, bên hành lang Quốc hội nhiều đại biểu Quốc hội đã gửi những lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc tới đồng bào miền Trung, nơi đang phải chịu ảnh hưởng bởi bão lũ.

 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội dành một phút mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa XIV đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN. 

Trong diễn văn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xúc động nói: “Trong những ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung của chúng ta vẫn đang phải oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ gây ra. Trong đó, có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Quốc hội chia sẻ trước những đau thương, mất mát to lớn này và xin gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, chiến sĩ vùng bị nạn, cùng lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân bị tử nạn. Quốc hội đánh giá cao sự quyết liệt, khẩn trương, ứng phó linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang trong cứu hộ, cứu nạn, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, biểu dương ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết, đùm bọc của người dân vùng lũ; sự quan tâm, ủng hộ, tinh thần tương thân, tương ái của các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội”.  

“Quốc hội yêu cầu Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác với những diễn biến cực đoan của thời tiết, có các giải pháp tích cực, hiệu quả để sớm khắc phục hậu quả của mưa lũ. Đồng thời, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân” hết lòng quan tâm, động viên, chia sẻ, ủng hộ vật chất và tinh thần giúp nhân dân các địa phương bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Lưu Bình Nhưỡng cho biết: Chúng ta đang đứng trước một trận đại hồng thủy lớn ở miền Trung. Ở khu vực cần nước thì không có nước, khu vực không cần nước thì lượng mưa lớn đã ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống của người dân cho thấy “thiệt hại đang chồng lên thiệt hại”.  

Lũ lụt đang làm đời sống người dân đảo lộn ở những tỉnh miền Trung vốn đã rất khó khăn. “Cử tri và nhân dân đánh giá rất cao sự phản ứng kịp thời của Chính phủ cũng như của các bộ, ngành, các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ giúp đỡ các tỉnh miền Trung”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói. Để khắc phục được những thiệt hại to lớn này, đặc biệt là thiệt hại về con người và tài sản của đất nước cũng như của người dân cần có thời gian, ngân sách rất lớn và sự đồng lòng của nhân dân cả nước.

“Là đại biểu Quốc hội, tôi mong muốn mỗi người dân Việt Nam cố gắng hạn chế tiệc tùng, giao lưu ăn uống lãng phí, dành số tiền đó để chúng ta vừa để phát triển sản xuất và ủng hộ cho đồng bào lũ lụt miền Trung cũng như người nghèo trên cả nước”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Đỗ Văn Sinh trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức. Ảnh: Thái Bình.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Đỗ Văn Sinh cho biết: Trong những ngày qua mưa lũ gây thiệt hại, tổn thất cho nhân dân các tỉnh miền Trung rất nặng nề.

“Là đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Trị, tôi rất đau sót trước cảnh ngộ của rất nhiều bà con, đồng bào của chúng ta bị mất người thân, mất nhà, mất tài sản, thậm chí không có chỗ ăn nghỉ và nước uống. Chúng tôi đang tiếp tục vận động nhân dân cả nước quyên góp, chung tay giúp đỡ nhân dân miền các tỉnh miền Trung sớm khắc phục hậu quả lũ lụt”.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh cũng mong muốn trong thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân và đồng bào chiến sĩ cả nước chúng ta tiếp tục hướng về miền Trung và có những hành động cụ thể đóng góp về vật chất lẫn tinh thần để giúp đỡ nhân dân miền Trung khắc phục nhanh nhất những thiệt hại do lũ lụt gây ra. Ông Đỗ Văn Sinh cho rằng, qua sự việc này cảnh báo lớn nhất với chúng ta đó là phải bảo vệ rừng, đây là cái gốc của vấn đề, chúng ta phải trồng nhiều rừng phòng hộ trên cơ sở bảo vệ tốt môi trường, không tàn phá môi trường.

“Chính sự tàn phá môi trường đã dẫn đến hậu quả nhưng bây giờ. Đương nhiên trong thời gian trước mắt, tất cả các bộ, ngành, địa phương phải làm tốt công tác cảnh báo, dự báo những khu vực nào, địa bàn nào bị ảnh hưởng lớn do sạt lở để sớm di chuyển người dân đến nơi an toàn”, đại biểu Đỗ Văn Sinh đề nghị.

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ thông tin với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

Là đại biểu của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, cần phải tính toán và phải có chiến lược cao hơn nữa, đánh giá thật tốt về những nguyên nhân gây lũ lụt.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, khi lũ lụt xảy ra, những người dân ở trong rừng cần có những phương tiện hiện đại để ứng cứu, ví dụ như thả lương thực, thực phẩm. Phải đánh giá được khi thời tiết xấu. Thời tiết là quy luật nhưng mình phát hiện sớm để phòng tránh. “Việc phát triển thủy điện, tôi nghĩ cần đánh giá lại, làm thế nào mà vẫn phát triển đươc thủy điện nhưng vẫn đảm bảo được sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh nhưng phải bảo đảm được bền vững thiên nhiên, bền vững môi trường…”, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa nói. 

Nguyễn Viết Tôn/Báo Tin tức
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa: Đầu tư thủy điện cần tính toán về an toàn
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa: Đầu tư thủy điện cần tính toán về an toàn

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hàng lang Quốc hội sáng 20/10 trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: “Trong tình hình hiện nay, việc xây dựng thủy điện phải có những nghiên cứu, đánh giá khoa học để có chiến lược lâu dài...”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN