Tin nổi bật ngày 23/12

Bộ Y tế mở đợt cao điểm phòng chống COVID-19 để đón Tết an toàn; phát hiện vụ phá rừng thông 18 năm tuổi ở Lâm Đồng; TP Hồ Chí Minh nghiêm cấm dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học và triệt xóa tụ điểm cho vay nặng lãi lên đến 200%/năm là những tin nổi bật trong ngày 23/12.

Bộ Y tế mở đợt cao điểm phòng chống COVID-19 để đón Tết an toàn

Chú thích ảnh
Việt Nam thử nghiệm vắc xin Nano Covax phòng COVID-19 trên người. Ảnh: LP

Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 23/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo: “Hiện thế giới đang rất quan ngại về biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Theo ước tính và nhận định của các chuyên gia, biến chủng này có khả năng tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Các nhà khoa học vẫn đang theo dõi chặt chẽ sự biến chủng của virus này. Các nhận định hiện nay cho thấy việc xuất hiện biến chủng mới này chưa có tác động đối với việc có khả năng ảnh hưởng đến vắc xin phòng COVID-19 hay không. Biến chủng này cũng không làm tăng tình trạng nặng của bệnh tật, chỉ làm tăng khả năng lây truyền”.

Theo đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện, cơ sở y tế tăng cường việc giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm, nhất là ở khu vực châu Âu và ở những nước có biến chủng này để đánh giá khả năng lây truyền và khả năng xâm nhập vào Việt Nam. Đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa phát hiện khu vực nào của Việt Nam có xuất hiện biến chủng đột biến này. Tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam vẫn rất lớn, vì thế chúng ta không được chủ quan, lơ là; phải tăng cường quyết liệt hơn trong phòng chống dịch.

“Bộ Y tế quyết định từ hôm nay đến cuối năm sẽ là đợt cao điểm đẩy mạnh hoạt động phòng chống COVID-19 để đảm bảo người dân được hưởng dịp nghỉ Tết nguyên đán an toàn”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Phát hiện vụ phá rừng thông 18 năm tuổi ở Lâm Đồng

Một vụ phá rừng theo kiểu "công nghệ" mới - dùng nhiều máy múc, máy cày, xe tời gắn cáp để kéo cây đổ, dùng máy cưa pin để cắt hạ cây không gây tiếng ồn, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Chú thích ảnh
Nhựa thông vẫn còn chạy trên thân cây mới bị cưa hạ.  Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Khu vực xảy ra vụ việc trên ở xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, trong các ngày 19-20/12/2020. Đây là điểm "nóng" trong công tác quản lý bảo vệ rừng, các đối tượng "lâm tặc" thường xuyên đe dọa, dùng dao chém lực lượng giữ rừng, khiến hai người bị thương.

Tại hiện trường, hàng chục cây thông 18 năm tuổi bị bật gốc, nằm trơ trọi trên mặt đất, nhựa vẫn còn ứa ra, lá thông còn nguyên màu xanh. Khu vực bị phá tại lô b4, khoảnh 05, tiểu khu 274A thuộc địa giới hành chính xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Đây là rừng do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (Công ty Nguyên liệu giấy Lâm Đồng Chi nhánh Lâm Hà trồng và quản lý bảo vệ).

Theo lãnh đạo Công ty Nguyên liệu giấy Lâm Đồng, tối 19/12, qua tuần tra, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị đã phát hiện đồng thời báo cáo Công an huyện Lâm Hà, UBND xã Gia Lâm hỗ trợ lực lượng tiếp cận hiện trường. Nhờ phát hiện sớm, đơn vị đã ngăn chặn kịp thời vụ phá rừng, tuy nhiên các đối nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Công an huyện Lâm Hà đã thu giữ nhiều tang vật phục vụ công tác điều tra như máy cày, máy cưa dùng pin, cưa tay và xe độ có gắn tời để

Trong khi đó, liên quan đến thực trạng vùng lõi rừng đặc dụng Mường Phăng (Điện Biên) bị "rút ruột" nghiêm trọng mà TTXVN đã phản ánh, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên vừa có Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Giám đốc Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên) để làm rõ trách nhiệm.

Theo đó, tại Quyết định số 593/QĐ-SNN, ngày 21/12/2020, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên Bùi Minh Hải ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng, thuộc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên.

TP Hồ Chí Minh nghiêm cấm dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện về tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy thêm, học thêm và nâng cao chất lượng học tập của học sinh.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh yêu cầu các trường tiểu học tuyệt đối không được tổ chức dạy thêm, học thêm. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ chí Minh, trong thời gian qua đơn vị này đã đi nắm tình hình thực tế tại một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố về hoạt động dạy học và giáo dục, trong đó có hoạt động dạy thêm, học thêm; ghi nhận một số phản ánh từ giáo viên, phụ huynh.

Trên cơ sở ghi nhận từ cơ sở, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu trưởng, các Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai cho các trường tiểu học trên địa bàn thực hiện nghiêm túc về tăng cường quản lí, chỉ đạo hoạt động dạy thêm, học thêm.

Theo đó, Sở Giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các trường tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Đồng thời, yêu cầu các phòng Giáo dục và Đào tạo giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào.

Triệt xóa tụ điểm cho vay nặng lãi lên đến 200%/năm

Ngày 23/12, thông tin từ Công an huyện Triệu Sơn (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết đã triệt xóa điểm hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, với mức lãi suất lên đến 200%/năm, do Nguyễn Đức Dũng (sinh năm 1967, ở xã Dân Lý) làm chủ.

Theo tài liệu của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Triệu Sơn, Nguyễn Đức Dũng là đối tượng chuyên cho vay nặng lãi. Dũng thường dùng mạng xã hội Zalo hoặc Facebook nhắn tin điều hành giao dịch việc cho vay và thu hồi nợ.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng này hết sức tinh vi, chuyên nghiệp. Khi cho các con nợ vay, Dũng yêu cầu các con nợ viết giấy vay tiền, không ghi lãi suất mà thỏa thuận trên mạng xã hội, việc thu lãi cũng không thể hiện bằng giấy tờ mà thể hiện trên tin nhắn mạng xã hội. Với lãi suất "cắt cổ" là 6.000 đồng/triệu/ngày (tương đương với 200%/năm), Dũng đã cho nhiều cá nhân trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Triệu Sơn vay tiền và thu lợi bất chính với số tiền lớn. Khi những người này không có khả năng chi trả, Dũng đã cho các đối tượng đến nhà trực tiếp đe dọa hoặc đón đường đánh đập buộc những người nợ tiền phải trả cả gốc lẫn lãi.

Điển hình khoảng tháng 10/2020, Nguyễn Đức Dũng cho anh T.M.H vay số tiền 240 triệu đồng với lãi suất 6.000 đồng/triệu/ngày. Do làm ăn khó khăn, anh H đã xin khất nợ, nhưng bị Dũng cùng một số đối tượng dùng điếu cày đánh khiến anh H bị thương nặng.

Với những tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 22/12, Công an huyện Triệu Sơn đã bắt giữ Nguyễn Đức Dũng, thu hồi nhiều tài liệu, sổ sách, điện thoại có liên quan đến việc cho vay nợ.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tin nổi bật ngày 22/12
Tin nổi bật ngày 22/12

Dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới các vấn đề thời sự trong ngày 22/12 như: Mặt trận Tổ quốc là cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền cơ sở; Việt Nam thêm 6 ca mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh; tuyên án sơ thẩm vụ án sai phạm tại cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN