Mặt trận Tổ quốc là cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền cơ sở
Ngày 22/12 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ ba, khóa IX.
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khái quát tình hình, kết quả đạt được của đất nước trong năm 2020, đồng thời khẳng định, trong những thành công đó có sự đóng góp quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cụ thể là việc chủ động, tích cực tổ chức, vận động, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trong phòng chống dịch COVID-19; tổ chức các hoạt động vì người nghèo, cứu trợ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên quan tâm thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo, đồng bào ta ở nước ngoài; gần dân, sát dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường nắm tình hình nhân dân trong quá trình tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; tổ chức thành công nhiều cuộc hội nghị, hội thảo khoa học, tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Cơ bản tán thành với các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình trọng tâm của Mặt trận năm 2021 và các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị, trong năm 2021, Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm thực hiện tốt một số nội dung, trong đó có triển khai, tổ chức tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng XIII; trên cơ sở đó tập trung xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
“Với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu…, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc vận động các tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đóng góp trí tuệ, tài năng cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, cường thịnh”, Thường trực Ban Bí thư đề nghị.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt vai trò chủ trì, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội; phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động, cơ hội chính trị, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao chất lượng tập hợp ý kiến nhân dân phản ánh với Đảng, Nhà nước...
Mặt trận Tổ quốc các cấp cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Mỗi cán bộ Mặt trận phải tiên phong về nhận thức, gương mẫu trong hành động; năng động, sáng tạo, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân; tổ chức các hoạt động hướng mạnh về cơ sở, tập trung vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, các ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phải là lực lượng nòng cốt trong vận động nhân dân, là cầu nối bền chặt giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền cơ sở; phát huy cao nhất vị thế, uy tín, kinh nghiệm của các nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tham gia góp ý, vận động nhân dân xây dựng, bảo vệ quê hương...
Việt Nam thêm 6 ca mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 22/12, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh.
Tính đến 18 giờ ngày 22/12, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 16.360 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 187 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.038 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.135 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 22/12, có thêm 12 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN1279, BN1299, BN1382, BN1383, BN1366, BN1343, BN1376, BN1323, BN1330, BN1347, BN1329, BN1227. Trong số các ca bệnh đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 20 ca.
Tuyên án sơ thẩm vụ án sai phạm tại cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương
Sau hơn 1 tuần xét xử, ngày 22/12, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên án sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Tổng công ty Cửu Long, thuộc Bộ Giao thông Vận tải), Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (gọi tắt là Công ty Yên Khánh) và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Hội đồng xét xử nhận định, dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do vậy số tiền thu được từ việc bán quyền thu phí cao tốc là tài sản của Nhà nước. Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị chủ trì xây dựng Đề án bán quyền thu phí, thực hiện việc chuyển giao quyền thu phí để hoàn trả ngân sách Nhà nước kinh phí đã đầu tư cho dự án. Khi triển khai thực hiện, bị cáo Đinh La Thăng là Bộ trưởng, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, có vai trò quyết định đến việc bán quyền thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Xuất phát từ động cơ cá nhân, thông qua mối quan hệ quen biết từ trước, bị cáo Đinh La Thăng đã gọi điện thoại trực tiếp cho bị cáo Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) để giới thiệu đưa bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) tiếp cận đề án, sau đó tạo điều kiện cho công ty của Hệ trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Từ đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã lợi dụng mối quan hệ này để xây dựng hồ sơ gian dối tham gia mua đấu giá quyền thu phí. Sau khi trúng đấu giá quyền thu phí, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã tiếp tục thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, gây hậu quả thất thoát của Nhà nước hơn 725 tỷ đồng.
Bị cáo Đinh La Thăng đã ký văn bản số 7331/BGTVT-TC gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp nhận lại Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương và tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí để thu hồi nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho Dự án. Để triển khai tổ chức bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, ngày 3/10/2013, bị cáo Đinh La Thăng ký Quyết định số 3050/QĐ-BGTVT về việc thành lập Hội đồng bán đấu giá và Tổ thường trực giúp việc Hội đồng bán đấu giá.
Hội đồng xét xử khẳng định, cáo trạng truy tố bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tổng hợp hình phạt với bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.
Về bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng), với mục đích chiếm đoạt tài sản, Đinh Ngọc Hệ đã có hành vi gian dối, chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ năng lực, báo cáo tài chính của Công ty Yên Khánh và Khánh An (đều do Đinh Ngọc Hệ thành lập và điều hành) từ kinh doanh thua lỗ thành kinh doanh có lãi để đáp ứng đủ điều kiện tham gia đấu giá và trúng đấu giá. Bằng các thủ đoạn gian dối, từ ngày 1/1/2014 đến 31/12/2018, Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm đã che giấu, chiếm đoạt được hơn 725 tỷ đồng.
Dù quá trình điều tra bị cáo Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng quá trình xét xử, bị cáo đã thừa nhận một phần hành vi phạm tội. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ án chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 13 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân. Tòa tuyên buộc bị cáo Hệ phải bồi thường toàn bộ số tiền hơn 725 tỷ đã chiếm đoạt qua hành vi gian dối trong thu phí dự án TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Các bị cáo Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT giai đoạn tháng 4/2007 - 8/2017) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Chí Thành (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT ) 3 năm tù; Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính) 3 năm tù; Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) 4 năm tù; Dương Thị Trâm Anh (nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó trưởng phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu, Tổng công ty Cửu Long) 2 năm tù, cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.