Tin nổi bật tuần 14-20/12

Trong tuần từ 14-20/12, dư luận quan tâm đến việc Việt Nam bắt đầu tiêm thử trên người vắc xin phòng COVID-19; sẽ diễn ra lễ công bố thành lập thành phố Thủ Đức vào ngày 31/12; Công an TP Hà Nội phá vụ án 'Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới'; Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời về việc Việt Nam bị xác định thao túng tiền tệ; Khởi tố ông Tất Thành Cang…

Mũi vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam bắt đầu được tiêm thử trên người

Sáng 17/12, mũi vắc xin Nano Covax phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam chính thức được tiêm thử nghiệm trên 3 người tình nguyện. Các tình nguyện viên này đã trải qua quá trình tiêm thử nghiệm với quy trình chặt chẽ, an toàn.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên được tiêm mũi vắc xin Nano Covax liều 25 microgam. Ảnh: Lê Phú

Theo đó, đánh giá về buổi khởi động tiêm 3 mũi vắc xin Nano Covax đầu tiên, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục khoa và Công nghệ (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin cho biết: “Trong buổi tiêm đầu tiên, Học viện Quân và nhóm nghiên cứu đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo, bài bản, khoa học và kỹ càng. Điều này thể hiện tính trách nhiệm rất cao, không chỉ của nhóm nghiên cứu, Học viện Quân y mà cả ngành y tế và người dân. Việc đảm bảo an toàn cho các đối tượng tham gia nghiên cứu là yêu cầu đầu tiên mà Bộ Y tế đưa ra với tất cả các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng hiện nay ở Việt Nam”.

Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu lần này được lựa chọn từ khoảng 300 tình nguyện viên đã được thu tuyển trước đó tại Học viện Quân y. Họ là những người tự nguyện hoàn toàn, đảm bảo khoẻ mạnh; đặc biệt là không có sự ép buộc nào về việc tài chính, sức khoẻ…

“Quyền lợi của người tham gia nghiên cứu là được theo dõi sức khoẻ trong suốt trước trong và sau quá trình triển khai nghiên cứu. Họ cũng sẽ nhận được chi phí bồi hoàn cho việc mất thời gian tham gia nghiên cứu, các chi phí đi lại, ăn nghỉ… do nhóm nghiên cứu và nhà sản xuất chịu trách nhiệm; để đảm bảo tính khoa học và tính pháp lý cho những người tham gia nghiên cứu. Điều quan trọng nhất là những người tham gia nghiên cứu lần này được đánh giá cao về sự đóng góp cho xã hội để có thể phát triển vắc xin phục vụ cộng đồng”, ông Nguyễn Ngô Quang khẳng định.

Trong khu vực dành riêng cho thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax tại Học viện Quân y (Hà Đông, Hà Nội), các phòng dành riêng cho tiêm vắc xin, theo dõi sau tiêm… đã được chuẩn bị kỹ càng, có nhân viên y tế “trực chiến” và trang thiết bị đầy đủ.

Dưới sự theo dõi sát sao của các bác sĩ, nhân viên y tế Học viện Quân y, 3 tình nguyện viên đã thực hiện các bước sàng lọc đầy đủ, đảm bảo sức khoẻ an toàn tuyệt đối được tiêm vắc xin Nano Covax liều 25 microgam dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Học viện Quân y, nhóm nghiên cứu và các chuyên gia.

Ngay sau tiêm, các tình nguyện viên được theo dõi sát sao tại phòng tiêm, sức khoẻ của họ ổn định.

Chiều 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm các tình nguyên viên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam, đang được theo dõi tại Viện nghiên cứu Y - Dược học quân sự (Học viện Quân y).

Ngày 31/12 sẽ diễn ra lễ công bố thành lập thành phố Thủ Đức

Ngày 19/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức "Phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh phát triển các quận 2, 9 và Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức để tập trung đầu tư phát triển thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn thực hiện 2 Nghị quyết nói nói trên của Quốc hội.

Nghị quyết 131/2020/QH14 và Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7/2021 nên Bộ Nội vụ đang khẩn trương lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định, đảm bảo tuân thủ các nội dung của Nghị quyết đồng thời phù hợp với định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

“Thành phố Thủ Đức là mô hình mới trong tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên Dự thảo Nghị định vẫn chưa có chương đề cập đến vấn đề này. Vì thế phải thảo luận việc có cần đưa vào chương về “Thành phố thuộc thành phố” để đáp ứng định hướng sự lãnh đạo trực tiếp của Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh cũng như xác định Thành phố Thủ Đức là động lực thúc đẩy sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết thêm.

Biểu dương Công an TP Hà Nội vì thành tích phá vụ án 'Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới'

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã gửi thư khen Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đã rất tích cực, chủ động, nhạy bén trong công tác nắm tình hình, lập chuyên án đấu tranh và đã khởi tố vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, khởi tố 10 bị can.

Đây là vụ án nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dài. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi để chuyển số tiền đặc biệt lớn (gần 30 nghìn tỷ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép, nhằm che giấu hành vi phạm tội khác.

Vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sỹ Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) và bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, các cán bộ, chiến sỹ Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ tiếp tục phát huy trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều chiến công hơn nữa, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân Thủ đô.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời về việc Việt Nam bị xác định thao túng tiền tệ

Bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: "Khi có bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong quan hệ hai nước, chúng tôi đều có trao đổi tiếp xúc với phía Hoa Kỳ trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở, nhằm tháo gỡ các vấn đề này”.

Chiều 17/12, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ chính thức xác định Việt Nam và Thụy Sỹ là quốc gia thao túng tiền tệ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Theo tôi được biết, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tin cụ thể về việc này. Trong 25 năm qua, đặc biệt từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại và đầu tư.

Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ, thực hiện nghiêm túc các cam kết cấp cao, thỏa thuận thương mại giữa hai nước cũng như các cam kết thương mại đa phương.

Việt Nam duy trì đối thoại và tham vấn trên tinh thần xây dựng với phía Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên".

Ngày 16/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, theo đó, lần đầu tiên đưa Việt Nam và Thụy Sỹ vào danh sách thao túng tiền tệ. Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra quyết định trên dựa theo 3 tiêu chí: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Trong sáng 17/12, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam khẳng định: Việc điều hành tỷ giá những năm qua - trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng

Ngày 17/12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp về công tác cán bộ. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thay mặt Bộ Chính trị chủ trì, điều hành chương trình Hội nghị.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay mặt Bộ Chính trị đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về Phương hướng công tác nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương được Bộ Chính trị ủy quyền đọc Tờ trình của Bộ Chính trị đề nghị thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ đồng chí Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng.

Khởi tố ông Tất Thành Cang

Chiều 16/12, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can của Công an Thành phố Hồ Chí Minh đối với ông Tất Thành Cang - Phó ban Chỉ đạo công trình lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố, để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Ông Tất Thành Cang có liên quan đến một số sai phạm tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và đã được Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh kết luận tại Kết luận số số 33/KL-TTTP-P6.

Lương tối thiểu năm 2021 thay đổi như thế nào?
Lương tối thiểu năm 2021 thay đổi như thế nào?

Bạn đọc hỏi: Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021. Vậy, vấn đề lương tối thiểu sẽ có những thay đổi như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN