Cần phương thức phù hợp thúc đẩy thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19
Chiều 21/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các phương án nghiên cứu, sản xuất, mua vaccine phòng COVID-19.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện tối đa, khuyến khích, động viên, hỗ trợ các đơn vị trong nước nghiên cứu vaccine phòng COVID-19. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan có chức năng xác định khả năng sản xuất vaccine của các doanh nghiệp trong nước để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu cần sử dụng kinh phí thử nghiệm lâm sàng đúng mục đích, hiệu quả.
Bộ Y tế tìm hiểu kinh nghiệm thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 của các nước trên thế giới để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax của NANOGEN, nhằm sớm có vaccine sản xuất trong nước; tìm kiếm đối tác nước ngoài trong việc hợp tác, thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax giai đoạn 3.
Dưới sự chỉ đạo, quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), các cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển trung tâm nghiên cứu phát triển vaccine phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm ở người, bao gồm việc đầu tư xây dựng phòng nghiên cứu đạt an toàn sinh học cấp 3 hoặc cấp 4. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng tạo điều kiện, ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai đề án này.
Về vấn đề tiếp cận, mua vaccine phòng COVID-19 của các nước trên thế giới, Thủ tướng khẳng định, cần sớm có một cơ số vaccine cần thiết để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế sớm hoàn chỉnh đề án xác định mua vaccine của quốc gia phù hợp, dự kiến số lượng mua, đối tượng, thời gian, tính an toàn, tính miễn dịch, hiệu lực của vaccine...; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp, hình thức hợp tác, mua sắm phù hợp. Nhà nước có trách nhiệm với nhân dân, đồng thời huy động các phương thức xã hội hóa để thực hiện trên tinh thần sẻ chia nhân ái, lá lành đùm lá rách.
Ngày 21/12, Việt Nam thêm 1 ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 21/12, Việt Nam thêm 1 ca mắc mới COVID-19, là ca nhập cảnh đã được cách ly ngay.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 20/12, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 17.616 người trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 196 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 16.302 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 1.118 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số câc ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 1 lần trở lên là 20 ca.
Chưa nhìn nhận đa chiều và khách quan khi xác định Việt Nam thao túng tiền tệ
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ là dựa vào các tiêu chuẩn của nhà nước Hoa Kỳ, mà chưa có những xem xét cho phù hợp cũng như những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam.
TS Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, việc gắn mác Việt Nam thao túng tiền tệ là một việc làm mang tính chủ quan, đơn phương từ phía Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Việc này chưa nhìn nhận đa chiều và chưa xét đến đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam cũng như những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam.
Theo Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ", Bộ Tài chính Hoa Kỳ xem xét các đối tác thương mại đáp ứng 3 tiêu chí sau: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam là thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.
TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, có nhiều điểm cần làm rõ liên quan tới cả ba tiêu chí nói trên của Hoa Kỳ.
Về việc thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lớn có nhiều lý do nhưng chủ yếu do cấu trúc của cán cân thương mại Việt Nam.
Về cán cân vãng lai - gồm cán cân thương mại và các khoản chuyển tiền từ nước ngoài về, đặc biệt là kiều hối. Thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam có một phần khá lớn do nhận tiền kiều hối từ nước ngoài về. Kiều hối chuyển về là yếu tố khách quan không phải do tỷ giá cao hay thấp mà người Việt tại nước ngoài chuyển tiền về cho người thân. Do đó, tỷ giá không phải là yếu tố làm cán cân vãng lai thặng dư vượt quá tiêu chí Hoa Kỳ quy định mức 2% GDP.
Còn về can thiệp thị trường ngoại hối, hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là thực hiện chức năng chuyển hoá các đồng ngoại tệ để giúp người dân tại lãnh thổ Việt Nam có thể dùng tiền đồng, tức việc mua vào này là bắt buộc. Khi cung cầu ngoại tệ thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước mua vào, khi thị trường biến động, thị trường mất cân đối, Ngân hàng Nhà nước bán ra để ổn định kinh tế vĩ mô.
Một vấn đề nữa, phía Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam đã mua ngoại hối để can thiệp nhằm định ra giá trị đồng tiền dưới giá trị thật. Về phương diện tiền tệ thuần túy thì không có khái niệm phá giá, đặt ra tỷ giá thấp hơn giá trị mà thậm chí đồng Việt Nam còn trên giá trị thực.
"Đây là những yếu tố cho thấy Việt Nam không thao túng tiền tệ", TS Trương Văn Phước nói.
Phạt cá nhân chia sẻ tin không đúng sự thật về người nhiễm HIV từ du học sinh
Ngày 21/12, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Q.V.L, sinh năm 1983, thường trú tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng về hành vi chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận trong nhóm Facebook Người Tiên Lãng.
Trước đó, ông Q.V.L đã chia sẻ bài viết từ tài khoản “N.Đ.M” để đăng tải thông tin trên mạng xã hội Facebook tại nhóm Người Tiên Lãng, với nội dung “…Cảnh sát Đài Loan công bố danh sách 19/90 lao động Việt nhiễm HIV từ du học sinh Trần Thị Hải…”.
Ngay sau khi có thông tin lan truyền trên mạng xã hội Facebook, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng đã chủ trì, phối hợp với Công an huyện Tiên Lãng, Công an xã Tự Cường tiến hành xác minh, xử lý vụ việc.
Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng, ông Q.V.L giải trình do nóng vội nên đã chia sẻ, đăng tải lại bài viết nêu trên lên nhóm Người Tiên Lãng. Bản thân ông Q.V.L không có mục đích gì khác mà chỉ để thông tin cho mọi người được biết. Ông Q.V.L đã nhận thức thấy việc đăng tải thông tin trên là sai phạm quy định pháp luật nên đã chủ động xóa bài viết này và đăng tải lời xin lỗi trên nhóm Người Tiên Lãng.
Hành vi trên của ông Q.V.L đã vi phạm quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Q.V.L với mức phạt tiền 5 triệu đồng.
Một Cục trưởng tử vong tại trụ sở Bộ Tài chính
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trưa ngày 21/12, tại trụ sở làm việc của Bộ (28 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) đã xảy ra vụ việc ông Phùng Ngọc Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm ngã từ cầu thang bộ và tử vong.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Ông Phùng Ngọc Khánh, sinh ngày 1/09/1962, được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Bảo hiểm vào tháng 5 năm 2014. Ông Phùng Ngọc Khánh là một trong sáu cán bộ đầu tiên kể từ khi thành lập phòng Bảo hiểm (thuộc Bộ Tài Chính), đã góp phần xây dựng, phát triển trở thành Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm hiện nay.