Từ ngày 16/2, người từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh phải cách ly tập trung tự trả phí
UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn hỏa tốc về triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Theo đó, từ 0 giờ ngày 16/2, người từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh phải thực hiện các quy định sau: Người đến Quảng Ninh từ toàn tỉnh Hải Dương và các ổ dịch khác thực hiện cách ly tập trung theo hình thức tự trả phí; các doanh nghiệp, cơ sở, đơn vị tự bố trí phương tiện đón người lao động về Quảng Ninh sau kỳ nghỉ Tết và tổ chức cho người lao động xét nghiệm COVID-19. Sau khi có kết quả âm tính mới được đi làm trở lại.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cá cơ quan nhà nước phải xét nghiệm COVID-19 và chỉ được đi làm trở lại khi có kết quả âm tính.
Các trường hợp đến Quảng Ninh từ các vùng không có dịch phải có giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19 âm tính trong giai đoạn từ 3 - 7 ngày trước khi vào tỉnh. Trường hợp không có giấy xét nghiệm phải thực hiện cách ly và theo dõi y tế tại nhà đủ 14 ngày.
Đối với người Quảng Ninh đi các địa phương khác thì được phép ra khỏi tỉnh, nhưng khi quay lại phải thực hiện các quy định như đối với người từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh.
Tại 12 chốt kiểm soát giáp với các tỉnh, thành phố, áp dụng toàn bộ khai báo điện tử; người qua lại phải xuất trình đủ chứng minh thư nhân dân, hoặc thẻ căn cước công dân hay giấy tờ tương đường kèm theo sổ hộ khẩu hoặc sổ đăng ký tạm trú.
Trước thông tin tỉnh Hải Dương thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 16/2, tỉnh Quảng Ninh đã khuyến cáo: Những người dân Quảng Ninh đang ở Hải Dương ở lại thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội ở Hải Dương, không di chuyển về Quảng Ninh. Những người cố tình về Quảng Ninh sẽ phải cách ly y tế tập trung (tự trả chi phí). Trong đó, nhiều trường hợp không thực thực hiện khuyến cáo, cố tình trở về Quảng Ninh đã bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm.
Chiều 16/2, Hải Dương ghi nhận thêm 38 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng
Tính đến 18 giờ ngày 16/2, Việt Nam ghi nhận thêm 40 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng trong 12 giờ qua; trong đó có 38 ca ở Hải Dương.
Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 16/2, Việt Nam ghi nhận thêm 40 ca mắc mới COVID-19, đều là ca cộng đồng. Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 16/2, Việt Nam có tổng cộng 1412 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 719 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 128.080 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 577 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.230 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 112.273 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), ngày 16/2 có thêm 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN1501, BN1549, BN1573, BN1599, BN1869, BN1951. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 86 ca.
Ngày 16/2, Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến 12 giờ trưa cùng ngày, Hà Nội đã rà soát, xét nghiệm 517 mẫu của các trường hợp F1, F2 liên quan tới các bệnh nhân: BN2229, BN2234, BN22403 (3 bệnh nhân của Công ty Mitsui, trong đó có chuyên gia người Nhật đã tử vong là BN2229). Kết quả xét nghiệm tất cả 517 mẫu trên đều đã âm tính lần 1 với virus SARS-COV-2.
TP Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả công dân, hàng hóa từ Hải Dương
TP Hải Phòng vừa ra quyết định dừng tiếp nhận tất cả công dân, hàng hoá từ Hải Dương tới, công dân Hải Phòng không đi đến tỉnh Hải Dương trong thời gian địa phương này giãn cách xã hội.
Chiều 16/2, tại cuộc làm việc với 5 huyện giáp ranh với tỉnh Hải Dương về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kết luận: Trước tình hình diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt tại các tỉnh giáp ranh với TP Hải Phòng, trong thời gian tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 16/2- 3/3) TP Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả các công dân và hàng hoá từ tỉnh Hải Dương tới. Trường hợp công dân của tỉnh Hải Dương cố tình về Hải Phòng, nếu bị phát hiện sẽ bắt buộc và khu cách ly tập trung của thành phố và phải chi trả chi phí cách ly.
TP Hải Phòng cũng yêu cầu các công dân Hải Phòng không đi đến tỉnh Hải Dương, trường hợp cần thiết phải đi Hải Dương phải có giấy xác nhận của Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Khi trở lại, phải vào khu cách ly tập trung của Thành phố và phải chi trả chi phí cách ly. Đối với các lái xe chở hàng đi tỉnh Hải Dương phải có giấy xác nhận của chủ phương tiện hoặc của UBND xã, phường, thị trấn; khi trở về phải ở tại khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và phải lấy mẫu xét nghiệm; nếu cố tình về nhà sẽ bắt buộc vào nơi cách ly tập trung và phải trả chi phí cách ly.
Hải Phòng cũng dừng các phương tiện chở người từ Hải Phòng đi tỉnh Hải Dương; các xe chở hàng hoá và chở khách đi các địa phương khác ngoài tỉnh Hải Dương phải đi và về theo đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng và Quốc lộ 10. Thành phố giao Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ phương tiện bố trí nơi ở tập trung cho lái xe và thông báo hướng tuyến xe vận tải; chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe dừng việc đào tạo và tổ chức thi cấp giấy phép lái xe. Đồng thời, TP Hải Phòng cũng yêu cầu Tổ kiểm soát dịch COVID-19 của các thôn tại các xã giáp ranh với tỉnh Hải Dương thuộc các huyện: Thuỷ Nguyên, An Dương, Tiên Lãng, An Lão, Vĩnh Bảo tiếp tục hoạt động từ ngày 16/2 (có kinh phí hỗ trợ).
Hải Phòng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị không làm việc với người từ các địa phương có dịch về Hải Phòng; các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm việc giãn cách người làm việc trong doanh nghiệp, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1 mét.
Lái xe không chấp hành đo nồng độ cồn còn ‘live stream’ trên mạng
Ngày 16/2, Thượng úy Nguyễn Quang Hưng, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Lạng Sơn xác nhận thông tin về trường hợp một lái xe điều khiển xe ô tô BKS 12A-145.28 (đi qua Km 15, Quốc lộ 1A thuộc thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đã bị tạm giữ phương tiện vì không mang theo giấy phép lái xe, cố tình không chấp hành hiệu lệnh đo nồng độ cồn.
Trước đó, 14 giờ 45 phút ngày 15/2, thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát cơ động tại tuyến đường trên, lực lượng chức năng phát hiện một trường hợp lái xe có biểu hiện không bình thường. Qua kiểm tra hành chính, lái xe không có giấy phép lái xe, không có giấy đăng ký xe theo quy định. Đặc biệt, lái xe cố tình không chấp hành hiệu lệnh đo nồng độ cồn, liên tục sử dụng điện thoại, ghi hình, phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook hơn 1 tiếng với những bình luận thiếu văn hoá.
Theo đại diện Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn, với hành vi vi phạm trên, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đối tượng này sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng (Điểm G, Khoản 10, Điều 5); tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng (Điểm H, Khoản 11, Điều 5).
Xử phạt hơn 17 tỷ đồng các vi phạm luật giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết
Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 16.758 trường hợp vi phạm; phạt tiền 17 tỷ 113 triệu đồng; tạm giữ 101 xe ô tô, 4.642 xe mô tô; tước 1.930 giấy phép lái xe các loại.đã xử phạt hàng nghìn trường hợp vi phạm luật giao thông, phạt tiền hơn 17 tỷ đồng.
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ 10/2 đến 16/2), toàn quốc xảy ra 182 vụ, làm 109 người chết, 123 người bị thương. So cùng kỳ giảm 16 vụ (-8,08%), giảm 24 người chết (-18,05%), giảm 51 người bị thương (29,31%).
Trong đó, tuyến đường bộ xảy ra 179 vụ, làm 106 người chết, 123 người bị thương. Tuyến đường sắt xảy ra 1 vụ, làm 1 người chết . Tuyến đường thủy xảy ra 2 vụ, làm 2 người chết. Toàn quốc đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tại Gia Lai và Bình Định, làm 7 người chết, 3 người bị thương.