Nỗ lực để có vaccine phòng dịch COVID-19 ngay trong tháng 2
Chiều 15/2 (tức mồng 4 Tết Tân Sửu), trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, dịch COVID-19 đợt 3 diễn biến nhanh, trong hời gian ngắn nhưng với sự chủ động của ngành y tế và các địa phương đã triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp cần thiết phòng, chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm nhất quán thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ mạnh mẽ hơn trên tinh thần khoanh vùng nhanh, xét nghiệm diện rộng, nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc. Ưu tiên kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn có nhiều nguy cơ như Hải Dương, thành phố Hà Nội.
Thủ tướng đồng ý dừng các lễ hội, hoạt động tập trung đông người, xem xét việc đi học trở lại cụ thể tại các địa phương theo các hình thức học trực tuyến. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương thực hiện chủ trương này. Hạn chế đi chúc Tết, du Xuân trong tháng Giêng.
Đặc biệt thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người; thực hiện nghiêm yêu cầu phòng, chống dịch tại các nhà máy, công sở, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Các nhà máy, cơ sở phải có phương án phòng, chống dịch trước khi bắt đầu sản xuất, kinh doanh trở lại. Các địa phương, ngành y tế tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm; thúc đẩy các hoạt động trực tuyến.
Thủ tướng đồng ý thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong toàn bộ tỉnh Hải Dương để ngăn chặn các ổ dịch. Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội có thể giãn cách một số khu vực có khả năng lây nhiễm cao, thậm chí trong một số khu phố có liên quan.
Thủ tướng yêu cầu khai báo y tế, siết chặt khai báo tại các cơ sở lưu trú; cần hoàn thiện quy trình chuẩn xử lý các ca nghi mắc. Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các biện pháp chống dịch trong tình hình mới trong bối cảnh thế giới đang có mỗi ngày từ 5 - 10 triệu người được tiêm vaccine.
Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo nhập khẩu vaccine, sớm đưa vaccine về Việt Nam; thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, sử dụng vaccine trong nước.
“Nhập khẩu vaccine phòng, chống COVID-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ”, Thủ tướng nói và yêu cầu trong tháng 2 phải có vaccine từ nguồn của các tổ chức Liên Hợp quốc và nguồn mua; đồng thời đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Ngày 15/2, thêm 40 ca mắc COVID-19 mới tại Hà Nội và Hải Dương
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Tính đến 18 giờ ngày 15/2, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.370 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 677 ca.
Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 15/2, nước ta ghi nhận thêm 40 ca mắc mới COVID-19 (bệnh nhân 2.230 đến 2.269), đều là ca bệnh trong nước, trong đó có hai ca tại Hà Nội và 38 ca ở Hải Dương.
Cụ thể, hai ca bệnh tại Hà Nội đều là F1 của bệnh nhân 2.229. Hiện cả hai được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở Đông Anh. 38 ca bệnh tại Hải Dương đều là F1 đã được cách ly trước đó, chủ yếu liên quan ổ dịch tại huyện Chí Linh.
Đến thời điểm này, nước ta còn 154.992 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó 667 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 16.794 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 137.531 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 15/2 có 7 trường hợp được công bố khỏi bệnh ( bệnh nhân 1.554; 1.557; 1.558; 1.703; 1.704; 1.884 và 1.850). Như vậy, đến thời điểm này, 1.541 trường hợp mắc COVID-19 ở nước ta được điều trị khỏi. Trong số các ca đang điều trị trong các cơ sở y tế, 43 trường hợp đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; có 31 trường hợp âm tính lần 2 và 20 trường hợp âm tính lần 3.
Học sinh Hà Nội không đến trường đến hết ngày 28/2
UBND TP Hà Nội đã đồng ý với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc cho học sinh từ mầm non đến THPT Thủ đô được không đến trường cho đến ngày 28/2 và triển khai học online.
Thông tin trên được Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID- 19, chiều 15/2.
Theo đó, trong thời gian học sinh ở nhà để phòng, chống dịch COVID-19, các trường tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tiếp tục tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến qua Internet theo hướng dẫn của sở.
Các trường mầm non thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 401/SGD ĐT- GDMN ngày 4/2/2021 của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, phòng chống dịch COVID-19; chủ động phối hợp với phụ huynh trong công tác quản lý học sinh và theo dõi sức khỏe đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Chuỗi lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được kiểm soát tốt
Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 do có ổ dịch trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh là rất thấp và chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được kiểm soát tốt.
Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 chiều 15/2.
Lý giải về nguồn lây ở ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất, GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguồn lây xuất phát đầu tiên trong khoảng thời gian 16-17/1 với giả thuyết lớn nhất là xuất phát từ sân bay, trên các chuyến bay vận chuyển hàng hóa (không chở hành khách và các nhân viên trong tổ bay không xuống mặt đất, chỉ ở trên máy bay nên không thực hiện các công tác cách ly, xét nghiệm).
“Dựa trên kết quả phân tích dịch tễ của biến thể A.23.1 trên thế giới thì trong số các chuyến bay đến, trong khoảng thời gian nêu trên có các chuyến bay từ khu vực Arab có khả năng là nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài vào và đội bốc xếp đã bị lây nhiễm trong quá trình công tác. Nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh từ bên ngoài vào sân bay là không thể loại trừ, tuy nhiên giả định này thấp hơn”, GS. TS Phan Trọng Lân nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ mùng 2 Tết đến nay, TP Hồ Chí Minh không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới và sau khi rà soát xét nghiệm COVID-19 trong các nhóm dân cư nguy cơ cao, nhận định của Bộ Y tế là nguy cơ lây nhiễm do có ổ dịch COVID-19 trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh là rất thấp; đồng thời chuỗi lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, do có lượng người đi lại lớn nên TP Hồ Chí Minh vẫn phải nên thực hiện giãn cách tại một số khu vực có ca bệnh.
Khống chế 8 thanh niên đi đường mòn trốn qua chốt kiểm dịch tại Quảng Ninh
Theo Công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), vào khoảng 19 giờ 30 phút, ngày 13/2, tại khu vực chốt kiểm soát dịch COVID-19 cầu Đá Vách, lực lượng làm nhiệm vụ đã truy đuổi và khống chế 8 thanh niên (4 nam, 4 nữ) điều khiển xe mô tô đi đường mòn trốn qua chốt kiểm dịch, không thực hiện khai báo y tế.
Nhóm thanh niên trên có hộ khẩu thường trú ở thị xã Kinh Môn và huyện Kim Thành (Hải Dương) đang ở Quảng Ninh, nhưng do có nhu cầu về nhà tại Hải Dương đã cố ý xâm nhập trái phép ra vào vùng dịch, vi phạm nghiêm trọng các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Hiện cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.