Hà Nội đề xuất giãn cách các cửa hàng dịch vụ tại di tích đền, chùa
Nhận định nguy cơ về dịch COVID-19 vẫn ở mức cao, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Hà Nội yêu cầu tất cả các đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như tuân thủ đeo khẩu trang, không tập trung đông người, khám sàng lọc tại bệnh viện, khai báo y tế, không tổ chức lễ hội đầu Xuân…
Báo cáo tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội chiều 13/2, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Hà Nội hiện có trên 5.000 di tích, trong đêm giao thừa, các cơ sở này đều có du khách đến hành lễ. Qua kiểm tra của Sở, các di tích đã tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, biển khuyến cáo người dân.
Tại phủ Tây Hồ đã thực hiện việc phân luồng giao thông từ xa, giảm bớt số lượng du khách đến hành lễ và vui xuân cùng một lúc. Trong ngày mùng 1 Tết, phủ Tây Hồ đã cho tạm dừng, đóng cửa di tích nhiều lần (mỗi lần 30 phút) để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
"Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong 2 ngày Tết đã đón hơn 11.000 lượt khách, tại Đền Ngọc Sơn đón gần 2 vạn du khách, còn tại Nhà tù Hỏa Lò thì lượng du khách ít hơn. Mỗi nơi đều ứng trực tối đa lực lượng, có nhân viên nhắc nhở người dân giãn cách, đeo khẩu trang", bà Vân Anh cho hay.
Bà Vân Anh đề nghị giãn cách hàng quán xung quanh các di tích, tránh việc mời chào, chèo kéo mua bán. Ngoài ra cũng cần có loa phát thanh trực quan tại các di tích, đồng thời công khai danh tính người vi phạm.
Học sinh, giáo viên Trường Tiểu học Xuân Phương sẽ được về nhà ngày mùng 3 Tết
Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) dự kiến trong ngày 14/2 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán Tân Sửu) sẽ đưa toàn bộ học sinh, phụ huynh và giáo viên của Trường Tiểu học Xuân Phương về địa phương thực hiện cách ly tại nhà theo quy định.
Chiều 13/2 (tức mùng 2 Tết Nguyên đán Tân Sửu), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội lần thứ 89 với các quận, huyện.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Huy Cường, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, hiện tại, tổng số ca mắc của địa phương là 13 trường hợp. Sau khi truy vết, quận có 145 trường hợp F1, toàn bộ âm tính. Sau ca mắc bệnh gần nhất ngày 9/2, đến nay quận chưa có thêm ca mắc mới.
Tại khu cách ly Trường Tiểu học Xuân Phương trước đó đã cách ly 137 người. Đến ngày 10/2 đã có 15 học sinh, 13 phụ huynh hoàn thành xong công tác cách ly sau khi xét nghiệm đủ 3 lần. Những người này đã được chuyển về nhà cách ly theo quy định. Với những trường hợp còn lại (109 ca) đã lấy mẫu xét nghiệm ngày 12/2 (mùng 1 Tết) và cho kết quả âm tính.
Dự kiến tối 13/2, quận Nam Từ Liêm sẽ làm công tác chuẩn bị để ngày 14/2 đưa toàn bộ những trường hợp này về địa phương thực hiện cách ly tại nhà theo quy định.
Chiều mùng 2 Tết, Việt Nam ghi nhận thêm 53 ca mắc mới COVID-19
Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 13/2, Việt Nam ghi nhận 53 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 4 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 49 ca ghi nhận trong nước.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 13/2, Việt Nam có tổng cộng 1297 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 604 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là129.098 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 762 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 19.476 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 108.860 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 60 ca.
Để phòng dịch COVID-19 lây lan trong thời điểm người dân về quê đón Tết, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người cần thực tốt các biện pháp phòng dịch COVID-19 để tránh lây lan trong cộng đồng.
Xử lý 258 lái xe vi phạm nồng độ cồn trong ngày mùng 2 Tết
Ngày 13/2, thời tiết nắng ấm, nhân dân đi lại, chúc Tết, vui xuân nhiều, trên nhiều tuyến đường, nhất là ở các đô thị lớn lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông tăng. Toàn quốc xảy ra 21 vụ tai nạn, làm chết 12 người, bị thương 14 người, trong đó đường sắt và đường thủy không xảy ra vụ nào.
Đặc biệt, tình hình trật tự an toàn giao thông tại một số địa điểm còn diễn biến phức tạp, phương tiện tham gia giao thông đông, nhất là tại các điểm đền, chùa, do người dân đi lễ đầu năm. Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên một số tuyến cao tốc có tăng nhẹ so với ngày mùng 1 Tết.
Cụ thể: Trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương có trên 34.000 lượt phương tiện, tăng 1.000 lượt phương tiện; tuyến Nội Bài-Lào Cai có 17.821 lượt phương tiện, tăng 507 lượt phương tiện; tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình có 32.172 lượt phương tiện, tăng 1.500 lượt.
Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác phân luồng, hướng dẫn chỉ huy điều khiển giao thông, nhất là tại các của ngõ vào trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo để người dân chủ động thay đổi lộ trình di chuyển, tránh ùn tắc giao thông xảy ra.
Trong ngày 13/2/, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý 1.981 trường hợp vi phạm; tạm giữ 15 xe ô tô, 620 xe mô tô; tước 287 GPLX, trong đó, vi phạm nồng độ cồn xử lý 258 trường hợp.