Việt Nam thêm 7 ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 13/3, Việt Nam ghi nhận 7 ca mắc mới COVID-19 trong 12 giờ qua, đều là ca nhập cảnh.
Tính đến 18 giờ ngày 13/4, Việt Nam có tổng cộng 1.570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 36.234 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 519 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 120.409 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 15.306 người.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 52 ca.
Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Sai sót trong việc không chỉ đạo dừng hợp đồng
Ngày 13/4, phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) tiếp tục với phần xét hỏi.
Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát, các luật sư đã đặt câu hỏi nhằm làm rõ trách nhiệm của các bị cáo trong vụ án, trong đó tập trung làm rõ sai sót của từng bị cáo trong việc không chỉ đạo dừng hợp đồng khi đối tác vi phạm thỏa thuận.
Trả lời tại tòa, bị cáo Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNS) cho biết, khi nhà thầu MCC (Tập đoàn luyện kim Trung Quốc) vi phạm hợp đồng, bị cáo đã không chỉ đạo dừng hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, bởi thời điểm đó, không ai có ý kiến đề xuất dừng hợp đồng. Mặt khác, cấp dưới lại có đề xuất tìm cơ chế đặc thù để giải quyết dự án theo hướng tốt nhất, nhanh nhất.
Bị cáo Trần Trọng Mừng cũng cho biết, trong giai đoạn từ 2007 - 2009 bị cáo tham gia dự án, tất cả mọi chủ trương bị cáo đều xin ý kiến của các cấp lãnh đạo và thực hiện theo chỉ đạo từ cấp trên. Trong việc giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C thuộc hợp đồng EPC số 01#, bị cáo Mừng thừa nhận có trách nhiệm khi không thẩm định, điều tra mà tin vào sự giới thiệu của cấp trên và báo cáo của cấp dưới khi nói rằng đã khảo sát xong.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, khi MCC vi phạm hợp đồng, bị cáo Trần Trọng Mừng đã không xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại theo quy định, để đảm bảo hiệu quả và tiến độ của dự án mà lại chỉ đạo đàm phán với MCC để tách phần C ra khỏi Hợp đồng EPC số 01#, TISCO tổ chức thực hiện và chịu rủi ro; ký các văn bản báo cáo VNS và Bộ Công Thương đề nghị báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh giá đối với phần C của hợp đồng; giới thiệu và chấp thuận VINAINCON không đủ năng lực làm nhà thầu phụ thực hiện phần C theo đơn giá...
Phân tích động cơ, mục đích của các bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đã đặt câu hỏi với các bị cáo Trần Trọng Mừng, Đồng Quang Dương (nguyên Phó giám đốc kiêm Thư ký dự án) và Đặng Thúc Kháng (nguyên Trưởng Ban kiểm soát VNS). Các bị cáo khi trả lời câu hỏi của luật sư Thiệp đều cho rằng, toàn bộ hành vi đã thực hiện trong vụ án đều có mục đích quyết tâm thực hiện bằng được dự án, tháo gỡ khó khăn và giải quyết việc làm cho người lao động của TISCO. Các bị cáo không có hiểu biết rằng các việc làm đó sẽ vi phạm pháp luật tại thời điểm thực hiện.
Bắt tạm giam Phó Chủ tịch thường trực HĐND thị xã Nghi Sơn
Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hồ Đình Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân thị xã Nghi Sơn (nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn nhiệm kỳ 2015-2020).
Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hồ Đình Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân thị xã Nghi Sơn (nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn nhiệm kỳ 2015-2020), sinh năm 1964, ở tổ dân phố Hồ Thịnh, phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Quyết định bắt giữ đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Căn cứ trên những tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 đối tượng liên quan gồm: Lê Xuân Hoàng, Nguyễn Quốc Hưng, Lê Trần Sính, Lê Trần Tiến Đạt, Phạm Văn Ân và Lê Doãn Tài về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Vụ việc đang được Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 cho 228 trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố, trong đó có 126 trường công lập và 102 trường ngoài công lập.
Về chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trường Trung học phổ thông công lập và trường Trung học phổ thông công lập tự chủ, một số trường công lập không có lớp chuyên có chỉ tiêu tuyển sinh cao là các trường Trung học phổ thông: Việt Đức 765 chỉ tiêu; Trần Phú – Hoàn Kiếm, Lê Quý Đôn – Đống Đa, Yên Hòa, Cầu Giấy, Trương Định, Việt Nam – Ba Lan, Thạch Bàn, Phúc Lợi, Đại Mỗ mỗi trường 720 chỉ tiêu.
Tiếp theo là các trường có 675 chỉ tiêu, gồm: Phạm Hồng Thái, Tây Hồ, Thăng Long, Trần Nhân Tông, Đoàn Kết – Hai Bà Trưng, Đống Đa, Kim Liên, Quang Trung – Đống Đa, Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân, Hoàng Văn Thụ, Đông Mỹ, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát – Gia Lâm, Đa Phúc, Bắc Thăng Long, Cổ Loa, Liên Hà, Nguyễn Thị Minh Khai, Xuân Phương, Đan Phượng, Ngọc Tảo, Thạch Thất, Quốc Oai, Lê Quý Đôn – Hà Đông, Quang Trung – Hà Đông, Trần Hưng Đạo – Hà Đông, Chúc Động, Chương Mỹ A, Chương Mỹ B, Xuân Mai.
Các trường Trung học phổ thông công lập không có lớp chuyên còn lại có chỉ tiêu tuyển sinh từ 280 đến 630. Riêng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú có chỉ tiêu tuyển sinh là 140 học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng giao chỉ tiêu cụ thể đối với các trường Trung học phổ thông công lập có lớp chuyên. Cụ thể, Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam 655 chỉ tiêu, trong đó hệ chuyên gồm 16 lớp cho 12 môn chuyên với 560 chỉ tiêu; 45 chỉ tiêu cho 1 lớp Pháp song ngữ hệ không chuyên; 50 chỉ tiêu cho hệ song bằng tú tài. Trường Trung học phổ thông Chu Văn An 715 chỉ tiêu, trong đó hệ chuyên 10 lớp cho 10 môn chuyên với 350 chỉ tiêu; 315 chỉ tiêu cho hệ không chuyên và 50 chỉ tiêu cho hệ song bằng tú tài. Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ 525 chỉ tiêu gồm 15 lớp cho 11 môn chuyên. Trường Trung học phổ thông Sơn Tây 585 chỉ tiêu, trong đó hệ chuyên gồm 315 chỉ tiêu cho 9 lớp chuyên và 270 chỉ tiêu cho hệ không chuyên.
Chỉ tiêu tuyển sinh của 9 trường Trung học phổ thông công lập tự chủ như sau: hai trường Phan Huy Chú - Đống Đa và Lê Lợi mỗi trường 350 chỉ tiêu; Hoàng Cầu là 540 chỉ tiêu; Tiểu học, THCS&THPT Thực nghiệm 160 chỉ tiêu; ba trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Khoa học giáo dục, Lâm nghiệp (mỗi trường 450 chỉ tiêu); hai trường Phổ thông năng khiếu Thể dục Thể thao và THCS&THPT Trần Quốc Tuấn (mỗi trường 270 chỉ tiêu).
Về chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trường Trung học phổ thông ngoài công lập, trong số 102 trường, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất là 720 cho 2 cơ sở. Tiếp theo là các trường Trung học phổ thông FPT, THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy mỗi trường 675 chỉ tiêu.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2021-2022 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 10 và 11/6 với 4 môn thi, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử. Học sinh có thể tự chọn để đăng ký ngoại ngữ thi là một trong 5 môn ngoại ngữ sau: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Hàn.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng quy định rõ một số trường hợp không bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng theo quy định về khu vực tuyển sinh. Cụ thể, học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên tại các trường Trung học phổ thông chuyên, các trường Trung học phổ thông có lớp chuyên; học sinh đăng ký dự tuyển vào các trường Trung học phổ thông công lập tự chủ tài chính và trường Trung học phổ thông ngoài công lập; học sinh đăng ký dự tuyển học chương trình tiếng Pháp hoặc chương trình tiếng Pháp tăng cường...
Những học sinh thuộc vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì được phép đổi khu vực tuyển sinh với điều kiện: Nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải đăng ký dự tuyển vào 2 trường Trung học phổ thông công lập trong khu vực tuyển sinh đã thay đổi, nguyện vọng còn lại (nếu có) thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh có nguyện vọng đổi khu vực tuyển sinh thì làm đơn (theo mẫu), trong đơn nêu rõ lý do đổi và được hiệu trưởng nhà trường xác nhận.