Ban Bí thư Trung ương Đảng hiện có 11 đồng chí
Ngày 9/4/2021, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thảo luận về một số tình hình và kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác quý I/2021 và một số nhiệm vụ trọng tâm sắp tới. Bộ Chính trị đã thống nhất phân công 4 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, gồm: Đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
Như vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII có các đồng chí do Ban Chấp hành Trung ương bầu và các đồng chí do Bộ Chính trị phân công tham gia, gồm 11 đồng chí: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 8/4, đồng chí Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội đã trình bày dự thảo Nghị quyết phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Theo đó, có 444 đại biểu có mặt (bằng 92,50%) tham gia bỏ phiếu tán thành bầu đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ là Phó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Các đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Hội đồng quốc phòng và an ninh Việt Nam, có nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch nước trong việc điều hành nhà nước, hoạch định các chính sách đối nội, đối ngoại, quân sự trong lĩnh vực an ninh, duy trì ổn định trật tự chính trị-xã hội, bảo vệ quyền lợi và tự do của nhân dân; động viên mọi lực lượng và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc. Hội đồng gồm một Chủ tịch, một Phó Chủ tịch, và các ủy viên.
Cùng ngày 8/4, tại Trụ sở Chính phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ bàn giao công việc của Thủ tướng Chính phủ và công bố Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trân trọng trao Quyết định bổ nhiệm, tặng hoa chúc mừng các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ và Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng trân trọng trao Quyết định bổ nhiệm, tặng hoa chúc mừng 12 Bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ vừa được Quốc hội phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Việt Nam có tổng cộng 1.570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước
Từ 6giờ đến 18 giờ ngày 11/4, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19, là ca nhập cảnh tại Kiên Giang.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 11/4, Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 37.938 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 523 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 21.705 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 15.710 người. Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 50 ca.
Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Triệu tập đại diện nhiều bộ, ngành liên quan
Theo kế hoạch, ngày 12/4, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (viết tắt là TISCO).
Đây là vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 10 ngày, xét xử vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật.
19 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án, trong đó 14 bị cáo gồm: Trần Trọng Mừng (sinh năm 1949, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên - TISCO), Mai Văn Tinh (sinh năm 1952, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNS), Trần Văn Khâm (sinh năm 1961, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc TISCO), Đậu Văn Hùng (sinh năm 1951, nguyên Tổng Giám đốc VNS), Đặng Thúc Kháng (sinh năm 1959, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát VNS), Nguyễn Trọng Khôi (sinh năm 1957, nguyên Phó Tổng Giám đốc VNS), Ngô Sỹ Hán (sinh năm 1950, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Quản lý Dự án mở rộng sản suất giai đoạn 2 TISCO), Đặng Văn Tập (sinh năm 1952, nguyên Phó Giám đốc thường trực Ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO), Đồng Quang Dương (sinh năm 1960, nguyên Phó Giám đốc kiêm Thư ký Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO), Trịnh Khôi Nguyên (sinh năm 1963, nguyên Trưởng Phòng Đầu tư phát triển VNS), Nguyễn Văn Tráng (sinh năm 1958, nguyên Ủy viên Ban kiểm soát VNS), Đỗ Xuân Hòa (sinh năm 1954, nguyên Kế toán trưởng TISCO), Uông Sỹ Bính (sinh năm 1953, nguyên Phó Trưởng Phòng Kế toán Thống kê Tài chính TISCO), Lê Thị Tuyết Lan (sinh năm 1963, nguyên Phó Trưởng Phòng Kế toán Thống kê Tài chính TISCO) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 360, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong vụ án này, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được triệu tập với tư cách là nguyên đơn dân sự, Công ty thép Việt Nam (VNS) là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Hiện có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS). Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Căn cứ kết quả đấu thầu, ngày 12/7/2007, Trần Trọng Mừng, Tổng Giám đốc TISCO cùng ông Shen He Ting (Thẩm Hạc Đình), Tổng Giám đốc MCC ký Hợp đồng số 01#EPC/TISCO-MCC (viết tắt là Hợp đồng EPC số 01#). Giá trị hợp đồng EPC số 01# là hơn 160 triệu USD (tương đương hơn 3.500 tỷ đồng), là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức Tổng thầu EPC.
Xét xử sơ thẩm Trịnh Sướng và 38 đồng phạm
Ngày 8/4, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” (xăng giả) lớn nhất từ trước đến nay.
Đây là vụ án lớn, liên quan đến nhiều đối tượng ở 11 tỉnh, thành phố với 39 bị cáo và được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Các bị cáo trong vụ án này bị truy tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo các điểm a, b, khoản 3 và điểm đ, khoản 2, Điều 192, Bộ luật Hình sự năm 2015. Số lượng xăng bị làm giả và bán ra thị trường lên đến hàng trăm triệu lít, trị giá nhiều nghìn tỷ đồng. Các bị cáo đã thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Trong số 39 bị cáo, có 15 bị cáo thu lợi trái pháp luật từ 27,6 triệu đồng đến hơn 102 tỷ đồng. Bị cáo Trịnh Sướng (53 tuổi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ Hưng, tỉnh Sóc Trăng) là người trục lợi nhiều nhất sau khi sản xuất và bán ra thị trường hơn 133 triệu lít xăng giả.
Sàn thương mại điện tử Fado.vn ngừng kinh doanh H&M vô thời hạn
Ngày 7/4, sàn thương mại điện tử Fado.vn đã chính thức thông báo ngừng kinh doanh vô thời hạn các sản phẩm thương hiệu H&M. Đồng thời, Fado.vn cũng trở thành sàn thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam ngừng kinh doanh sản phẩm thương hiệu H&M do liên quan đến bản đồ hình lưỡi bò trên trang website của hãng này.
Cụ thể, ông Đạt Phạm, CEO của Công ty cổ phần Fado Việt Nam cho biết, từ 0 giờ ngày 7/4/2021, trên sàn thương mại điện tử Fado.vn sẽ ngưng kinh doanh tất cả sản phẩm H&M từ các quốc gia khác. Đội ngũ Fado.vn là người Việt Nam, nên không hợp tác với thương hiệu không tôn trọng chủ quyền Việt Nam. Hiện tại, Fado.vn được đánh giá là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, nơi mua sắm hàng tỷ sản phẩm đa quốc gia tại Việt Nam.
'Hố tử thần" ở xã Quảng Bị có thể do tình trạng khoan giếng tự phát
Hố "tử thần" xuất hiện khi một người dân khoan giếng, khiến cả hệ thống giàn khoan và 1 cây xanh sụp đổ hoàn toàn, đã khiến người dân xã xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vô cùng lo lắng.
Theo người dân tại địa phương chia sẻ, nguyên nhân dẫn tới sụt lún và xuất hiện "hố tử thần" có thể do tình trạng người dân thi nhau khoan giếng lấy nước sinh hoạt; có những nhà khoan tới 2-3 giếng, dẫn tới lòng đất bị rỗng.
Hiện các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, khoanh vùng, sơ tán người dân; tuy nhiên người dân vẫn rất lo lắng về sự an toàn của khu vực và mong muốn sớm có nguồn nước sạch ổn định để không phải khoan, đào giếng; vừa tiềm ẩn nguy cơ sụt lún nguy hiểm, vừa không đảm bảo chất lượng của nước sinh hoạt.