Tin nổi bật ngày 8/4

Ngày 8/4, dư luận quan tâm tới một số sự kiện nổi bật như: Bế mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV với việc sắp xếp, kiện toàn nhân sự sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Việt Nam có 9 ca mắc mới COVID-19, được cách ly ngay khi nhập cảnh; Xét xử sơ thẩm Trịnh Sướng và 38 đồng phạm; Xử lý đối tượng đăng tin sai sự thật về việc làm Căn cước công dân...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao quyết định phân công Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Trưởng ban Dân vận Trung ương

Ngày 8/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tổ chức Lễ công bố quyết định phân công Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao Quyết định cho đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao Quyết định số 45-QĐNS/TW ngày 5/4/2021 của Bộ Chính trị phân công đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương; trao Quyết định số 39-QĐNS/TW ngày 5/4/2021 của Bộ Chính trị phân công đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng giữ chức Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Bế mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Chiều 8/4, sau 12 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công rất tốt đẹp.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Quốc hội đã tổng kết sâu sắc, toàn diện công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, xem xét, quyết định công tác nhân sự và một số nội dung quan trọng khác”.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận, đánh giá các báo cáo công tác của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.

Quốc hội thống nhất đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù có nhiều khó khăn và biến động phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã cố gắng phấn đấu cao độ, phối hợp đồng bộ và chặt chẽ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, tạo nên những thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Quốc hội đã phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong hoạt động, chỉ rõ nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu của từng cơ quan. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2016-2021; trong đó, đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực để các cơ quan nghiên cứu, tập trung triển khai thực hiện có chất lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới…

Thực hiện chủ trương sắp xếp, kiện toàn nhân sự sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số chức danh trong bộ máy nhà nước, đảm bảo dân chủ, đúng quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận rất cao. Trước Quốc kỳ, Quốc hội và cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Hiến pháp, nguyện nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Chiều 8/4, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời các câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước các diễn biến gần đây trên Biển Đông và các vấn đề liên quan, trong đó có việc nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại Bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, trên các vùng biển Việt Nam phù hợp với các quy định, luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Người Phát ngôn cũng nêu rõ: "Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, trong khu vực và của cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, kiên trì, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên.

Việt Nam kêu gọi các nước đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông; thiện trí thực hiện luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên khu vực Biển Đông".

Trước việc một số nhãn hàng nước ngoài sử dụng bản đồ có đường chín đoạn phi pháp trên website bản tiếng Trung, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như thực tế vấn đề Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông".

Chiều 8/4, Việt Nam có 9 ca mắc mới COVID-19, được cách ly ngay khi nhập cảnh

Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 8/4, Việt Nam có thêm 9 ca mắc mới COVID-19, đây đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

9 ca mắc mới (BN2660 - 2668) được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Hưng Yên (1 ca), Quảng Nam (2 ca), Đà Nẵng (2 ca), Bắc Giang (1 ca), TP Hồ Chí Minh (3 ca).

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 8/4, Việt Nam có tổng cộng 1.603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 36.971; trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 516 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 20.830 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 15.625 người.

Xét xử sơ thẩm Trịnh Sướng và 38 đồng phạm

Ngày 8/4, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” (xăng giả) lớn nhất từ trước đến nay.

Chú thích ảnh
Bị cáo Trịnh Sướng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm sáng 8/4. 

Đây là vụ án lớn, liên quan đến nhiều đối tượng ở 11 tỉnh, thành phố với 39 bị cáo và được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Các bị cáo trong vụ án này bị truy tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo các điểm a, b, khoản 3 và điểm đ, khoản 2, Điều 192, Bộ luật Hình sự năm 2015. Số lượng xăng bị làm giả và bán ra thị trường lên đến hàng trăm triệu lít, trị giá nhiều nghìn tỷ đồng. Các bị cáo đã thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Trong số 39 bị cáo, có 15 bị cáo thu lợi trái pháp luật từ 27,6 triệu đồng đến hơn 102 tỷ đồng. Bị cáo Trịnh Sướng (53 tuổi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ Hưng, tỉnh Sóc Trăng) là người trục lợi nhiều nhất sau khi sản xuất và bán ra thị trường hơn 133 triệu lít xăng giả.

Tại phiên tòa, trong số 39 bị cáo chỉ 37 bị cáo có mặt, 2 bị cáo còn lại có đơn xin xét xử vắng mặt. Dự kiến, phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra từ ngày 8/4 đến ngày 28 - 29/4. Hội đồng xét xử chia các bị cáo thành 4 nhóm và xét hỏi theo phương pháp “cuốn chiếu’’ từng nhóm. Trong ngày 8/4, Hội đồng xét xử mới hoàn thành xong phần thủ tục phiên tòa và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông công bố cáo trạng.

Theo cáo trạng, sau thời dài gian theo dõi, thu thập bằng chứng, ngày 22/1/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, bắt quả tang 2 nhóm đối tượng có hành vi bán dung môi công nghiệp cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu tại tỉnh Đắk Nông để pha trộn với xăng nhằm bán ra thị trường, thu lợi bất chính. Đường dây này do Hồ Thị Nhẫn và Nguyễn Văn Hướng điều hành.

Kết quả điều tra xác định, nguồn gốc dung môi của Hồ Thị Nhẫn mua của vợ chồng Nguyễn Thị Kim Loan và Hoàng Thụy Minh Việt (trú tại tỉnh Đồng Nai). Các đối tượng Hướng, Loan và Việt mua dung môi của Công ty Phạm Sơn do bà Nguyễn Thị Thu Hòa (thành phố Cần Thơ) điều hành.

Ngày 28, 29 và 30/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bắt quả tang, khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan và Trịnh Sướng... khi đang thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, hai tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.

Xử lý đối tượng đăng tin sai sự thật về việc làm Căn cước công dân

Ngày 8/4, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với 1 trường hợp đăng tin sai sự thật về việc làm căn cước công dân nhanh, số đẹp trên mạng xã hội Facebook để câu like.

Trường hợp bị phạt là chị Đ.T.T.D (31 tuổi) trú phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Trước đó, ngày 25/3, D đã sử dụng trang Facebook cá nhân của mình rồi đăng tải bài viết với nội dung “Hôm rồi ai hỏi mình làm nhanh CCCD với lựa số đẹp BMT – Đắk Nông đâu hè. Inbox em mần cho. Giá yêu thương”.

Sau khi bài viết được đăng tải, rất nhiều người đã vào like và bình luận. Phát hiện sự việc trên, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ và mời chị D lên làm việc.

Tại đây, chị D khai nhận, bản thân không có mối quan hệ và khả năng tác động để làm căn cước công dân nhanh, số đẹp. Hiện chị D đang bán hàng online trên trang Facebook cá nhân nên đã đăng tải bài viết trên nhằm mục đích câu like, thu hút người sử dụng mạng xã hội biết, để theo dõi trang Facebook của mình.

Sau khi làm việc với Công an, chị D đã nhận ra việc làm của mình là sai trái nên đã gỡ bỏ bài viết… Với hành vi trên, chị D đã bị Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông được quy định tại Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020 của Chính phủ.

XC/Báo Tin tức
Tin xấu độc bủa vây trẻ em trên không gian mạng - Bài cuối: Triệt vòi bạch tuộc
Tin xấu độc bủa vây trẻ em trên không gian mạng - Bài cuối: Triệt vòi bạch tuộc

Trong thời gian qua, việc xử lý vi phạm liên quan đến thông tin xấu độc đã gia tăng đáng kể, nhất là dịp dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng lần thứ 3 vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, để giải quyết vấn nạn này cần sự giải quyết đồng bộ hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN