Tin nổi bật ngày 1/2

Những thông tin thời sự nổi bật ngày 1/2 được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm gồm: Bế mạc Đại hội XIII của Đảng, kỳ vọng sự đổi mới và bứt phá cho đất nước; người dân chủ động cung cấp thông tin khi phát hiện trường hợp nguy cơ mắc COVID-19; Việt Nam có thêm 31 ca mắc mới COVID-19; phạt 100 triệu đồng đối với 4 trường hợp trốn qua chốt kiểm soát dịch; Công an Hà Nội khuyến cáo người dân không truy cập vào trang điện tử giả mạo; 16 địa phương cho học sinh nghỉ học vì dịch.

Đại hội XIII của Đảng: Niềm tin, kỳ vọng của người dân Thủ đô

Ngày 1/2, Đại hội XIII của Đảng đã bế mạc sau 8 ngày làm việc nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả. Người dân Hà Nội tràn ngập niềm vui, phấn khởi trước thành công của Đại hội; gửi trọn niềm tin, sự kỳ vọng vào những mục tiêu, đường lối được đề ra tại Đại hội sẽ tạo sự đổi mới và bứt phá cho đất nước cũng như Thủ đô trong giai đoạn tới.

Chú thích ảnh
Đại hội nghe đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đọc Diễn văn bế mạc Đại hội. Ảnh: TTXVN.

Đại hội XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, đạt được mục tiêu đề ra, có đường lối chính xác phù hợp với thực tế hiện nay và xu thế phát triển của đất nước, thế giới, cùng với đội ngũ cán bộ đủ mạnh, đủ tâm, đủ tầm, có điều kiện thực thi đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước một cách hiệu quả. Tại Đại hội XIII, Đảng ta thể hiện được nguyện vọng, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân để đất nước phát triển.

"Cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt, vừa qua mới là hạn chế, ngăn ngừa được một bước". Nhận định này được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu lên tại buổi họp báo thông báo kết quả Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, đây là vấn đề lớn, đất nước nào cũng có, thời nào cũng có, chỉ có nhiều hay ít, rộng hay hẹp. Đây là bệnh của những người có quyền, có chức, lại nắm trong tay tiền của thì rất dễ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Cuộc phát động chống tham nhũng, tiêu cực được bắt đầu từ năm 2013, khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2013 đến nay, đã xử rất nhiều vụ, nhiều Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị bị đi tù, thu hồi tài sản lên đến hàng triệu USD và nhiều tỷ đồng.

“Tôi nói là không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm. Có người trước đây lúc thấy tôi sức khỏe yếu là cũng lo chùng xuống, có tâm lý đó. Giờ sắp đến Đại hội rồi có làm không. Tôi nói là, mai Đại hội mà hôm nay đến ngày xét xử, vẫn đưa ra tòa xét xử”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói và dẫn chứng vừa qua, gần Đại hội vẫn xử nhiều vụ, đến cả Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Sát Đại hội vẫn còn khởi tố, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là không ngừng, không nghỉ, bất cứ lúc nào.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, làm không phải cốt là để trị ai, thù oán ai, mà hoàn toàn là nhân văn, nhân đạo. Nhắc lại câu nói của Bác Hồ, cưa một cành cây mọt, sâu, để cứu cả cái cây. Xử một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm, để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính, không phải cốt xử cho nhiều, xử cho nặng mới là nghiêm.

“Chưa bao giờ một khóa mấy ông Bộ Chính trị bị đi tù, bị cách chức, tịch thu lại bao nhiêu tài sản. Có người hối lộ, xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương định biếu xén, lấp liếm. Tôi nói tại Hội nghị toàn quốc rồi, đồng chí cán bộ kiểm tra mở ra xem đó là gì. Mở vali ra, thấy là tiền USD, yêu cầu khóa lại lập biên bản, anh ký vào đây, rồi anh xách vali về”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ về việc đấu tranh tham nhũng khó khăn, phức tạp, nếu không có bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính thì không làm được.

“Ai cũng thích của, thích tiền. Nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, chết cũng không mang tiền theo được”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định, đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt và gian nan. Vừa qua mới là hạn chế, ngăn ngừa được một bước. Còn quyền, còn chức, còn tiền, nếu con người ta không tu dưỡng rèn luyện sẽ còn xảy ra.

Về những trọng tâm công tác sắp tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Sắp tới nhiệm vụ còn lớn, nhiều, nặng nề, khó khăn và còn nhiều nguy cơ, nhiều diễn biến phức tạp chưa lường hết được. “Cảm ơn các bạn đã chúc mừng tôi, chúc mừng sức khỏe, đây là nhân tố rất quan trọng, nếu không nói là quyết định để làm việc. Các đồng chí biết rồi, tuổi tôi cũng cao rồi, tôi xin nghỉ rồi, nhưng Đại hội bầu, là đảng viên thì phải chấp hành, nên tôi sẽ cố gắng hết sức, còn làm được hay không thì phải là tập thể, phải đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, nhất trí”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ động cung cấp thông tin khi phát hiện trường hợp nguy cơ mắc COVID-19

Ngày 1/2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã nghe Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19 báo cáo về công tác truy vết, theo dấu các ca nhiễm trong thời gian qua.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, ngoài 100 tình nguyện viên làm việc trực tiếp tại Tổ, còn có hàng nghìn tình nguyện viên hỗ trợ trực tuyến nhằm xác minh ngay lập tức thông tin các trường hợp F1, F2, F3… trên tinh thần "quyết tâm không bỏ sót trường hợp nào". Do có số lượng lớn người từ ổ dịch ở Hải Dương di chuyển đến các địa phương khác, tiếp xúc với nhiều người nên công tác truy vết, theo dấu ca bệnh gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, nhiều người mắc COVID-19, đang cách ly tập trung hoặc thuộc diện F1, F2 ở Hải Dương đã chủ động sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, thông báo cho người quen, người tiếp xúc gần, qua đó, giúp công tác truy vết của Tổ Thông tin xác minh thông tin các trường hợp có nguy cơ trong thời gian nhanh nhất. "Nhiều người không lo mình bị nhiễm bệnh mà lo lây nhiễm cho người khác", Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ.

Tuy nhiên, không ít trường hợp mắc COVID-19 hay thuộc diện F1, F2 không chủ động khai báo thông tin, thậm chí, không hợp tác với cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Cá biệt có ca mắc, hàng trăm F1 đã không chủ động khai báo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân ở vùng có dịch, cụ thể là tại thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) và thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch, đồng thời sử dụng tối đa các công cụ truyền thông xã hội để cung cấp thông tin những người đã tiếp xúc cho Tổ Thông tin, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị mọi người dân chủ động khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện trường hợp nghi mắc COVID-19 để bảo vệ bản thân và sự an bình của đất nước.

Việt Nam có thêm 31 ca mắc mới COVID-19

Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 1/2, Việt Nam có 31 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về ca mắc mới, 30 ca lây lây nhiễm trong cộng đồng bao gồm tại Hải Dương (17 ca), Quảng Ninh (5 ca), Hà Nội (4 ca), Gia Lai (2 ca), Bắc Giang (1 ca), Bình Dương (1 ca). Ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 28/1, Việt Nam có tổng cộng 963 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 270 ca. Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 26.861 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 185 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 20.917 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 5.795 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19), ngày 1/2 có 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là các bệnh nhân BN1451, BN1525, BN1533. Trong số những bệnh nhân đang tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 8 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, có 5 người âm tính lần hai và 2 người âm tính lần ba.

Đà Nẵng, Phú Thọ dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các địa phương đã dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao để phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Đà Nẵng Lê Quang Á cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc quyết liệt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Ban Thường vụ Hội Nhà báo thành phố đã quyết định không tổ chức Hội báo Xuân Tân Sửu năm 2021; đồng thời, tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.

UBND huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) cũng quyết định dừng tổ chức các lễ hội, hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân năm 2021 trên địa bàn huyện. Cụ thể, tại Lễ hội Đền mẫu Âu Cơ năm 2021, toàn bộ phần hội sẽ dừng. Về phần lễ, huyện sẽ căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 và kịch bản trước đó để tổ chức cho phù hợp với thực tế và đảm bảo an toàn.

Phạt 100 triệu đồng đối với 4 trường hợp trốn qua chốt kiểm soát dịch COVID-19

Bốn thanh niên ở Đông Triều (Quảng Ninh) và Kinh Môn (Hải Dương) vừa bị xử phạt 100 triệu đồng vì hành vi cố tình trốn qua chốt kiểm soát dịch COVID-19.

Theo đó, vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 29/1, tại chốt kiểm soát liên ngành cầu Đá Vách thuộc địa phận phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), lực lượng Công an thị xã đã phát hiện, đưa bốn trường hợp có biểu hiện trốn kiểm tra tại chốt kiểm soát để đi sang thị xã Kinh Môn (Hải Dương), về trụ sở Công an phường Mạo Khê lập hồ sơ xử lý.

Bốn thanh niên gồm: Vũ Mạnh Hải (sinh năm 1994), Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1990) đều trú tại thị xã Đông Triều; Mai Ngọc Nam (sinh năm 1990), trú tại thành phố Uông Bí, Quảng Ninh và Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1992), trú tại thị xã Kinh Môn, Hải Dương. Tại cơ quan Công an, ba thanh niên Hải, Nam và Ngọc Anh khai nhận: Do muốn sang thị xã Kim Môn chơi nên sau khi dự sinh nhật bạn tại phường Yên Thọ, thị xã Đông Triều, tối 29/1, ba người cùng Nguyễn Thị Nga đi xe ô tô lưu thông hướng Yên Thọ sang Kinh Môn.

Do có lệnh giãn cách xã hội, biết không thể qua trạm, khi đến gần trạm kiểm soát dịch COVID-19 tại cầu Đá Vách, lúc này, Hải, Nam và Ngọc Anh đi bộ theo lối đường mòn lách qua chốt kiểm soát để lên cầu. Công an thị xã Đông Triều đã chỉ đạo các lực lượng thành lập nhiều tổ công tác tại chốt, trạm nhằm phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp trốn kiểm soát, kiên quyết để không lọt các trường hợp từ địa phương ngoài vào địa bàn.

Công an Hà Nội khuyến cáo người dân không truy cập vào trang điện tử giả mạo

Ngày 1/2, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an TP Hà Nội phát hiện trang điện tử giả mạo Cổng Thông tin điện tử của Công an TP Hà Nội có tên miền http://conganhanoivn.com.

Theo đó, Công an TP Hà Nội khuyến cáo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tuyệt đối không truy cập vào trang thông tin điện tử này. Khi người dùng truy cập vào trang thông tin điện tử giả mạo và click vào mục “Phần mềm giám sát an toàn” nằm ngay trên giao diện trang chủ thì thiết bị của người truy cập sẽ tự động tải về tệp tin gắn mã độc “vn84app.apk”. Đặc biệt, khi được cài đặt lên các thiết bị thông minh, các tập tin mã độc này sẽ nghe lén cuộc gọi, đánh cắp dữ liệu, danh bạ điện thoại, tin nhắn của người dùng, trong đó có cả tin nhắn thông báo số dư tài khoản ngân hàng, mã OTP đăng nhập Internet Banking.

Sau đó, các thông tin thu thập sẽ được gửi đến máy chủ điều khiển ở nước ngoài. Vì vậy, trong trường hợp, người dân đã tải tệp tin “vn84app.apk” (Phần mềm giám sát an toàn) trên thiết bị di động thì nhanh chóng gỡ bỏ, xóa tệp tin mã độc tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Công an thành phố khẳng định Cổng Thông tin điện tử của Công an thành phố Hà Nội chỉ sử dụng duy nhất tên miền https://congan.hanoi.gov.vn, tất cả trang web khác có giao diện ghi Công an thành phố Hà Nội nhưng không có tên miền như trên đều là trang điện tử giả mạo.

16 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19

Tính tới 7 giờ sáng ngày 1/2, cả nước có 16 địa phương đã cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì dịch COVID-19. Các tỉnh, thành là: Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Hoà Bình, Hà Nội, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Gia Lai, Bình Phước.

Một số tỉnh, thành cũng cho học sinh nghỉ theo vùng trong tỉnh và đưa ra những cảnh báo, giải pháp học online trong bối cảnh dịch COVID-19. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh cho gần 30.000 học sinh, sinh viên tạm thời nghỉ học cho đến khi có thông báo mới. UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các nhà trường cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có tiếp xúc với các trường hợp F1 nghỉ học từ ngày 28/1/2021 và thực hiện cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe theo quy định cho đến khi có thông báo mới. Tại Phú Thọ, đoàn 666 giáo viên, học sinh và một số phụ huynh trường THPT Hiền Đa ở huyện Cẩm Khê vừa phải cách ly tại nơi cư trú sau khi về từ vùng có dịch. Do đó, Sở GD&ĐT Phú Thọ yêu cầu trường THPT Hiền Đa tạm dừng cho học sinh đến trường cho đến khi có thông báo mới.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tin nổi bật tuần từ ngày 25-31/1
Tin nổi bật tuần từ ngày 25-31/1

Tuần từ ngày 25-31/1, dư luận quan tâm tới các tin “nóng” về Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là công tác nhân sự bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát khởi đầu tại Quảng Ninh, Hải Dương, lan ra một số tỉnh, thành và các động thái tích cực trong phòng chống dịch của các địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN