Tin nổi bật ngày 29/1

Ngày 29/1, dư luận quan tâm tới các tin “nóng” về tình hình dịch bệnh COVID-19 cùng các động thái tích cực trong phòng chống dịch của các ngành, các cấp. Đồng thời, dư luận cũng quan tâm tới ngày làm việc về công tác nhân sự của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thảo luận về nhân sự được dự kiến giới thiệu vào BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày 29/01/2021, Đại hội lần thứ XIII của Đảng làm việc cả ngày tại đoàn về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp Đại hội Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu tài liệu và thảo luận về nhân sự được dự kiến giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; ghi Phiếu ứng cử, đề cử (bổ sung) vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Tiểu ban Nhân sự nhận báo cáo của các đoàn về việc ứng cử, đề cử; Đoàn Chủ tịch nghe các đồng chí trưởng đoàn báo cáo về danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Buổi chiều, Đoàn Chủ tịch thông báo tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đến các đoàn; Các đại biểu ghi Phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Đoàn Chủ tịch họp để xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử. Đoàn Thư ký xin ý kiến Đoàn Chủ tịch về những vấn đề Đại hội cần biểu quyết trong các văn kiện Đại hội XIII.

Thủ tướng chỉ đạo dập dịch hiệu quả trước Tết

Chiều 29/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID 19 và một số địa phương.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 29/1. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" vẫn còn nguyên giá trị nhưng “chống dịch trong bối cảnh bình thường mới”.

Thủ tướng nhấn mạnh, chủng virus mới lây lan rất nhanh, chúng ta cần hành động nhanh hơn, xét nghiệm nhanh trên diện rộng, thần tốc truy vết để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả ở các tỉnh, thành phố.

Một tinh thần Việt Nam, một quyết tâm của các cấp, các ngành ngăn chặn dịch kịp thời. Đó cũng chính là thành tích chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thủ tướng nói và đề nghị: “Nhanh chóng dập dịch hiệu quả trước Tết, khoanh gọn các ổ dịch là nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay”.

Chiều 29/1, Việt Nam có thêm 54 ca mắc mới COVID-19

Đến 18 giờ ngày 29/1, Việt Nam ghi nhận thêm 54 ca mắc mới COVID-19 trong 12 giờ qua, trong đó có 1 ca nhập cảnh.

Chú thích ảnh
Khử trùng phương tiện vận chuyển người bệnh tại ổ dịch COVID-19. Ảnh: BYT

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 29/1, Việt Nam có tổng cộng 839 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 709 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 21.345 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 134 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 20.014 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.197 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 29/1 có 18 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 26 ca.

Từ 30/1, vận tải thực hiện theo kế hoạch mới để phòng chống dịch

Ngày 29/1, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông ký văn bản số 877/BGTVT-VT gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải các địa phương thực hiện một số yêu cầu để phòng, chống diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Hành khách thực hiện việc khai báo y tế với Ban quản lý bến xe trung tâm (phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Thời gian áp dụng các biện pháp theo chỉ đạo từ 0h ngày 30/1/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Đáng lưu ý, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo thực hiện vận chuyển hành khách theo kế hoạch được nêu tại văn bản trên.

Cụ thể, đối với lĩnh vực vận tải đường bộ nội tỉnh: Chủ tịch UBND các tỉnh căn cứ tình hình thực tế của dịch COVID-19 của tỉnh (hoặc địa bàn trong tỉnh) để quyết định việc dừng, giãn, hoãn, điều chỉnh tần suất hoạt động vận chuyển trên toàn tỉnh (hoặc tại địa bàn trong tỉnh) đối với các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, xe hợp động, xe du lịch, xe taxi, xe buýt trong địa bàn tỉnh, trừ trường hợp vì lý do công vụ hoặc trường hợp thật sự cần thiết.

Hạn chế tối đa hoạt động của phương tiện cá nhân. Bảo đảm thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất.

"Trường hợp xe có hành trình đi qua tỉnh hoặc địa bàn tỉnh (vùng có dịch), không được dừng, đỗ để đón, trả khách tại địa bàn tỉnh (vùng) có dịch. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo vùng có dịch trên toàn tỉnh hoặc địa bàn thuộc tỉnh đến các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan biết và phối hợp thực hiện", Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, các hoạt động vận chuyển của tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt không qua tỉnh hoặc địa bàn tỉnh, vùng) có dịch được thực hiện bình thường.

Đối với lĩnh vực vận tải hàng hải và đường thủy trong phạm vi một tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc dừng, giãn, hoãn, điều chỉnh tần suất hoạt động vận chuyển khách trên các tuyến nội tỉnh, từ bờ ra đảo thuộc địa phương. Không hạn chế khai thác đối với các chuyến tàu không vận chuyển hành khách.

Kiểm soát thị trường trong dịch COVID-19

Sáng 29/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã tổ chức cuộc họp khẩn với Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng vật tư y tế trên phố Phương Mai, Hà Nội. Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN

Ông Hoàng Ánh Dương-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, ngay sau khi nắm bắt được thông tin các trường hợp lây nhiễm dịch COVID-19 mới xuất hiện trong cộng đồng, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục, các Cục Quản lý thị trường Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội đã nhanh chóng phát đi công văn hỏa tốc về việc tăng cường giám sát địa bàn, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng nhằm đẩy giá lên cao và thu lời bất chính.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An yêu cầu lực lượng thực hiện báo cáo nhanh về tình hình kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của lực lượng về các mặt hàng thiết yếu, trang thiết bị phòng chống dịch trên địa bàn các tỉnh, thành phố chậm nhất là 17h hàng ngày.

"Sát Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý thị trường khá vất vả vì đang trong giai đoạn cao điểm chống buôn lậu nhưng trước mắt cần tập trung chỉ đạo lực lượng thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyến, buôn bán các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, thiết bị y tế..., đặc biệt là cao điểm, trọng điểm các tỉnh phía Bắc” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị lực lượng tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về việc đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu.

Đề nghị tạm ngừng lễ hội ở một số địa phương

Ngày 29/1, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký ban hành công văn số 365/BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình dịch bệnh tại địa phương, quyết định hoãn hoặc dừng tổ chức các sự kiện thể thao trên địa bàn. Các địa phương chỉ đạo các cơ sở huấn luyện, cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao và các cơ sở hoạt động thể dục thể thao thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Công văn mới nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh nội dung tạm ngừng hoạt động tổ chức lễ hội, hoạt động dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, các hoạt động văn hoá tập trung đông người đối với các địa phương có dịch bệnh bùng phát.

Căn cứ tình hình thực tế, quyết định việc cho nghỉ học vì dịch COVID-19

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Chỉ thị về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Theo đó, căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương, Sở GD&ĐT phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định việc cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên nghỉ học. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm xem xét, quyết định cho sinh viên, học viên nghỉ học và thực hiện việc dạy và học theo hình thức trực tuyến.

PV/Báo Tin tức
Các điểm di tích Hà Nội kích hoạt chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất
Các điểm di tích Hà Nội kích hoạt chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất

Trước tình hình dịch COVID-19 đang nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng, các điểm di tích, điểm tham quan tại Hà Nội kích hoạt công tác phòng chống dịch ở mức cao nhất, đảm bảo an toàn cho du khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN