Thủ tướng: Giãn cách xã hội thành phố Chí Linh, tạm dừng hoạt động sân bay Vân Đồn
Trước thông tin các ca bệnh dương tính trong cộng đồng tại 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, chiều 28/1, Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Chỉ thị nêu rõ: Trong năm 2020, cả nước đã chung tay phòng chống dịch COVID-19 và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bước sang năm 2021, dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, đã phát hiện biến thể mới của virus có tốc độ lây lan nhanh ở trên 70 quốc gia.
Việt Nam, trong các ngày 27 và 28/1/2021 ghi nhận nhiều ca dương tính trong cộng đồng do biến thể mới của virus (72 ca tại nhà máy POYUN, Khu công nghiệp Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương và 11 ca liên quan đến nhân viên an ninh của sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh); là trường hợp lây nhiễm cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng.
Đối với tỉnh Hải Dương, Thủ tướng yêu cầu phong tỏa toàn bộ thành phố Chí Linh, thuộc tỉnh Hải Dương và áp dụng nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ thành phố, trong thời gian 21 ngày kể từ 12 giờ ngày 28/1/2021 theo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, thôn với thôn, xã với xã, phường với phường... Yêu cầu mọi người dân chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết (như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu), đi làm việc (tại cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc bị dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác. Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc.
Tạm dừng tất cả hoạt động trường học, hoạt động công cộng, cơ sở vui chơi, giải trí, tập trung đông người, các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.
Tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng từ thành phố Chí Linh ra bên ngoài, trừ các trường hợp vì lý do công vụ hoặc trường hợp thật sự cần thiết. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân. Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.
Người đứng đầu các cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương quyết định áp dụng biện pháp đóng cửa, dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng chống dịch; chỉ đạo truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch, xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện cách ly tập trung với các trường hợp tiếp xúc gần trong 21 ngày; căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn, quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020
Đối với tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng yêu cầu: Tạm dừng hoạt động của Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn kể từ giờ ngày 28/1/2021.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định áp dụng biện pháp đóng cửa, dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng chống dịch; chỉ đạo truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch, xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện cách ly tập trung với các trường hợp tiếp xúc gần trong 21 ngày; căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn, quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/3030 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo: Rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp, các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người. Quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn. Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các giải pháp về đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các vi phạm.
Chỉ thị cũng yêu cầu: Bộ Y tế tập trung nguồn lực, kịp thời hỗ trợ các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương nhanh chóng dập dịch; chủ động có phương án, kịch bản để xử lý hiệu quả trong tình huống dịch bệnh bùng phát.
Theo Chỉ thị này, các bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh, tổ chức nhập cảnh trái phép.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí và Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục thông tin về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân đề cao cảnh giác, không hoang mang với dịch bệnh.
Trước đó, sau khi phát hiện các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng (tại Hải Dương và Quảng Ninh), sáng 28/1, ngay tại khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, nơi đang diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập cuộc họp khẩn về công tác phòng, chống COVID-19.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện biện pháp hành chính mạnh mẽ như: Không di chuyển người từ khu vực Hải Dương, Quảng Ninh ra ngoại tỉnh. Tiếp tục sàng lọc, tìm nguồn gốc, nguyên nhân và gốc của ổ dịch.
Trước đó, sau khi phát hiện các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng (tại Hải Dương và Quảng Ninh), sáng 28/1, ngay tại khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, nơi đang diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập cuộc họp khẩn về công tác phòng, chống COVID-19.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện biện pháp hành chính mạnh mẽ như: Không di chuyển người từ khu vực Hải Dương, Quảng Ninh ra ngoại tỉnh. Tiếp tục sàng lọc, tìm nguồn gốc, nguyên nhân và gốc của ổ dịch.
Phòng, chống dịch COVID-19 phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết
Chiều 28/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để quán triệt quán triệt tinh thần phòng, chống dịch trong điều kiện mới.
Phó Thủ tướng nhắc lại Công văn số 35/TTg-KGVX ngày 13/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch; phân công cán bộ xử lý công việc thay các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ các biện pháp, kịch bản phòng, chống dịch trong lĩnh vực, địa bàn.
Các đồng chí hiện là Trưởng ban chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo nếu tham gia Đoàn đại biểu đi dự Đại hội cần bàn giao, thống nhất cơ chế điều hành, cơ chế thông tin với các đồng chí được phân công thay mình xử lý công việc liên quan tới phòng, chống dịch, đảm bảo công tác phòng, chống dịch thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Theo Phó Thủ tướng "những vấn đề dự kiến từ khi bắt đầu phòng, chống dịch là luôn phải sẵn sàng. Những sự cố xảy ra đều đã được lường trước và nếu thực hiện nghiêm sẽ tránh được nhiều trường hợp đáng tiếc".
Nhắc đến nguyên nhân "ổ dịch'' ở thành phố Chí Linh (Hải Dương) và sân bay Vân Đồn có các ca lây nhiễm rất cao trong một ''mẻ" xét nghiệm, Phó Thủ tướng cho rằng đó là do là biến thể mới của SARS-CoV-2 lây lan rất nhanh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các tỉnh tiến hành khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm ngay khi có thông tin ca nhiễm.
"Trong đợt xét nghiệm cho kết quả vào tối nay và sáng mai, khả năng sẽ có thêm nhiều ca bệnh nữa. Nhưng không vì số lượng lớn mà chúng ta lo ngại, bởi đã tiến hành khoanh vùng, lấy mẫu rộng hơn những lần trước rất nhiều. Tỉnh Quảng Ninh cũng lấy mẫu xét nghiệm tới đối tượng F3. Từ trường hợp ''ổ dịch'' ở thành phố Chí Linh (Hải Dương), tất cả các tỉnh, thành phố phải sẵn sàng vì không ai dám chắc không xảy ra ca nhiễm trên địa bàn - Phó Thủ tướng nói.
Về nguồn bệnh, Phó Thủ tướng cho rằng khó lường nhất là mềm bệnh trong cộng đồng, nhưng nếu thực hiện đúng các biện pháp như Thông điệp 5K, nhất định sẽ phát hiện ra nếu có. Nguồn bệnh thứ hai từ nhóm người nhập cảnh hợp pháp, được đưa vào cách ly, đã có hướng dẫn đầy đủ nhưng việc thực hiện chưa nghiêm.
Lấy dẫn chứng: Người nhập cảnh hợp pháp phải khai báo y tế điện tử bắt buộc trước khi về nước, nhưng có chuyến gần đây về nhiều người vẫn không khai báo y tế hay các quy định đón, đưa người từ sân bay về khu cách ly tập trung, giao, nhận người hoàn thành cách ly tập trung về cách ly, giám sát y tế tại nhà chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chỉ thị 05/CT-TTg nâng thời gian cách ly lên 21 ngày nhưng khi về đến nơi cư trú người nhập cảnh hợp pháp phải được giám sát chặt chẽ, liên tục.
Đối với nguy cơ từ người nhập cảnh bất hợp pháp, Phó Thủ tướng chia sẻ vất vả khó khăn với các tỉnh biên giới, đặc biệt là lực lượng biên phòng, công an và cho rằng không thể ''khoán trắng'' cho lực lượng chức năng, nhất định phải phát động toàn dân tham gia ngăn chặn triệt để những trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp. Chính quyền, công an cơ sở cần tích cực tuyên truyền, vận động để những gia đình có người thân ở nước ngoài nếu buộc phải về nước, thì phải về theo đường hợp pháp, thực hiện khai báo y tế đầy đủ, chấp hành cách ly. Trường hợp, người dân phát hiện người lạ hay người có biểu hiện từ nước ngoài về cần báo ngay cho chính quyền địa phương.
''Nếu chúng ta thực hiện tốt các giải pháp ngăn chặn, chắc chắn dịch sẽ không bùng phát rộng, có chăng chỉ vài đốm lửa nhỏ và sẽ khoanh, dập được ngay. Kiểm soát được dịch hay không là ở các đồng chí. Ban Chỉ đạo quốc gia đã có các kịch bản ứng phó, luôn lường đến những tình huống xấu để tình huống đó không xảy ra. Biến thể mới của virus lây nhanh hơn thì chúng ta phải nhanh hơn nữa. Bằng các biện pháp quyết liệt ngay từ 27/1, chúng ta có lòng tin và quyết tâm sẽ khoanh vùng và dập gọn trong thời gian sớm nhất. Văn bản, quy định, hướng dẫn đã có đủ, trách nhiệm là của tất cả chúng ta, nhất là các tỉnh không được có tâm lý dịch bệnh ở đâu chứ không phải ở địa phương mình. Tất cả phải hết sức trách nhiệm vì sự bình yên của nhân dân" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Ngày làm việc thứ ba của Đại hội XIII
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.
Đã có 13 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các đảng bộ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan phát biểu ý kiến, gồm: Bộ Nội vụ, tỉnh Bến Tre, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tỉnh Yên Bái, Bộ Công Thương, Khối Doanh nghiệp Trung ương, thành phố Cần Thơ, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Khối các cơ quan Trung ương, tỉnh Kon Tum.
Tính đến ngày làm việc thứ ba, đã có 36 ý kiến phát biểu tại Hội trường và 788 ý kiến phát biểu tại Đoàn về các văn kiện Đại hội XIII. Không khí phát biểu sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ.
Đầu giờ buổi chiều, Đại hội làm việc tại Hội trường về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là 200 đồng chí, gồm 180 đồng chí Ủy viên chính thức và 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết.
Ngày 28/1: Công bố 91 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 ca nhập cảnh
Tính từ 18 giờ ngày 27/1 đến 18 giờ ngày 28/1, Việt Nam có 91 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 7 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cùng với hai ca bệnh 1552 và 1553 đã được công bố sáng 28/1, cộng 82 ca công bố trong buổi sáng tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 nâng tổng số ghi nhận 84 ca lây nhiễm trong cộng đồng vào ngày 28/1
Cùng với 7 ca nhập cảnh được cách ly ngay, tổng số ca mắc COVID-19 trong ngày 28 là 91 ca.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 28/1, Việt Nam có tổng cộng 777 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 638 ca.
Quảng Ninh kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở mức độ cao nhất
Ngay trong đêm ngày 27 rạng sáng này 28/1, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành họp khẩn để kích hoạt ngay các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở mức độ cao nhất khi có thông tin về ca bệnh trên địa bàn.
Trên cơ sở đánh giá tất cả các nguy cơ lây nhiễm với tinh thần chủ động phòng chống ở mức độ cao nhất, quyết liệt nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn yêu cầu các địa phương ngay lập tức tập trung tối đa nhân lực trong công tác truy vết và sàng lọc đến F4 và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ngay khi có danh sách. Đồng thời tuyên truyền để người dân cùng vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc truy vết.
Học sinh, sinh viên từ cấp mầm non đến Đại học trong toàn tỉnh nghỉ học từ hôm nay đến hết tuần. Hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người. Các địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác phòng chống dịch. Sở Giao thông vận tải phối hợp với các sở, ngành, địa phương thiết lập ngay các chốt kiểm soát phòng chống dịch trên các tuyến giao thông ra vào tỉnh. Đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối với các địa phương của tỉnh Hải Dương. Bổ sung ngay vật tư y tế dự phòng cho công tác phòng dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặc biệt nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, vì vậy tất cả các biện pháp phòng chống phải được thực hiện một cách quyết liệt nhất, chủ động nhất. Đặc biệt, Chính quyền các địa phương phải chủ động chuẩn bị ngay các vật tư y tế, trang thiết bị phòng chống dịch để sẵn sàng ứng phó với trường hợp xấu nhất.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, ngay trong đêm, Sở Y tế đã phối hợp với các địa phương tiến hành truy vết, xác định các trường hợp tiếp xúc gần.Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh CDC đã lấy mẫu xét nghiệm ngay trong đêm đối với các trường hợp F1.
Học sinh, sinh viên Hải Dương, Hải Phòng nghỉ học từ 29/1 cho đến khi có thông báo mới
Ngày 28/1, UBND tỉnh Hải Dương đã thông qua tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động - Thương binh Xã hội tỉnh; về việc cho phép học sinh, sinh viên, học viên trong tỉnh nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 29/1 đến khi có thông báo mới.
Chiều 28/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng ra thông báo cho phép học sinh các cấp nghỉ học vì dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại hai địa phương liền kề.