Tin nổi bật ngày 30/1

Ngày 30/1, những thông tin nóng vẫn xoay quanh vấn đề truy vết, cách ly, nâng cao cảnh giác phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương. Ngoài ra, Đại hội Đảng lần thứ XIII công bố nhân sự mới trong tối nay cũng là vấn đề được người dân quan tâm nhất.

Gia Lai có 5 trường hợp dương tính lần 1 với SARS-CoV-2

Chiều 30/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai tiếp tục ra công điện số 4 thông tin trên địa bàn tỉnh có thêm 3 trường hợp dương tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người mắc COVID-19. Ảnh: TTXVN

Như vậy, tính đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai đã có 5 trường hợp xét nghiệm dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 liên quan đến các địa phương đã ghi nhận ca bệnh dương tính.

Cụ thể như sau: Trường hợp: T.T.M., sinh năm 1954, là mẹ của ông H.L.H (đã ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2 sáng ngày 30/1) địa chỉ trú tại tổ 4, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa.

Trường hợp: N.M.T, sinh năm 1993, trú tại tổ 4, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa. Là hàng xóm, ở gần nhà của gia đình ông H.L.H.

Trường hợp: R.M.H.N, sinh năm 1986, trú tại xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa. Trường hợp này có tham gia đám cưới tại nhà anh L.V.T ở xã Ia Trốk, huyện Ia Pa.

Các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp trên hiện đang được các cơ quan chức năng phối hợp xác minh, sàng lọc, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Cũng theo công điện số 4 của UBND tỉnh Gia Lai, bước đầu xác định được hai ổ dịch là: tại tổ 4, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa và tại đám cưới ở Bôn Tong Se (gần ga-ra Tiến Đạt) ở xã Ia Trốk, huyện Ia Pa. Dịch đã lây lan trong cộng đồng, chủng dịch nguy hiểm, lây lan rất nhanh, mạnh.

Để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, dập dịch, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu khẩn cấp phong toả toàn bộ địa bàn thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa từ 14 giờ ngày 30/1/2021 cho đến khi có thông báo mới và áp dụng nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, tỉnh Đắk Lắk xác định được 6 trường hợp đi cùng chuyến xe với bệnh nhân nghi mắc COVID-19 tại Gia Lai. Trong đó, có 1 trường hợp đến huyện Krông Ana và đã trở về lại tỉnh Hải Dương; 5 trường hợp còn lại ở huyện Ea H’leo (2 người), Cư M’gar (2 người), Ea Súp (1 người).

Tối 29/1 rạng sáng 30/1, lực lượng y tế đã đưa 5 trường hợp trên về cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế các địa phương và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời giám sát chặt chẽ và yêu cầu cách ly tại chỗ đối với những người có tiếp xúc gần với 5 trường hợp trên.

Đồng Tháp: Tạm ngưng các hoạt động tại một cơ sở giáo dục

Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, địa phương ghi nhận một trường hợp F1 có tiếp xúc với BN1660 trên cùng chuyến bay VN213. Trong cuộc họp khẩn sáng 30/1, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu đã chỉ đạo thần tốc truy vết các trường hợp có tiếp xúc với trường hợp F1 này.

Trường hợp F1 nêu trên là giảng viên của Trường Đại học Đồng Tháp, đi cùng chuyến bay VN213 từ sân bay Nội Bài đến Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 28/1/2021 và có tiếp xúc với BN1660. Sau khi về địa phương, trường hợp F1 này đã chủ động khai báo và được cách ly tập trung tại khu cách ly Trường trung cấp Hồng Ngự (thành phố Hồng Ngự). Qua thông tin khai báo ban đầu, có 17 trường hợp tiếp xúc gần với F1 này. Hiện mẫu xét nghiệm của trường hợp F1 đã được gửi về Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến ngày 31/1/2021 sẽ có kết quả xét nghiệm lần 1.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Đoàn Tấn Bửu chỉ đạo đặt mức cảnh báo và phòng, chống cao hơn bình thường, xem F1 là F0, xem F2 là F1, F3 là F2, truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc để chủ động các biện pháp, kịch bản ứng phó trong tình trạng khẩn cấp có thể xảy ra. Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh, Trường Đại học Đồng Tháp thần tốc truy vết các trường hợp có tiếp xúc với F1 này.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu kích hoạt hệ thống báo gọi, thiết lập dịch tễ, truy tìm khẩn cấp các trường hợp tiếp xúc với F1; đồng thời đề nghị Trường Đại học Đồng Tháp tạm ngưng các hoạt động, khuyến cáo lãnh đạo, giảng viên, nhân viên, sinh viên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Quảng Ninh thành lập Bệnh viện dã chiến số 3

Ngày 30/1/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 291/QĐ-UBND về việc thành lập Bệnh viện số 3 thu dung, điều trị và cách ly bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do SAR-CoV-2.

Chú thích ảnh
Cán bộ y tế trung tâm y tế huyện Vân Đồn ra quân ngày cao điểm thứ 2, ngày 30/1/2021. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, Bệnh viện dã chiến số 3 được đặt tại Bệnh viện Đa khoa Hạ Long, quy mô 250 giường bệnh. Ban Giám đốc Bệnh viện Hạ Long trưng dụng toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế  của Bệnh viện và các nhân viên do Sở Y tế điều động tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Bệnh viện dã chiến số 3 sẽ chịu trách nhiệm thu dung, khám bệnh và điều trị, theo dõi bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 theo các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

TP Hồ Chí Minh sẵn sàng các khu cách ly tập trung

Tại cuộc họp khẩn về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh vào ngày 30/1, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định thành phố chưa phát sinh ổ dịch trong cộng đồng mà chỉ đang ở mức nguy cơ cao. Trường hợp bệnh nhân phát hiện tại quận 11 cũng từ Hải Dương vào, hiện đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi

Như vậy, TP Hồ Chí Minh đến nay có 165 trường hợp mắc bệnh đã được công bố, trong đó 32 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 19,39%), 133 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 80,60%).

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, ngoài việc mở rộng truy vết xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh thì những người đi từ vùng dịch như Quảng Ninh, Hải Dương cũng phải được lấy mẫu xét nghiệm và được cách ly.

Chú thích ảnh
Ông Võ Văn Hoan khẳng định, thành phố chưa có dịch trong cộng đồng nhưng nguy cơ dịch từ bên ngoài vào là rất cao. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Ông Nguyễn Trí Dũng cho rằng, TP Hồ Chí Minh đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm trong thời gian tới, tuy nhiên việc sắp xếp công tác cách ly rất quan trọng. "Hiện các quận, huyện đã kích hoạt lại các khu cách ly tập trung, tuy nhiên để đảm bảo cho công tác cách ly thì các quận, huyện cần phải tăng số giường cách ly tối thiểu lên 100 giường", ông Nguyễn Trí Dũng cho biết.

Theo thống kê, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh có 5 chuyến bay với tổng cộng 750 - 800 khách từ sân bay Vân Đồn đến sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu trong đó chỉ có 50% người ở lại TP Hồ Chí Minh thì số lượng người cần cách ly trên địa bàn thời gian này có thể lên tới 3.000-5.000 người.

Theo ngành du lịch TP Hồ Chí Minh, qua rà soát có 1.253 người từ TP Hồ Chí Minh đến Quảng Ninh và Hải Dương, trong đó 155 người từ Quảng Ninh, Hải Dương đang lưu trú tại các cơ sở lưu trú ở TP Hồ Chí Minh. Ngành du lịch đã gửi tất cả danh sách những trường hợp trên cho ngành y tế quận, huyện quản lý để rà soát và truy vết kịp thời.

Theo đó, ngày 30/1, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản khẩn gửi UBND 24 quận, huyện về việc rà soát khách lưu trú trên địa bàn nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đồng thời, các cơ sở lưu trú cần rà soát, nắm đầy đủ thông tin cá nhân của khách từ 1/1/2021 đến nay; chỉ đạo các cơ sở lưu trú nghiêm túc triển khai Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 đối với lĩnh vực du lịch, đồng thời khuyến khích các cơ sở lưu trú đăng ký trực tuyến tự đánh giá an toàn COVID-19 trong tình hình mới.

Việt Nam có thêm 28 ca mắc mới COVID-19, trong đó Hà Nội thêm 2 ca

Tính đến 18 giờ ngày 30/1, Việt Nam có tổng cộng 901 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 208 ca.

Riêng ngày 30/1, Việt Nam ghi nhận thêm 28 ca mắc mới COVID-19 trong 12 giờ qua, trong đó Hà Nội có 2 ca cộng đồng. Cụ thể: TP Hồ Chí Minh ghi nhận 1 ca bệnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Bệnh nhân nam, 47 tuổi, quốc tịch Mỹ, là chuyên gia. Bệnh nhân từ Mỹ, quá cảnh Hàn Quốc, sau đó nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/1/2021. Kết quả xét nghiệm ngày 29/01/2021 dương tính với SARS-CoV-2.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn ghi nhận 1 ca bệnh, nam, 28 tuổi, có địa chỉ thường trú tại tỉnh Hải Dương và có tiền sử tiếp xúc với BN1612 là trường hợp mắc bệnh trước đó tại ổ dịch của Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Tỉnh Gia Lai ghi nhận 2 ca bệnh, là 2 vợ chồng, có địa chỉ thường trú tại thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai và có liên quan dịch tễ đến trường hợp mắc trước đó là BN1612 là trường hợp mắc bệnh trước đó tại ổ dịch của TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Thành phố Hà Nội ghi nhận 2 ca bệnh: 1 bệnh nhân nam, 40 tuổi, có địa chỉ thường trú tại quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội, có tiền sử tiếp xúc với BN1584 và 1 bệnh nhân nam, 34 tuổi, có địa chỉ thường trú tại quận Đông Anh, Hà Nội, có tiền sử tiếp xúc với BN1694.

Tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 4 ca bệnh ngày là các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân trước đó tại ổ dịch của Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Tỉnh Hải Dương ghi nhận 18 ca bệnh mắc mới, thông tin dịch tễ đang được điều tra bổ sung.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 21.857 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 149 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 19.995 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.713 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), ngày 30/1 có thêm 8 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN1480, BN1483, BN1484, BN1485, BN1524, BN1530, BN1531, BN1537.

Số ca âm tính với SARS-CoV-2 hiện là 13 ca.

Các siêu thị cung ứng đủ khẩu trang, nước rửa tay

Trước những thông tin về dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện trở lại và có diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn cấp và Công điện số 526/CĐ-BCT chỉ đạo các địa phương, yêu cầu các chuỗi siêu thị lớn chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến mới, có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các vùng sản xuất, tăng lượng cung ứng cho địa bàn các tỉnh, thành phố có dịch bệnh, cần cách ly hoặc giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh
Người dân tìm mua các loại khẩu trang vải kháng khuẩn trong siêu thị tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Đặc biệt, trong mọi tình huống đều phải đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu; trong đó có khẩu trang vải, nước rửa tay khử khuẩn, để người dân tiếp cận phòng chống dịch, không để xảy ra tình trạng xáo trộn đời sống của nhân dân.

Ngày làm việc thứ 5, Đại hội XIII của Đảng: Tiếp tục làm việc về công tác nhân sự

Trước đó, ngày 29/01/2021, Đại hội làm việc cả ngày tại đoàn về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Sau khi nghiên cứu tài liệu và thảo luận về nhân sự được dự kiến giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các đại biểu tiến hành ghi Phiếu ứng cử, đề cử (bổ sung) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Tiếp đó, các đại biểu ghi Phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đoàn Chủ tịch họp để xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử.

Đoàn Thư ký xin ý kiến Đoàn Chủ tịch về những vấn đề Đại hội cần biểu quyết trong các Văn kiện Đại hội XIII.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, công tác chuẩn bị nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất cao; đồng thời tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, hiệu quả theo phương châm: Làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó.

 Thực hiện có hiệu quả quan điểm xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực thực tiễn; giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả; bảo đảm phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, độ tuổi, giới tính, dân tộc..., nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong Nhân dân.

Quy trình nhân sự được tiến hành theo các bước chặt chẽ, kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; đồng thời được cụ thể hóa cho cả các trường hợp tái cử, lần đầu tham gia và theo từng nhóm đối tượng chức danh. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải bảo đảm chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; bảo đảm sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.

Trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị nhân sự, tại các Hội nghị Trung ương lần thứ 13, 14 và 15, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách nhân sự đề cử để trình Đại hội XIII của Đảng xem xét, bầu cử theo quy định.

Cuối giờ chiều 30/1/2021, các đại biểu tiến hành bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Tin nổi bật ngày 29/1
Tin nổi bật ngày 29/1

Ngày 29/1, dư luận quan tâm tới các tin “nóng” về tình hình dịch bệnh COVID-19 cùng các động thái tích cực trong phòng chống dịch của các ngành, các cấp. Đồng thời, dư luận cũng quan tâm tới ngày làm việc về công tác nhân sự của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN